Sông Đà 11 (SJE): Lãnh đạo ồ ạt “thoát hàng”

(ĐTCK) Thị giá cổ phiếu SJE của Công ty cổ phần Sông Đà 11 lập đỉnh cũng là lúc hàng loạt cổ đông nội bộ bán ra.

Nhiều lãnh đạo tranh thủ “chốt lời”

Sau hơn 6 tháng đầu năm ở trạng thái gần như đi ngang, từ ngày 13/7/2022, cổ phiếu SJE bước vào một đợt tăng mạnh mẽ, trong đó có nhiều phiên tăng trần. Đến phiên 25/7/2022, thị giá cổ phiếu này đạt 40.400 đồng/cổ phiếu, thiết lập mức đỉnh lịch sử trong gần 16 năm lên niêm yết trên sàn chứng khoán (14/12/2006). Với mức giá này, cổ phiếu xác lập đà tăng hơn 47% chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng.

Ông Trần Văn Ngư, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, cổ đông lớn thứ hai bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu SJE, tương đương 7,37% cổ phần của doanh nghiệp.

Giai đoạn cổ phiếu tăng mạnh cũng là lúc hàng loạt cổ đông nội bộ của doanh nghiệp công bố bán ra. Cụ thể, ngày 26/7/2022, ông Trần Văn Ngư, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, cổ đông lớn thứ hai của Công ty đăng ký bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu SJE, tương đương 7,37% cổ phần của doanh nghiệp. Giao dịch hoàn tất vào ngày 5/8/2022, ông Ngư chỉ còn nắm giữ 804 cổ phiếu SJE.

Cũng trong ngày 26/7/2022, ông Phạm Minh Ngọc, Ủy viên Hội đồng quản trị đăng ký bán hơn 1,09 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,99%) và chỉ còn nắm giữ 88 cổ phiếu vào phiên 1/8/2022.

Trước đó, bà Trần Thị Hằng, thành viên Ban Kiểm soát và anh trai là ông Trần Văn Thao cũng bán ra lần lượt 409.000 cổ phiếu và 271.100 cổ phiếu. Đến nay, hai cổ đông này chỉ còn nắm giữ lô lẻ 80 cổ phiếu và 28 cổ phiếu.

Sau khi cổ đông lớn thoái vốn cũng là lúc cổ phiếu SJE rơi thẳng đứng và đến cuối tuần qua về mức 30.000 đồng/cổ phiếu, về sát vùng giá trước sóng tăng.

Sông Đà 11 hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông, bưu điện và quản lý vận hành phân phối điện nước. Quý II vừa qua, Công ty công bố con số lợi nhuận sau thuế hơn 30,7 tỷ đồng, gấp 6,14 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây có lẽ là thông tin tích cực nhất hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu SJE trong thời gian qua.

Nội tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn

Tuy vậy, nhìn sâu vào báo cáo tài chính quý II của doanh nghiệp, đà tăng trưởng đột biến của lợi nhuận là nhờ khoản thu nhập khác 31,26 tỷ đồng, tăng 556% so với cùng kỳ (SJE nhượng lại mỏ đá tại Hòa Bình). Mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty có lợi nhuận gộp 6 tháng âm 6 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sông Đà 11 thừa nhận, thị trường xây lắp điện cạnh tranh ngày càng quyết liệt, việc triển khai đầu tư các dự án của ngành điện đang hạn chế đã làm ảnh hưởng đến công tác đấu thầu, trúng thầu của đơn vị. Đặc biệt, tình hình sản xuất - kinh doanh của Công ty TNHH MTV Sông Đà 11 Thăng Long (công ty con do SJE sở hữu 100% vốn điều lệ) rất khó khăn, nhiều công trình chậm tiến độ do không có vốn thi công.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, SJE khẳng định một trong những mục tiêu trọng tâm của Công ty trong năm nay là tiếp tục thực hiện quyết toán các công trình đã hoàn thành, nghiệm thu thanh toán khối lượng dở dang, thu hồi công nợ…

Cụ thể, đến cuối năm 2021, công nợ phải thu của Tổng công ty Sông Đà (mã SJG) trên báo cáo của Công ty TNHH Sông Đà 11 Thăng Long là hơn 74,2 tỷ đồng (gồm công nợ phải thu ngắn hạn hơn 66,3 tỷ đồng và phải thu dài hạn 7,9 tỷ đồng). Đây là các khoản công nợ phải thu khi Sông Đà 11 Thăng Long làm nhà thầu phụ cho SJG tại một số công trình như Thủy điện Xekaman 3, Thủy điện Xekaman 1, Thủy điện Sê San 3… Tổ chức kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với các khoản công nợ trên, đây cũng là lý do khiến cổ phiếu SJE vào diện cảnh báo từ ngày 8/4/2022.

Trong số nợ phải thu ngắn hạn hơn 66,3 tỷ đồng kể trên, hơn 31 tỷ đồng nợ đến hạn đã được Sông Đà 11 Thăng Long trích lập dự phòng. Tuy nhiên, đến nay, các công trình đã thực hiện vẫn chưa thể quyết toán xong với chủ đầu tư hoặc tổng thầu, do đó, công nợ chưa đến hạn hơn 35,5 tỷ đồng chưa thể trích lập dự phòng. Đáng chú ý, hợp đồng thi công các công trình gồm rất nhiều hạng mục công việc nhỏ và thi công kéo dài từ những năm 2005, 2006 đến nay, thậm chí nhiều công trình bị thất lạc hồ sơ do mưa lũ.

SJE cho biết đang cùng Tổng công ty Sông Đà tích cực thực hiện quyết toán các công trình trên, từ đó đôn đốc thu tiền về tài khoản cũng như phân loại lại tổng thể công nợ, tuổi nợ và trích dự phòng công nợ khó đòi theo quy định. Đến tháng 6/2022, SJE vẫn còn hơn 82,5 tỷ đồng nợ quá hạn trên 36 tháng của SJG. Nếu việc thu hồi công nợ không thuận lợi như kỳ vọng, Công ty sẽ phải tăng trích lập dự phòng nợ khó đòi trên báo cáo tài chính kỳ sau.

Việc lãnh đạo ồ ạt bán ra trong thời gian qua có thể là một chỉ báo cho thấy thị giá cổ phiếu đã vượt kỳ vọng của những cổ đông am hiểu nhất về nội tình doanh nghiệp.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục