Sóng ngành chứng khoán, nhà đầu tư chốt lãi bằng lần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản thị trường tăng mạnh cùng với thông tin tăng vốn ở nhiều công ty chứng khoán giúp nhóm cổ phiếu ngành này nối dài sóng tăng.
Sóng ngành chứng khoán, nhà đầu tư chốt lãi bằng lần

Nhà đầu tư ăn lãi bằng lần

Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán đã tăng vọt sau khi một số công ty tiếp tục công bố phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Đơn cử, cổ phiếu SSI (của Công ty Chứng khoán SSI) tăng mạnh sau khi Công ty công bố phương án tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cổ phiếu VND (của Công ty Chứng khoán VNDirect) cũng liên tiếp chinh phục đỉnh mới và hiện đang có thị giá cao nhất ngành khi có lúc vượt qua mốc 78.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 19/11). Một trong những thông tin củng cố cho đà tăng của cổ phiếu này là ngày 6/12 tới, Công ty sẽ tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường để trình phương án chào bán hơn 434,9 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Ghi nhận đà tăng mạnh nhất trong ngành là cổ phiếu APS (của Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương), với mức tăng gần 60% chỉ trong 3 tuần (kể từ đầu tháng 11). Nếu tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 13 lần. Mới đây, APS đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 830 tỷ đồng lên 1.660 tỷ đồng, thông qua phát hành 83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 1:1 và thực hiện trong quý IV/2021.

Nhiều nhà đầu tư khi chốt lãi cổ phiếu APS ở mức giá 3x đã cảm thấy “sung sướng” với thành quả lãi 200% nhưng nay lại tiếc hùi hụi vì cổ phiếu này sắp chạm vùng 6x. Thực tế thì rất ít nhà đầu tư có thể “ăn từ gốc đến ngọn” trong nhịp tăng này, mà chủ yếu ra vào nhiều nhịp.

Đà tăng mạnh cũng diễn ra ở cổ phiếu khác trong ngành như BSI (Công ty Chứng khoán BIDV), AGR (Công ty Chứng khoán Agribank) hay SBS (Công ty Chứng khoán Sacombank) - những cổ phiếu này đều ghi nhận mức tăng lên tới 7, 8 lần so với giai đoạn đầu năm. Nếu so với thời điểm tháng 11/2020, cổ phiếu SBS đã ghi nhận mức tăng 10 lần, từ 1.900 đồng/cổ phiếu lên 19.000 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư Trần Hoài Nam cho biết, anh đang dành hơn một nửa danh mục đầu tư cho cổ phiếu chứng khoán, với 5 mã ngành này. Dù giá trị tài khoản đã “nở” ra kha khá, nhưng anh Nam kỳ vọng đà tăng của các cổ phiếu vẫn còn tiếp tục, với cơ sở là dòng tiền đầu cơ chảy mạnh, giúp thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, một số phiên vượt 2 tỷ USD thì các công ty chứng khoán tiếp tục ghi thêm một quý bội thu.

“Tôi đã lãi tính bằng lần từ cổ phiếu SHS, CTS… và nay vẫn đang nắm giữ. Với tốc độ tăng trưởng của thị trường hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đang xúc tiến kế hoạch tăng vốn mới và cổ phiếu chứng khoán có câu chuyện hấp dẫn để kể trong suốt năm 2022”, anh Nam chia sẻ.

Đây có thể là động lực để nhiều nhà đầu tư vẫn đang kiên trì nắm giữ nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Cơ hội tăng vẫn còn

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đang được hưởng lợi theo sự chuyển động của thị trường. Duy trì quan điểm mục tiêu VN-Index trong 3 tháng tới là 1.550 - 1.650 điểm và trong năm 2022 có thể đạt 1.900 điểm, ông Chung cho rằng, nhóm cổ phiếu chứng khoán dù đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng sẽ chưa dừng lại.

Theo ông Chung, việc dòng tiền luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành, hết lớp này lại đến lớp kia nâng đỡ thị trường tăng trưởng theo từng nhịp biến đổi của vĩ mô. Tuy nhiên, hiện tại thì dòng tiền đầu cơ vẫn đang “chiếm lĩnh” thị trường, và vì thế, sức nóng của thị trường chưa dừng lại.

Khi nhóm các cổ phiếu công ty chứng khoán lớn đã tăng mạnh, dòng tiền đầu cơ có xu hướng bám theo các cổ phiếu cùng ngành nhưng chưa tăng, thế nên những cổ phiếu nhỏ hơn như ART, VIG… đã bắt cùng nhịp sóng.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhìn một cách tổng quan, mức định giá hiện tại của thị trường vẫn còn hấp dẫn, kể cả nếu tính luôn cả mức tăng trưởng EPS quý III/2021.

Hiện nay, mức P/E của các thị trường trong khu vực đều trên mức 20 lần, trong khi đó mức ROE và ROA của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn vượt trội trong khu vực. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn và còn nhiều dư địa tăng trưởng so với các thị trường trong khu vực với bối cảnh Đông Nam Á là trung tâm cung ứng hàng hóa quan trọng nhất thế giới.

Nhìn cụ thể vào nhóm chứng khoán, số liệu của Fiintrade, chỉ số P/E TTM của các cổ phiếu chứng khoán niêm yết (xác định theo giá đóng cửa ngày 18/11 và EPS trong 4 quý gần nhất) phổ biến nằm trong khoảng 10-20 lần.

Trong nhóm chứng khoán, P/E cũng đang có sự chênh lệch đáng kể, khi có nhiều cổ phiếu chứng khoán đang có chỉ số P/E khá thấp như AAS ở mức 7 lần, VIX hay BMS đang có P/E ở mức hơn 8 lần, trong khi một số cổ phiếu khác như SHS, VND, VDS đang có mức P/E ở mức gần 13 lần, vẫn thấp hơn so với mức bình quân từ 17-18 lần của thị trường chung.

Nhận xét nhóm cổ phiếu đã có chuỗi tăng mạnh nhất kể từ khi thị trường thành lập đến nay song ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, vẫn còn cơ hội đối với nhóm này khi nhìn vào kỳ vọng hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Quang khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào một số công ty chứng khoán có nền tảng thực sự, có thế mạnh riêng ở từng mảng kinh doanh.

Những năm trước, sóng chứng khoán lặp đi nhiều lần như chưa có con sóng nào đủ lớn như giai đoạn vừa qua. Sóng cổ phiếu chứng khoán đã kéo dài kể từ thời điểm thị trường chạm đáy vào tháng 4/2020 đến nay, và sóng sau mạnh hơn sóng trước.

Dòng tiền vẫn bám trụ thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu của các doanh nghiệp, các ngành không chịu tác động bởi dịch bệnh và chứng khoán là một trong số đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý việc say sóng, đu theo thị trường ở những phiên tăng điểm vẫn rủi ro hơn và lợi nhuận thu được cũng không được như kỳ vọng. Nhà đầu tư cũng cần để ý thêm yếu tố cơ bản của từng công ty để có thể tham gia tích lũy cổ phiếu ở những nhịp điều chỉnh.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục