Thành phố 40 tỷ USD
Bắt đầu xây dựng từ năm 2003 trên một hòn đảo nhân tạo, theo kế hoạch thì tới năm 2015, Songdo sẽ hoàn tất việc xây dựng với chi phí lên tới 40 tỷ USD. Songdo được coi là thành phố công nghệ cao của thời hiện đại.
Đang trong quá trình hoàn thiện, nên nếu ngắm thành phố từ trên cao xuống vẫn nhiều màu xám hơn màu xanh mát mắt của cây cối. Tuy nhiên, tại Songdo, quy hoạch dành đến 40% diện tích cho không gian xanh, nhiều lối đi nhỏ trong thành phố được thiết kế dành cho xe đạp và người đi bộ. Thành phố khuyến khích người dân sử dụng ô tô điện để di chuyển. Việc hút thuốc ở ngoài trời cũng bị nghiêm cấm, ngoại trừ khu vực riêng.
Kiến trúc ở Songdo giống như một thế giới thu nhỏ. Ở đây, ta có thể bắt gặp nhiều địa danh nổi tiếng trên thế giới như kênh đào tại Venice, nhà hát vỏ sò tại Sydney hay các đại lộ ở Pháp.
Được kỳ vọng trở thành trung tâm không chỉ của Hàn Quốc, mà của toàn bộ châu Á, Songdo đang nỗ lực biến mình thành trung tâm về tri thức của thế giới. Hàng loạt trường đại học quốc tế đã được mở với ngôn ngữ chung tại thành phố sẽ là tiếng Anh, với mục đích thu hút 70% sinh viên là người nước ngoài.
Đơn cử như SUNY Korea. Thành lập vào năm 2012, SUNY là trường đại học đầu tiên của Mỹ được thành lập trên đất Hàn, có mức học phí 130.000 USD/khóa học 2 năm, trong đó có một năm học tại Mỹ. SUNY hiện có 300 sinh viên, trong đó khoảng 30% là người nước ngoài và có một sinh viên người Việt Nam. TS. ChoonHo Kim, Chủ tịch
của SUNY Korea cho hay, trường dự kiến thu hút tới 3.000 sinh viên.
SUNY Korea có quy mô đầu tư 430 tỷ Won, tương đương 430 triệu USD, cơ sở vật chất từ phòng học, phòng lab, thư viện đến các nơi thư giãn của sinh viên khiến những cán bộ, chuyên gia Việt Nam tham gia khóa đào tạo về công nghiệp hỗ trợ không tiếc lời trầm trồ.
Nền kinh tế tri thức
Những năm 90 của thế kỷ trước, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng nền tảng cho kinh tế tri thức. "Khi đó, chúng tôi chậm hơn Nhật Bản 50 năm, so với Mỹ là 100 năm, châu Âu thì còn lâu hơn. Nhưng chúng tôi đã chạy rất nhanh trong 20 năm qua", TS. ChoonHo Kim nhận xét.
Tại thời điểm đó, công nghệ thông tin đã được xứ sở Kim Chi phát triển mạnh, là cơ sở tạo ra hạ tầng mạng hiện đại ngày nay. Khi ADSL tốc độ cao đã được phổ cập tại Hàn Quốc năm 1998, cùng với mở cửa, chuyện đi tắt, đón đầu đã trở thành hiện thực.
Trước đó, những năm 50 đầu 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc bắt đầu phát triển công nghiệp nhẹ hướng vào xuất khẩu. Giai đoạn những năm 70-80 là chuyển trọng tâm vào các lĩnh vực cơ bản như hóa, công nghiệp nặng, thép, đóng tàu, ô tô. Dẫu vậy, TS. ChoonHo Kim cũng cho rằng, chỉ đến khi bước vào nền kinh tế tri thức, Hàn Quốc mới thực sự tiến hành cuộc cách mạng lớn. Nếu như năm 1961, GDP bình quân/người chỉ là 79 USD thì tới năm 2013 đã là 26.205 USD. Còn kim ngạch xuất khẩu cũng tăng từ 32,8 triệu USD lên 559,6 tỷ USD trong cùng thời gian, đứng thứ 8 thế giới về quy mô.
Thành quả này được các giáo sư tham gia giảng dạy ở SUNY Korea cho rằng có sự đóng góp không nhỏ của công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong phát triển công nghiệp và kinh tế Hàn Quốc cũng chỉ được nhận ra khi khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997 diễn ra, khiến thâm hụt thương mại giữa Hàn Quốc với Nhật Bản lên tới cả trăm tỷ USD. Lý do là vì, Hàn Quốc phải nhập nhiều linh kiện từ Nhật Bản.
Biết rằng nếu chỉ mua của nước ngoài thì nhanh và dễ, nhưng thế thì chỉ có thể sản xuất đơn giản hoặc lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, Hàn Quốc đã có những thay đổi lớn để phát triển công nghiệp trong nước.
Bắt đầu từ năm 2000, Hàn Quốc chuyển từ chính sách bảo hộ sang phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước. Có hẳn bộ luật riêng về công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu tạo ra những sản phẩm thân thiện, có tính thương mại cao.
Kế hoạch lần 1 trong giai đoạn 2001 - 2006 được triển khai với việc đưa ra cơ chế, biện pháp hỗ trợ, thực thi hiệu quả để phát triển các công ty trọng điểm trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Tới năm 2007, mục tiêu toàn cầu hóa, tiến ra thị trường thế giới đã khiến kế hoạch lần 2 có đích nhắm rõ ràng hơn. Đó là sản xuất ra các vật liệu dẫn đầu, thương hiệu hóa phụ tùng, linh kiện. "Nước nào, doanh nghiệp nào phát triển được các vật liệu mới sẽ rất có ưu thế trong quá trình phát triển", đó là kinh nghiệm được đúc kết.
Mục tiêu được đặt ra cho năm 2020 là tăng tỷ lệ xuất khẩu của các sản phẩm từ 229 tỷ USD năm 2010 lên gấp 3 lần; có 800 doanh nghiệp uy tín và có 6.000 doanh nghiệp trung kiên làm công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt vươn lên vị trí thứ 4, trên Nhật Bản trong bảng xếp hạng toàn cầu về ngành công nghiệp hỗ trợ, thay vì vị trí thứ 6 của năm 2010.
Những mục tiêu lớn lao, nhưng rất thực tế của người Hàn Quốc hay TP. Songdo vẫn ngày một hoàn thiện như kỳ vọng, thậm chí bắt đầu trở thành khát khao của nhiều thành phố khác trên thế giới. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho ý chí, nỗ lực và sức sáng tạo của con người ở một đất nước Hàn Quốc.