Nếu nền kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc, xu hướng cắt giảm lương và nhân sự trong hệ thống ngân hàng sẽ tiếp diễn trong năm 2014
Nhà băng lớn mạnh tay
Sau đợt giảm mạnh lương bắt đầu từ giữa năm 2012 để giảm gánh nặng chi phí trong hoạt động, song lợi nhuận thu về của các nhà băng tiếp tục lao dốc. Đây là lý do buộc nhiều ngân hàng phải cắt giảm nhân sự.
Chẳng hạn, Ngân hàng ACB đã thực hiện cắt giảm 223 nhân sự trong quý I/2013, mặc dù trước đó, trong những tháng cuối năm 2012, Ngân hàng này đã liên tục cắt giảm các nhân sự là nhân viên thử việc, do không mở được mạng lưới theo kế hoạch đề ra.
Báo cáo trong quý I/2013 của ACB cho thấy, Ngân hàng chỉ đạt mức lãi 395 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. ACB lỗ tiếp 84 tỷ đồng từ kinh doanh vàng, cho dù trước đó kết thúc năm tài chính 2012, ACB đã báo lỗ 1.863 tỷ đồng từ mảng kinh doanh ngoại hối, vàng. Việc lỗ tiếp là do ngân hàng này phải mua vàng trong nước với giá cao hơn thế giới để bù đắp trạng thái và tất toán vàng theo yêu cầu của NHNN.
Cũng trong quý I/2013, ACB có 3.090 tỷ đồng nợ xấu, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 2,88% trên tổng dư nợ, cho dù tín dụng chỉ tăng trưởng ở mức 4,2%... Từ những thực tế trên cho thấy, việc cắt giảm nhân sự của ngân hàng này là điều khó có thể tránh khỏi.
Báo cáo tài chính năm 2012 của Maritime Bank cho thấy, năm 2012, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng đạt gần 2.620 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm trước. Song chi phí hoạt động lại tăng mạnh tới gần gấp rưỡi và dự phòng rủi ro cũng tăng cao, khiến cho lợi nhuận sụt giảm tới trên 70%, chỉ đạt 255,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế là 226,4 tỷ đồng. Vì thế, kế hoạch đưa ra cho năm nay của Maritime Bank là sẽ mạnh tay cắt giảm nhân sự, tới 13,9% so với năm 2012, tương đương 679 người, đưa nhân sự của Ngân hàng từ 4.879 người xuống còn 4.200 người. Năm 2012, Maritime Bank cũng đã sa thải 1.060 người làm việc chính thức.
Tín dụng khó tăng, song nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 - phải trích lập 100% dự phòng) của các ngân hàng tiếp tục tăng cao ở quý đầu năm nay. Đơn cử như VietinBank, tín dụng tăng trưởng âm 3% trong quý I/2013, nhưng về chất lượng nợ, theo thuyết minh báo cáo quý I, Vietinbank có hơn 5.440 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối tháng 3, tăng 11,3% so với cuối năm 2012. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn một nửa, tăng 43% so với cuối năm 2012.
Nợ xấu tăng, đòi hỏi VietinBank phải trích lập dự phòng tăng gấp rưỡi trong quý I, hơn 1.346 tỷ đồng, dẫn đến tổng lợi nhuận sau trích lập dự phòng của ngân hàng này giảm hơn 30%, chỉ còn 1.370 tỷ đồng. Vì thế, trong quý đầu năm nay, cũng giống như một số ngân hàng, VietinBank đã tiết giảm 79 nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau.
Ngoài ra, Eximbank cũng giảm 29 người; Techcombank cắt giảm 240 vị trí. Nguyên nhân chính là hoạt động kinh doanh khó khăn, ngân hàng phải tiết giảm bộ máy để giảm gánh nặng về chi phí. Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, mặc dù lãi suất đã giảm nhiều so với trước, nhưng ngân hàng vẫn rất khó để cho vay. Tăng trưởng tín dụng của Eximbank cũng chỉ mới thoát âm trong những tháng đầu năm nay.
Ngân hàng nhỏ cũng giảm
Hoạt động kinh doanh gặp khó khi sức khỏe doanh nghiệp yếu dần, trong khi ngành ngân hàng vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu đã dẫn đến những biến động tất yếu về nhân sự. Làn sóng cắt giảm nhân sự không chỉ diễn ra tại các ngân hàng lớn, với nhà băng nhỏ, nhất là ở những ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu và buộc phải sáp nhập, hợp nhất, bán lại để lớn mạnh hơn…, nhân sự cũng đang trong tình cảnh “nhấp nhổm” kẻ ở - người đi.
Chị Mai – nhân viên phòng Marketing của một ngân hàng trong bốn ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN cho biết, đang trong quá trình tìm kiếm công việc mới. Vì sau khi cổ đông mới tham gia để tiến hành việc tái cấu trúc bộ máy hoạt động, ngân hàng có kế hoạch cắt giảm một loạt nhân sự.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn, chi phí hoạt động của các ngân hàng ngày một tăng cao, nhưng lợi nhuận sụt giảm, đòi hỏi trước hết ngân hàng phải tinh giảm bộ máy. Với các nhà băng thuộc diện tái cơ cấu, việc cắt giảm nhân sự càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Bởi khi hai hoặc ba tổ chức tín dụng hợp nhất lại với nhau, số lượng nhân viên sẽ gia tăng, gây áp lực rất lớn đến quỹ lương của ngân hàng.
Bện cạnh việc cắt giảm mạnh nhân sự, việc giảm lương nhân viên cũng được các ngân hàng đã và đang thực hiện, kể cả đối với những ngân hàng sau khi hợp nhất.
SHB vừa gây sốc khi tuyên bố sẽ cắt giảm lương năm 2013 tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 5/4. Chủ tịch HĐQT SHB ông Đỗ Quang Hiển cho biết, năm 2013, Ngân hàng sẽ cắt giảm mạnh chi phí. Trong đó, giảm 10% lương từ cấp giám đốc chi nhánh đến ban điều hành, cấp tổ trưởng giảm 8% và lương kinh doanh của nhân viên cũng giảm 5%.
Theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, trong khi thị trường còn khó khăn, cùng với chủ trương tái cơ cấu ngành của NHNN, thì việc biến động nhân sự là điều dễ nhìn thấy. Trong năm 2013, các ngân hàng còn phải tinh giảm hơn nữa bộ máy hoạt động, do khó mở chi nhánh, cho vay khó và nợ xấu tăng. Vì thế, việc cắt giảm nhân sự như trong quý vừa qua không có gì bất ngờ, bởi ngân hàng giờ đây đã cắt giảm các chi phí tối đa và muốn giảm nữa thì chỉ còn trông chờ vào việc giảm lương, giảm nhân sự. Do đó, nếu nền kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc thì xu hướng trên sẽ tiếp diễn trong năm 2014.