“Sóng dồn” FDI từ APEC

Không chỉ đứng đầu về quy mô vốn, rất nhiều dự án đầu tư lớn của các thành viên APEC đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dòng vốn này đang tiếp tục chảy vào Việt Nam.
Samsung Display sẽ trở thành nhà đầu tư đầu tiên mang dự án tỷ USD tới Việt Nam trong năm Đinh Dậu Samsung Display sẽ trở thành nhà đầu tư đầu tiên mang dự án tỷ USD tới Việt Nam trong năm Đinh Dậu

UBND tỉnh Bắc Ninh đang trong những nỗ lực cuối cùng để kịp cấp chứng nhận đầu tư cho dự án mở rộng của Samsung Display tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Chỉ tính thêm dự án này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc đổ vào Việt Nam đã lên tới trên 53 tỷ USD - một con số mà chỉ cách đây ít năm, không ai có thể tưởng tượng.

Tốc độ tăng vốn đầu tư đến mức chóng mặt của “đại gia” Samsung cũng đã kéo theo tốc độ tăng rất mạnh của dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam, qua đó, đã góp phần quan trọng đẩy dòng vốn FDI của các thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) không ngừng “tạo sóng”.

“Sóng” FDI từ APEC

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2016, ngoài Peru, Papua New Guinea, Chile chưa có đầu tư tại Việt Nam, thì 17 thành viên còn lại của APEC đã đăng ký đầu tư tới trên 230 tỷ USD, chiếm gần 78,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong gần 30 năm qua.

"APEC 2017 sẽ là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2017 trong hợp tác kinh tế".

- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Điều đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong Top 10 nhà đầu tư bên ngoài lớn nhất ở Việt Nam, ngoại trừ BritishVirgin Islands - đứng ở vị trí thứ 5 - thì 9 vị trí còn lại đều thuộc các thành viên APEC, bao gồm Hàn Quốc (50,7 tỷ USD), Nhật Bản (42 tỷ USD), Singapore (37,8 tỷ USD), Đài Loan (31,56 tỷ USD), Hồng Kông (16,93 tỷ USD), Malaysia (12,29 tỷ USD), Trung Quốc (10,5 tỷ USD), Mỹ (10,14 tỷ USD), Thái Lan (7,8 tỷ USD). Đây đều là các nhà đầu tư chiến lược, quan trọng của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư của 9 thành viên này đã lên tới 209,3 tỷ USD, chiếm tới 91% tổng vốn đầu tư của APEC vào Việt Nam và chiếm trên 71% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Tỷ lệ đó đã cho thấy tầm quan trọng trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC.

Không chỉ đứng đầu về vốn, theo Cục Đầu tư nước ngoài, rất nhiều dự án FDI của các thành viên APEC đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đó là dự án của các “đại gia” như Samsung (Hàn Quốc), Intel (Mỹ), Honda (Nhật Bản), Sembcorp (Singapore)…

Nhìn các khu phức hợp của Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, rồi hệ thống các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP trải rộng khắp cả nước, hay tới thăm các nhà máy sản xuất của Honda, của Microsoft, General Electric… và của hàng trăm tên tuổi lớn khác của các nền kinh tế thành viên APEC ở Việt Nam, sẽ thấu hiểu sự kết nối sâu sắc trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các thành viên APEC. Việt Nam thực sự đã hưởng lợi rất lớn kể từ khi chính thức gia nhập APEC vào năm 1998.

APEC 2017 - cơ hội vàng cho Việt Nam?

Ngày mai (18/2), Hội nghị Quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất (SOM 1) năm 2017 sẽ khai mạc tại TP. Nha Trang. Hội nghị SOM 1 (diễn ra từ ngày 18/2 đến ngày 3/3) là sự kiện đầu tiên, chính thức mở đầu cho chuỗi hoạt động của Năm APEC 2017.

Đến nay, trong số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC, gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Australia, New Zealand và Chile.

Năm APEC 2017 tại Việt Nam được cho là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư từ các thành viên APEC. Một bằng chứng khá rõ ràng là, trong suốt năm 2006 - năm Việt Nam là “nước chủ nhà” tổ chức hàng loạt sự kiện quan trọng, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC, đã có hàng chục hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng hợp tác giữa Việt Nam và các thành viên APEC được ký kết, với trị giá nhiều tỷ USD. Chẳng hạn, Việt Nam ký với Trung Quốc 10 hiệp định, văn kiện hợp tác, với tổng trị giá hơn 3 tỷ USD.

APEC 2006 được cho đã mang lại “cơ hội vàng” cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Chỉ riêng tại Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư, đã có 8 hợp đồng, văn bản, dự án hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài được ký kết, với tổng giá trị gần 2 tỷ USD.

Hơn nữa, câu chuyện không chỉ dừng ở những con số tỷ USD của riêng năm 2006 - năm Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2006, mà còn là những năm sau đó. Hơn 10 năm qua, đã có bước “nhảy vọt” cả về lượng và chất của dòng vốn FDI từ APEC.

Có 7 nền kinh tế thành viên APEC nằm trong Top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Singapore. Các đối tác này cũng là đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Vậy cơ hội có lặp lại, khi năm nay, một lần nữa, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC?

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào APEC 2017. Thậm chí, ông kỳ vọng APEC 2017 sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho hoạt động thương mại, đầu tư của thế giới trong tương lai, tương tự như APEC 18 được tổ chức tại Việt Nam năm 2006 đã tạo ra sự “thần kỳ” cho hoạt động thương mại, đầu tư của thế giới. Việt Nam đương nhiên được hưởng lợi từ sự “thần kỳ” này và điều đó sẽ mang lại cơ hội rất lớn để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư từ các thành viên APEC.

“APEC 2017 sẽ là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2017 trong hợp tác kinh tế. Không chỉ có vậy, đây còn là cơ hội để tăng thêm những giá trị gia tăng khác cho doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy đầu tư, gia tăng giao lưu thương mại…”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định.

Rõ ràng, sóng FDI sẽ tiếp tục dồn từ APEC, bởi thông tin cho biết, rất nhiều tập đoàn lớn thuộc các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục