Sông Đà (SJG): Nhiều “con”, hiệu quả sử dụng tài sản thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có quy mô tài sản lớn, với nhiều công ty con, công ty liên kết, nhưng hiệu quả sử dụng tài sản của Tổng công ty Sông Đà - CTCP (Sông Đà, mã chứng khoán SJG) ở mức thấp kéo dài nhiều năm.
Sông Đà đã thoái hết vốn tại Sudico và SP2 trong tháng 4/2022. Sông Đà đã thoái hết vốn tại Sudico và SP2 trong tháng 4/2022.

Nhiều công ty con, công ty liên kết

Sông Đà tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa cuối năm 2017. Tính tới 31/3/2022, Sông Đà có 12 công ty con và 11 công ty liên kết. Có 3 công ty con sở hữu trực tiếp, tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty là 51%, 65% và 100%. Đối với 8 công ty con sở hữu gián tiếp, tỷ lệ lợi ích của Sông Đà đa phần dưới 50%, chỉ có 2 công ty có tỷ lệ lợi ích trên 50%.

Vì vậy, Sông Đà ghi nhận 2.486,9 tỷ đồng lợi ích cổ đông không kiểm soát, chiếm 10,34% tổng nguồn vốn.

Thực tế, một số doanh nghiệp nhà nước lớn thành lập hệ thống công ty con, công ty liên kết để góp vốn thành lập pháp nhân mới và tiếp tục thành lập thêm các pháp nhân gián tiếp nhằm tiếp quản, khai thác tài sản cũng như thương hiệu công ty mẹ. Tình trạng này được nhìn nhận khó quản lý, khó kiểm soát dòng tiền góp vốn tại các đơn vị trung gian, thay vì trực tiếp đầu tư, dẫn tới hiệu quả sử dụng tài sản không cao, mà Sông Đà là một ví dụ.

Tuy nhiên, khi đấu giá, thoái vốn công ty con, công ty liên kết hoạt động yếu kém lại thường thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, vì các đơn vị này được cho là sở hữu nhiều tài sản có giá trị và chưa được khai thác hiệu quả dưới sự quản lý của công ty nhà nước.

Hiệu quả sử dụng tài sản chỉ đạt 0,7 - 2,3%

Tính đến ngày 31/3/2022, Sông Đà có tổng tài sản 24.049,9 tỷ đồng, hiệu quả sử dụng tài sản trong quý đầu năm 2022 chỉ đạt 0,2%. Trước đó, giai đoạn 2018 - 2021, hiệu quả sử dụng tài sản dao động từ 0,7 - 2,3%.

Trong khi đó, hiệu quả sử dụng tài sản trong 3 - 4 năm qua của các công ty niêm yết hoạt động trong cả ba lĩnh vực chính của Sông Đà đều cao hơn nhiều.

Kết quả kinh doanh và hiệu quả sử dụng tài sản của Sông Đà (Đơn vị: tỷ đồng và %).

Kết quả kinh doanh và hiệu quả sử dụng tài sản của Sông Đà

(Đơn vị: tỷ đồng và %).

Cụ thể, ở nhóm sản xuất - kinh doanh điện, hiệu quả sử dụng tài sản tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà (TBC) đạt từ 10,63 - 21,7%, tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Miền Trung (CHP) là 6,69 - 7,79%, tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Cần Đơn (SJD) là 7,55 - 13,2%. Ở nhóm thi công xây dựng, hiệu quả sử dụng tài sản tại Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (PC1) từ 4,73 - 7,28%, tại Công ty cổ phần Fecon (FCN) là 0,96 - 3,87%.

Đối với nhóm phát triển nhà, khu đô thị và cho thuê văn phòng, tỷ lệ này tại Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) là 7,8 - 8,5%, tại Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) là 5,75 - 9,38%, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) là 6,5 - 7,47%.

Ngày 24/6 tới, Sông Đà sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Tổng công ty có vốn điều lệ gần 4.495,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tính đến cuối tháng 3/2022 là 7.292,5 tỷ đồng. Trong quý I/2022, Sông Đà ghi nhận doanh thu 883,3 tỷ đồng, giảm 31,2%, lợi nhuận 58,4 tỷ đồng, tăng 605,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Lợi nhuận tăng chủ yếu do doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp và giảm chi phí tài chính. Nếu nhìn xa hơn, Sông Đà đạt đỉnh doanh thu năm 2016 là 17.032,4 tỷ đồng, sau đó liên tục suy giảm và duy trì quanh mức 6.000 tỷ đồng trong 4 năm trở lại đây (năm 2021 đạt 6.064,1 tỷ đồng).

Tương tự, lợi nhuận đạt đỉnh năm 2017 là 554,5 tỷ đồng, sau đó suy giảm trong giai đoạn 2018 - 2020 với giá trị thấp nhất là 178,7 tỷ đồng năm 2020, nhưng tăng mạnh trở lại trong năm 2021, đạt 589,3 tỷ đồng, cao hơn 6,3% so với đỉnh năm 2017. Hiệu quả sử dụng tài sản trong năm 2021 là 2,3%.

Thoái vốn được giá

Ngày 19/4/2022, Sông Đà đã bán đấu giá toàn bộ hơn 41,7 triệu cổ phiếu, tương đương 36,65% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã chứng khoán SJS) với giá 101.900 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 4.256,3 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, tính đến 31/3/2022, Sông Đà ghi nhận đầu tư 856,15 tỷ đồng vào Sudico. Như vậy, tổng công ty này lãi hơn 3.400 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn tại Sudico.

Trước đó, ngày 8/4/2022, Sông Đà bán toàn bộ 5,6 triệu cổ phiếu, tương đương 38,08% vốn điều lệ Công ty cổ phần Thuỷ điện Sử Pán 2 (SP2), thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán. Tính theo giá đóng cửa ngày 8/4, ước tính Sông Đà thu về trên 90 tỷ đồng, cao hơn gần 55 tỷ đồng so với giá trị sổ sách ngày 31/3/2022 là 35,3 tỷ đồng.

Thực tế, hai đơn vị mà Sông Đà vừa thoái vốn không có nhiều điểm đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh, thậm chí tình hình tài chính đang gặp khó khăn.

Cụ thể, SP2 có lỗ luỹ kế tính đến hết ngày 31/3/2022 là 209,9 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ 57,44 tỷ đồng (vốn điều lệ là 152,46 tỷ đồng), dẫn tới vốn chủ sở hữu âm 59,18 tỷ đồng.

Tương tự, Sudico có nhiều năm ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống, liên tục nợ khoản cổ tức năm 2016 là 10% và năm 2017 là 10% với lý do không có tiền, dự kiến xin “khất” trả cổ tức lần thứ 7 tới ngày 30/12/2022.

Hoạt động kinh doanh của SP2 và Sudico kém hiệu quả, nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư và sẵn sàng trả mức giá cao để sở hữu tỷ lệ lớn, bởi kỳ vọng vào tài sản/quỹ đất của doanh nghiệp.

SP2 âm vốn chủ sở hữu nhưng Sông Đà vẫn bán được cổ phiếu với giá khoảng 16.100 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu SJS của Sudico được bán với giá 101.900 đồng/cổ phiếu, trong khi giá đóng cửa trên sàn chứng khoán ngày thoái vốn là 83.000 đồng/cổ phiếu.

Sudico có quỹ đất lớn, tập trung ở Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hà Nội). Dự án này có quy mô 288,8 ha, trong đó 15,3 ha được quy hoạch làm khu dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất, diện tích đất quy hoạch cho xây dựng khu đô thị là 189,7 ha.

Ngoài ra, Sudico sở hữu Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp - dự án Khu đô thị Nam An Khánh quy mô 33,68 ha, Khu đô thị du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng (Vân Đồn, Quảng Ninh) quy mô 39 ha, Khu đô thị Tiến Xuân (Lương Sơn, Hòa Bình) quy mô 1.400 ha, Khu nhà ở Văn La - Văn Khê (Hà Nội) quy mô 12 ha.

Còn SP2 đang sở hữu và vận hành Nhà máy Thuỷ điện Sử Pán 2 tại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, công suất 34,5 MW với 3 tổ máy, phát điện từ năm 2012 tới nay.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục