Sóng hồi mong manh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số VN-Index vừa có tuần giao dịch dễ thở với 3 phiên tăng mạnh liên tiếp vào cuối tuần. Kịch bản về một con sóng hồi được một số chuyên gia có kinh nghiệm nhận định, dù xu hướng chung vẫn là thị trường gấu.
Sóng hồi mong manh

Lò dò đi ngược thị trường

Khi VN-Index rớt trở lại sau sóng hồi vào nửa cuối tháng 9, một nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, người có tài khoản NAV thấp nhất cũng trên 2 tỷ đồng, chưa vội mua vào. Họ chia sẻ một kết quả nghiên cứu của tỷ phú Adam Cook (Singapore) về các đợt sụt giảm trong thị trường gấu trong vòng 72 năm trở lại đây. Kết quả cho thấy, cứ trung bình 6,5 năm, thị trường lại rơi vào chu kỳ gấu, mức giảm trung bình là 35%. Mức giảm lớn nhất được ghi nhận vào giai đoạn 2007 - 2008 lên tới 57%.

Khi VN-Index thủng 1.000 điểm trong tuần qua, dưới tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có những thông tin liên quan đến vụ việc ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhóm nhà đầu tư này giải ngân một phần nhỏ, với quan điểm nếu cổ phiếu rớt tiếp sẽ giữ dài hạn.

Cũng với quan điểm, thị trường ở vùng đỉnh rớt 5 -10% thì mới là rủi ro. Còn ở thời điểm VN-Index đã mất hơn 500 điểm, tương ứng với mức giảm 35% từ đỉnh tháng 4 (xem bảng); các cổ phiếu cơ bản cũng đã chiết khấu 40-60% từ vùng đỉnh, có thể có sóng hồi, một số nhóm môi giới đã “call mua” 2 phiên cuối tuần qua.

Dữ liệu được một số môi giới sử dụng để khuyến nghị nhà đầu tư tham khảo là chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam qua các thời kỳ. Tính đến ngày 10/10/2022, với những phiên rơi nhanh và mạnh thì P/E của VN-Index chỉ còn 10 lần. Tất nhiên, chỉ số P/E sẽ không phải là chỉ báo tạo đáy, tuy nhiên nó thể hiện thị trường đang ở vùng dưới giá trị và lịch sử cũng thể hiện, những khi P/E chạm ngưỡng P/E 10.x đều bật lên rất mạnh và hình thành sóng hồi ngay sau đó (xem bảng).

P/E chỉ số VN-Index.

P/E chỉ số VN-Index.

Cũng chia sẻ quan điểm thị trường có thể có nhịp sóng hồi khoảng 10 -12%, một chuyên gia đã dự báo chính xác về các nhịp thị trường từ tháng 3 trở lại đây cho rằng, nếu trong sóng hồi, nhà đầu tư mạo hiểm có thể cứ bắt cổ phiếu giảm mạnh dẫn đầu nhóm ngành là “có ăn”, thị trường không quan tâm đến cơ bản doanh nghiệp, cũng như định giá cao hay thấp. Dù vậy, để kiếm lợi nhuận trong sóng hồi không dễ, vì không phải tất cả các cổ phiếu đều tăng và tăng liền 10 - 12% kể từ đáy.

Chuyên gia này cũng nhận định, sau sóng hồi, thị trường sẽ giảm tiếp với đáy sau sâu hơn đáy trước. Khả năng VN-Index về ngưỡng 850 - 950 điểm cho đáy phía trước không hẳn là không có cơ sở.

Ví cảnh “vừa giao dịch vừa cầm dép ngóng thị trường để chạy” nên nhà đầu tư đa phần đều mua tỷ trọng thấp và quản trị chặt rủi ro, thanh khoản do đó khó có thể tăng mạnh trong giai đoạn này.

Khuyến nghị định giá thị trường đang hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) phân tích, ROE hiện tại của VN-Index khoảng 15,4%, nằm trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi cao nhất. Với mức tăng trưởng EPS ước tính 20,4% cho năm 2022, tỷ suất sinh lợi kép dự kiến cho giai đoạn 2020 - 2022 của VN-Index sẽ đạt khoảng 17,9%, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua cơn bão đại dịch rất tốt so với các nước cùng khu vực. Cùng với P/E kỳ vọng ở mức 10,9 lần, thị trường Việt Nam hiện tương đối hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn so với các thị trường có quy mô tương đương.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Trong báo cáo cập nhật thị trường, nhiều công ty chứng khoán đồng quan điểm với ACBS khi cho rằng, chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Khối phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) nhận định, xét trên khía cạnh phân tích cơ bản, nhiều cổ phiếu rơi về vùng định giá được xem là hấp dẫn trong dài hạn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán thường xuyên có những biến động ngắn hạn bỏ qua yếu tố này, mà phụ thuộc vào cung - cầu của dòng tiền. Dòng tiền hiện tại vẫn đang suy yếu, do vậy, mức độ rủi ro rất cao đối với nhà đầu tư ngắn hạn.

“Tôi kỳ vọng với việc mặt bằng giá cổ phiếu dần về vùng định giá hấp dẫn sẽ kích thích nguồn tiền từ nhà đầu tư dài hạn, các quỹ hay tổ chức lớn. Các cổ phiếu thuộc VN30 sẽ luôn là những cổ phiếu hồi phục đầu tiên mỗi khi thị trường tích cực trở lại, do đây thường là danh mục ưa thích của các tổ chức và các quỹ lớn”, ông Linh nói.

Trong khi đó, ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, 1.000 điểm là mốc hỗ trợ khá vững của chỉ số VN-Index và kỳ vọng tích lũy trở lại trong vùng 1.000 - 1.130 điểm. Trong trường hợp xấu không giữ được vùng 1.000 điểm, VN-Index có thể điều chỉnh về quanh ngưỡng 950 điểm.

Xét về mặt định giá, P/E của VN-Index kết thúc phiên 11/10 là 10,8 lần, thấp hơn giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam (là 10,2 lần) và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây. Nếu nhìn vào triển vọng tăng trưởng GDP trong năm 2022 từ 7-7,5% như các tổ chức quốc tế đánh giá và tăng trưởng lợi nhuận dự báo ở mức 2 con số thì mức định giá nói trên là hấp dẫn so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

Dòng tiền ở thời điểm hiện tại nhìn chung là thận trọng, do tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh vừa qua. Mặc dù giá cổ phiếu đã giảm mạnh so với trước nhưng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu diễn biến phức tạp, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới ngày càng hiện hữu, lãi suất trong nước tăng, sẽ cần thêm thời gian để thị trường tạo đáy vững chắc.

Chưa hết sợ vòng xoáy bắt đáy - cắt lỗ

Trong đợt giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua, nhiều nhà đầu tư rơi vào bull – trap khi thị trường 3 lần bật tăng rồi giảm mạnh sau đó. Nhiều nhà đầu tư đã tham lam “bắt đáy” và kết quả là cổ phiếu chưa về tài khoản đã liên tục giảm sàn. Không ít nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quay cuồng trong vòng xoáy cổ phiếu bị bán giải chấp.

Chỉ có một số ít nhà đầu tư gan lì xoay xở nộp thêm tiền mặt vào tài khoản để duy trì danh mục, còn nhiều nhà người buộc phải bán cắt lỗ, trước khi các công ty chứng khoán tự động giải chấp. Thậm chí, trong đợt sụt giảm vừa rồi, lãnh đạo doanh nghiệp như Công ty cổ phần Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) cũng bị bán giải chấp cổ phiếu.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân, tỷ trọng giao dịch chiếm đến 80%, do đó tâm lý yếu và dễ bị chi phối bởi bảng điện tử khi ra quyết định mua, bán cổ phiếu.

Có góc nhìn khác về giải chấp, chuyên gia SHS đánh giá, áp lực bán vừa qua phần nhiều là do nhà đầu tư chủ động bán trước lo ngại về biến động cả trong và ngoài nước, còn lực bán từ hoạt động giải chấp không nhiều. Bởi thực tế thị trường đã rớt mạnh suốt thời gian dài, đặc biệt từ đầu tháng 10 đến nay, dù mới trải qua hai tuần nhưng nhiều bluechip giảm mạnh từ 15 - 20%, có mã giảm gần 30%, nhiều cổ phiếu midcap và penny thậm chí còn giảm sâu hơn.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, thị trường giảm mạnh là do vòng xoáy bắt đáy và cắt lỗ cùng với hoạt động giải chấp margin và repo trên thị trường.

“Nguyên nhân chính yếu vẫn là dòng tiền đang rút dần khỏi thị trường chứng khoán và những biến động tin tức xấu trên thị trường tài chính vừa qua đã kích hoạt động thái bán ra dẫn tới mức sụt giảm nhanh và mạnh trong thời gian ngắn”, ông Khoa nói.

Hoàng Minh – Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục