Kết thúc tuần giao dịch từ 22/11 đến 26/11, VN-Index tăng 40,68 điểm, tương đương tăng 2,8% lên 1.493,03 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5% xuống 165.943 tỷ đồng, khối lượng giảm 9% xuống 5.341 triệu cổ phiếu;
HNX-Index tăng 4,66 điểm, tương đương tăng 1,03%, lên 458,63 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 18,7% xuống 20.188 tỷ đồng, khối lượng giảm 26,2% xuống 724 triệu cổ phiếu.
Nhóm ngân hàng có tuần giao dịch khởi sắc và là động lực kéo chỉ số VN-Index vượt mốc 1.500 điểm trong tuần. Dù hai phiên cuối tuần có sự chững lại nhưng nhìn chung, nhóm này vẫn tăng 6,7%. Đồng thời, ngành chứng khoán vẫn tiếp tục leo dốc trong tuần thứ 5 liên tiếp.
Tuy nhiên, giới đầu tư đã chứng kiến sự đảo chiều của nhóm cổ phiếu dầu khí trước những thông tin tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng đến ngành dầu khí thời gian tới.
Mã chứng khoán |
Niêm yết |
Giá đóng cửa ngày 19/11 (VNĐ) |
Giá đóng cửa ngày 26/11 (VNĐ) |
Chênh lệch (%) |
CNG |
HOSE |
34.000 |
31.200 |
-8,24 |
PVD |
HOSE |
28.500 |
26.300 |
-7,72 |
OIL |
UPCoM |
16.500 |
15.600 |
-5,45 |
PLX |
HOSE |
59.400 |
56.800 |
-4,38 |
PVS |
HNX |
26.500 |
25.400 |
-4,15 |
GAS |
HOSE |
106.000 |
102.000 |
-3,77 |
PGC |
HOSE |
25.200 |
24.300 |
-3,57 |
PVB |
HNX |
17.000 |
16.400 |
-3,53 |
ASP |
HOSE |
14.250 |
13.800 |
-3,16 |
BSR |
UPCoM |
21.700 |
21.100 |
-2,76 |
PVC |
HNX |
13.100 |
12.900 |
-1,53 |
Mã CNG của Công ty cổ phần CNG Việt Nam ghi nhận giảm 8,24% trong tuần qua từ 34.000 đồng/CP xuống mức 31.200 đồng/CP. Kể từ đầu tháng 10, CNG đã bay hơi 23,4%.
Trong khi đó, cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí có phiên đầu tuần tiêu cực khi giảm sàn 6,8% kéo theo mức giảm 7,72% cho cả tuần và chốt giá 26.300 đồng/CP vào phiên ngày 26/11.
Dù có 3 phiên tăng liên tiếp vào giữa tuần, tuy nhiên, hai phiên giảm mạnh đã khiến mã OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam cũng phải giảm 5,45%.
Tương tự, các cổ phiếu họ nhà Petrolimex và Petrovietnam đồng loạt giảm như: PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giảm 4,38%; PGC của Tổng công ty Gas Petrolimex giảm 3,57%; PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam giảm 4,15%; GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam giảm 3,77%,…
Nguy cơ ngành dầu khí
Ngày 26/11 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập phiên họp để đánh giá về biến thể mới của Covid-19 - B.1.1.529 được các nhà khoa học Nam Phi cho biết nó có chứa hơn 30 đột biến trong protein gai. Nguy hiểm hơn khi biến thể mới được nhận định có khả năng lây nhiễm nguy hiểm hơn cả biến thể Delta và kháng vaccine mạnh hơn.
Ngay lập tức, thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt lao dốc trong phiên cùng ngày. Chứng khoán các sàn giao dịch ở Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ) đều sụt giảm hơn 2%. Trong khi tại Sydney (Úc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Wellington (New Zealand) và Jakarta (Indonesia) là hơn 1%.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 26/11, các thị trường chứng khoán châu Âu nhanh chóng chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, chỉ số STOXX 600 của châu Âu đã giảm 2,5%. Chỉ số CAC tại Pháp đã giảm 3,3%, trong khi chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,6%. Chỉ số DAX (Đức) và IBEX (Tây Ban Nha) cũng lần lượt giảm ở mức 2,7% và 3,4%.
Đồng thời, thị trường dầu thế giới cũng có diễn biến tương tự khi giá dầu thô Brent giao kỳ hạn trượt dốc 5,3% về còn 77,89 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng 26/11 tại châu Âu, còn dầu thô Mỹ giảm mạnh hơn tới 6,2%, xuống 73,58 USD/thùng.
Tuy nhiên, nhu cầu trên phạm vi toàn cầu đối với khí đốt tự nhiên của Mỹ và thời điểm trùng hợp của hợp đồng khí đốt hết hạn, dữ liệu của NGI Forward Look đang cho thấy giá cơ sở tháng 12 của Henry Hub đang giao dịch ở mức cao hiếm có đối với hợp đồng tương lai của New York Mercantile Exchange (Nymex).
Trước những thông tin mới, giới đầu tư đang hướng sự tập trung sang phản ứng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất quan trọng khác dự kiến sẽ nhóm họp trong tuần tới để thảo luận về kế hoạch điều chỉnh sản lượng.
Theo Reuters, OPEC dự đoán một đợt giải phóng dầu của Mỹ sẽ khiến thị trường dầu tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày. Dự kiến trong ngày 2/12 tới đây, OPEC và đồng minh sẽ nhóm họp bàn về kế hoạch cho năm tới. Đến nay, OPEC vẫn chưa có bất kỳ phản ứng gì về việc dừng tăng sản lượng, trước quyết định giải phóng kho dự trữ dầu khẩn cấp của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác.
Vậy nên, ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận: “Cổ phiếu dầu khí có xu hướng đảo chiều do tăng cung và lo ngại nguồn cầu suy giảm do biến chủng Covid mới”.
Trước đó, giới chuyên gia quốc tế vẫn tỏ ra tích cực khi cho rằng giá dầu vẫn duy trì ở mức cao trong quý IV khi mùa đông tràn về. Ông John Driscoll, Giám đốc chiến lược của JDT Energy cho rằng giá dầu có thể tiếp tục tăng đột biến bởi viễn cảnh mùa đông ấm áp đang xa vời với nhiều người dân châu Âu, đặc biệt là căng thẳng chuỗi cung ứng xăng, dầu tại Anh.
Theo nhận định của Alpha Invest Việt Nam (Công ty nhận định thị trường hàng đầu thế giới có trụ sở ở Mỹ), giá dầu sẽ là động lực dẫn dắt đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí trong giai đoạn cuối năm nay và quý I/2022, bất chấp khó khăn của làn sóng Covid-19.
Nhất là khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau chiến dịch tiêm chủng toàn cầu mang lại hiệu quả, giá dầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giúp tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp được hưởng lợi.