Sôi động
Công ty Vina Đại Phước, chủ đầu tư dự án SwanBay Đại Phước mới đây công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, trong đó 2 cổ đông nước ngoài nắm giữ 92% cổ phần là SNC Investments 27 và SNC Investments 28 đã không còn tên trong danh sách cổ đông của Công ty.
Được biết, SNC Investments 27 và SNC Investments 28 là công ty con của China Fortune Land Development (CFLD), một tập đoàn phát triển bất động sản công nghiệp của Trung Quốc. Việc CFLD không còn là cổ đông cho thấy nhiều khả năng siêu dự án trên đảo Đại Phước đã đổi chủ. Một số nguồn tin cho biết, có khả năng dự án này đã thuộc về doanh nghiệp bất động sản lớn của Việt Nam, được sở hữu bởi một nữ tỷ phú USD.
SwanBay có quy mô 200 ha, tọa lạc trên cù lao Ông Cồn thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Dự án nằm tiếp giáp TP. Thủ Đức (TP.HCM) với các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 51A nối Quốc lộ 1 với TP. Vũng Tàu, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối sân bay Long Thành tương lai.
Dự án trước đây có tên gọi là Khu đô thị Đại Phước Lotus, thuộc sở hữu của liên doanh Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) và Tập đoàn VinaCapital. Được chấp thuận đầu tư từ năm 2005, nhưng dự án này đã có một thời gian dài đình trệ. Đến năm 2017, sau khi hoàn thành 2 khu biệt thự và villa, VinaCapital nhượng lại toàn bộ phần đất chưa triển khai và một số hạng mục cho CFLD.
Ngoài thương vụ này, thị trường bất động sản nổi lên những thương vụ M&A diễn ra sôi động ngay từ đầu năm 2022. Cuối tháng 1, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land, thông qua các đơn vị liên kết đã chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place thuộc sở hữu của CapitaLand Việt Nam.
Giá trị thương vụ được Tập đoàn CapitaLand tiết lộ lên đến 550 triệu USD (tương đương 12.500 tỷ đồng). Capital Place được biết đến là dự án văn phòng hạng A, toạ lạc tại ngay trung tâm quận Ba Đình (Hà Nội) cung cấp gần 100.000 m2 mặt sàn văn phòng và bán lẻ. Cuối năm 2021, Viva Land cũng từng gây tiếng vang lớn trên thị trường địa ốc khi “hồi sinh” dự án Saigon One Tower (sau đó đổi tên thành IFC One Saigon) bỏ không nhiều năm tại vị trí vàng quận 1, TP.HCM.
Mới đây, Tập đoàn Keppel Land đã ký thỏa thuận ràng buộc với Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long để mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại Khu đô thị Bắc An Khánh - Mailand Hanoi City (tên cũ là Splendora) với tổng giá trị 2.715 tỷ đồng (khoảng 120 triệu USD).
Ba khu đất có tổng diện tích 14,2 ha, bao gồm 2 khu được quy hoạch để phát triển nhà ở thấp tầng và 1 khu dành cho chung cư cao tầng. Giao dịch dự kiến được thực hiện vào quý III/2022. Theo đó, Keppel Land và Phú Long sẽ phát triển 1.260 căn hộ, bao gồm 1.020 căn chung cư và 240 căn thấp tầng. Tổng chi phí phát triển dự án, bao gồm cả chi phí đất dự kiến là hơn 11.500 tỷ đồng (506 triệu USD).
Nhanh chóng hồi sinh dự án
Có một sự khác biệt dẫn đến thành công của các doanh nghiệp, đó là chiến lược hậu M&A dự án. Hầu hết thương vụ sau khi được chốt hạ, bên mua đều nhanh chóng hồi sinh dự án, giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường.
Cuối tháng 2, Tập đoàn Novaland và Công ty cổ phần Phát triển Tài nguyên đã làm lễ khởi động Dự án Grand Sentosa (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) sau nhiều năm tạm dừng thi công. Dự án này được quy hoạch là một tổ hợp thương mại dịch vụ và khu nhà ở cao cấp, với diện tích tổng khu hơn 8,3 ha, dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm căn hộ, nhà phố thương mại…
Theo đó, Novaland sẽ đóng góp nguồn lực và kinh nghiệm để cùng xây dựng dự án trở thành một công trình biểu tượng tại vị trí cửa ngõ khu Nam TP.HCM, góp phần kiến tạo nên diện mạo đô thị mới hiện đại, năng động. Tập đoàn Novaland cam kết phát triển và đưa Dự án Grand Sentosa vào vận hành theo đúng tiến độ dự kiến trong năm 2024.
Điều đáng nói là, từ thời điểm thông tin Novaland công bố M&A dự án này, đến khi chính thức khởi công chỉ diễn ra vỏn vẹn chưa đầy 1 tuần.
Một dự án khác là Khu đô thị Sài Gòn Bình An (phường An Phú, TP. Thủ Đức) cũng nhanh chóng được khởi động trở lại sau khi về tay ông chủ mới là Masterise Homes vào đầu tháng 1/2022.
Dự án này nằm mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, kết nối vào đường dẫn cao tốc TP.HCM - Dầu Giây, diện tích khoảng 117,4 ha. Dự án này trước đây của Công ty HimLam, sau đó chuyển nhượng cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và hiện nay đã về tay Masterise Homes với tên gọi The Global City.
Theo Masterise Homes, đơn vị này đã ký kết với công ty thiết kế kiến trúc hàng đầu thế giới là Foster+Partners để quy hoạch và thiết kế The Global City. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị toàn cầu hiện đại, văn minh và sôi động của TP.HCM.
Dự kiến trong tháng 3 này, dự án sẽ mở bán những sản phẩm đầu tiên với mức giá tới 300 triệu đồng/m2 xây dựng cho một căn nhà phố có diện tích khoảng 100 m2. Chủ đầu tư dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong 48 tháng.
Có thể nhận thấy, do tính bất định trong diễn biến của đại dịch thời gian qua, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các dự án M&A có thể triển khai được ngay trong ngắn và trung hạn. Mặc dù tốc độ hồi sinh dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có một điểm chung là bên mua đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án ngay sau khi được mua lại, hứa hẹn mang đến nguồn cung sản phẩm bất động sản chất lượng trong năm 2022, nhất là tại TP.HCM vốn đã khan hiếm nguồn cung mới trong nhiều năm liền.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và tăng giá, thủ tục triển khai dự án siết chặt, thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa mặt bằng.