Cũng theo Nhóm Công tác Ngân hàng, kiến nghị này là bởi điều này nhu cầu đầu tư và nhu cầu thu hút vốn còn tùy thuộc vào đặc thù của từng ngân hàng, từng nhà đầu tư, cũng như các quỹ…
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2013 với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - từ chương trình tới hành động”, Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) đã chuyển tới Chính phủ các kiến nghị xung quanh vấn đề quản trị công ty, Thông tư 02, nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản (VAMC), tăng vốn và sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Quản trị công ty và thông tư 02
Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, đại diện cho BWG khuyến nghị: Việt Nam cần thúc đẩy công tác quản trị của hệ thống ngân hàng tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế trên các khía cạnh thực thi luật, minh bạch, quản trị rủi ro, mở rộng cơ cấu sở hữu, giảm ảnh hưởng cổ đông lớn, tăng cường kiểm tra, giám sát... Để thực hiện các mục tiêu này, cần đảm bảo thực thi Basel II vào năm 2015, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế về trích lập dự phòng, Thông tư 02 cần thực thi đúng lộ trình đề ra…
Thay mặt NHNN, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc phản hồi, một trong những giải pháp căn bản để thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015 là tập trung vào mục tiêu đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, tăng cường công tác quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đặc biệt hiện đại hóa hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ để các ngân hàng có khả năng tự kiểm soát một cách hiệu quả các loại rủi ro trong hoạt động, mà trước hết là chất lượng tín dụng và khả năng thanh khoản.
Ngành ngân hàng đang tăng cường công tác quản trị phù hợp với chuẩn mực quốc tế
“Thời gian qua, NHNN đã ban hành một số văn bản yêu cầu các TCTD tự kiểm soát, nâng cao chất lượng hệ thống quản trị và thời gian tới, theo lộ trình, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định yêu cầu về quản trị rủi ro tối thiểu, yêu cầu đảm bảo các giới hạn trong hoạt động ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế và cũng sẽ có lộ trình thực hiện Basel II đối với từng loại hình TCTD”, ông Hưng nói.
Đối với việc thay đổi thời gian thực hiện Thông tư số 02/2013/TTNHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sang ngày 1/6/2014, ông Hưng cho biết thêm, để đảm bảo các TCTD, chi nhánh NHNN chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện Thông tư 02, ngày 17/9/2013, Thống đốc NHNN đã có Chỉ thị số 04/CT-NHNN yêu cầu các TCTD báo cáo phương án triển khai và cam kết thực hiện để đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định tại Thông tư 02 khi có hiệu lực thi hành.
Nợ xấu và VAMC
Liên quan đến vấn đền nợ xấu, ông Sumit cho rằng, cần đảm bảo tính nhất quán trong việc định nghĩa nợ xấu cũng như mức độ nâng cao thông tin liên quan đến nợ xấu, bởi chỉ khi nắm rõ được tình hình nợ xấu mới có được giải pháp cụ thể, phù hợp. Đối với VAMC, cần có giải pháp định giá hiệu quả tài sản cho thị trường, VAMC không nên vội vã xử lý bất kỳ tài sản nào được chuyển giao và quan trọng là tăng cường tính minh bạch để củng cố niềm tin trong quá trình thực hiện.
“Điều này rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, giúp tăng tốc độ phục hồi hệ thống ngân hàng”, ông Sumit nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xử lý nợ xấu, NHNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào tháng 5/2013 với 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai.
“Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ; ban hành danh sách các công ty thẩm định giá, công ty kế toán, kiểm toán đủ tiêu chuẩn tham gia quá trình xử lý nợ xấu để xác định giá trị thị trường của doanh nghiệp, tài sản và các khoản nợ xấu. Theo đó, việc định giá tài sản theo giá trị thị trường của VAMC sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn”, ông Hưng nhấn mạnh. ”Và sau khi mua các khoản nợ xấu, VAMC sẽ tiến hành phân loại các khoản nợ, khách hàng vay... Việc xử lý, bán tài sản là biện pháp áp dụng cuối cùng trong trường hợp khách hàng được đánh giá là không có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ”.
Tăng vốn và sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài
Nợ xấu gia tăng nhưng kỳ vọng được xóa bỏ bằng sự tham gia của VAMC, do đó, theo ông Sumit, việc tăng vốn cần được tính toán kỹ. Bên cạnh đó, cần xem xét cụ thể hơn quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các NHTM trong nước, bởi điều này còn tùy thuộc vào đặc thù của từng ngân hàng, từng nhà đầu tư cũng như các quỹ…
“Việc nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn tại NHTM trong nước không chỉ liên quan đến vốn mà còn liên quan đến quá trình thúc đẩy quản trị và áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất của khu vực và thế giới”, ông Sumit nói.
Liên quan đến việc tăng vốn do xử lý nợ xấu qua VAMC, ông Hưng cho rằng, trong quá trình xây dựng Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập VAMC, NHNN đã tiến hành đánh giá tác động của việc xử lý nợ xấu qua VAMC đối với hệ thống các TCTD để xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu. Trên cơ sở lợi nhuận của toàn hệ thống trong thời gian qua, NHNN cho rằng, nguồn thu của các TCTD đủ để bù đắp chi phí trích lập dự phòng do xử lý nợ xấu qua VAMC.
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các ngân hàng nước ngoài được hiện diện tại Việt Nam dưới các hình thức ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, tham gia sở hữu cổ phần của các NHTM Việt Nam. Hơn nữa, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài (tối đa là 20%) cũng được nhìn nhận là ưu đãi hơn so với một nhà đầu tư trong nước (tối đa là 15%).
“Ngoài ra, NHNN hiện đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của NHTM Việt Nam, trong đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần tại các NHTM cổ phần yếu kém được cơ cấu cao hơn mức thông thường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể. Như vậy, Chính phủ, NHNN rất khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần, hỗ trợ các TCTD Việt Nam”, ông Hưng nhấn mạnh.
>> VBF quan ngại về tham nhũng
>> Lộ diện phương án nới room ngân hàng
>> Nới room ngân hàng yếu kém: Không dễ mời gọi nhà đầu tư nước ngoài