Sống chậm ở Tràng An

(ĐTCK) Trước khi đến với Tràng An, ấn tượng của tôi còn khá chung chung về mảnh đất này: nơi người dân tín Phật và hiền lành, cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp với những khu đền chùa, sông nước được giữ gìn gần như vẹn nguyên suốt nghìn năm qua. Nhưng sau một buổi sáng thăm thú cố đô xưa của nhà nước Đại Cồ Việt, tôi như đã bị xâm chiếm bởi cảm giác tâm linh rất kỳ lạ.
Sống chậm ở Tràng An

Nơi di sản hội tụ và tỏa sáng

Cô lái đò chở chúng tôi có lẽ là một trong những người đi và về chốn này nhiều nhất, nhưng vẫn quả quyết rằng nơi đây với cô vẫn còn quá nhiều ẩn số cần phải tìm hiểu. Không long lanh, rực rỡ như Tam Cốc - Bích Động, hay quá quen thuộc, thuận tiện như Cúc Phương, Tràng An giấu vào trong nhiều cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, trong trẻo như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc vốn được mệnh danh là Vịnh Hạ Long trên cạn.

Trải qua nhiều thăng trầm, cố đô vàng son một thời nay trở thành điểm du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Say sưa ngắm nhìn nhịp sống chậm rãi, nhuốm màu văn hóa tâm linh ở đây, tôi không khỏi bồi hồi nghĩ đến sự thịnh vượng trước kia của một vương triều.

Hơn 1.000 năm về trước, vua Đinh đã thống nhất giang sơn và lập kinh đô đá ở Hoa Lư, lấy núi làm thành, sông làm đường. Tọa lạc trên những vị trí tuyệt đẹp nên Tràng An cổ được coi là thành Nam, được xây dựng nhiều công trình văn hóa, kinh tế quan trọng…

Ngày nay, để mở rộng hơn cánh cửa đón khách du lịch và những người ưa khám phá thiên nhiên, tỉnh Ninh Bình đã quyết định quây quần di sản thiên nhiên và di sản lịch sử nơi này thành Quần thể danh thắng Tràng An. Nhiều thành quách, chùa chiền cũ đã bị thiên nhiên khắc nghiệt phá hủy, nhưng những dấu vết còn lại ở đó vẫn đứng sừng sững, tráng lệ trong ánh nắng rực rỡ chào ngày mới hơn 1.000 năm qua đủ làm khách thập phương ngất ngây.

Tôi thật may mắn khi đi trên con sông Tràng An giữa độ cuối tháng 5 đầu tháng 6, khi những cánh đồng lúa hai bên bờ đang đến kỳ thu hoạch, nhuộm vàng cả đôi bờ, “khoe sắc” đẹp và trữ tình không kém gì hoa súng ở suối Yến - Chùa Hương.

Bầu trời mùa hạ cõi này trong veo không một gợn mây, không có những đoàn thuyền xuôi ngược, tiếng người í ới như những ngày vãng cảnh du Xuân. Vùng đất lúc này hoàn toàn bị bao trùm bởi sự tĩnh lặng, trầm mặc. Những chiếc thuyền đầy ắp lúa vàng cùng gương mặt rạng rỡ ngày mùa giữa trùng trùng núi đá, mênh mang biển vàng là khoảnh khắc đẹp của làng quê Việt tôi không thể nào quên.

Xuôi theo dòng sông phẳng lặng, chiếc thuyền chở 6 người chúng tôi nhẹ nhàng khua mái uốn lượn xuyên qua các dãy núi đá vôi, len qua 12 hang đá và 3 ngôi đền thờ linh thiêng, qua cả một kho tàng tôn giáo, văn hóa, lịch sử hòa quyện với tự nhiên hài hòa đáng kinh ngạc.

Cô lái đò như cố ý khua mái chèo hòa theo nhịp lưỡi liềm gặt lúa và coi như đây chỉ là cuộc dạo chơi trong lòng “vịnh Hạ Long” trên cạn nhấp nhô với sóng lúa mênh mông bủa vây. Mỗi lần thuyền chèo qua hang đá, từng luồng khí mát lạnh cùng thạch nhũ óng ánh từ trần hang rủ xuống mang theo những cơn gió thơm thảo khẽ luồn qua khe đá đưa lại hương lúa mới tạo nên một không gian an lành, tĩnh lặng và nhuốm màu xưa.

Thuyền cứ chèo qua một hang động hay qua một di tích lịch sử xưa cổ xưa nào đó, cô lái đò lại trở thành người thuyết minh với một tình yêu không dấu giếm những thắng cảnh quê mình. “Nào, đây là Hang sáng long lanh, tráng lệ với nhũ đá óng ánh, kia là Hang Nấu Rượu và Hang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn”…

Đôi lúc tôi cứ ngỡ cô được người xưa cử về để canh giữ, giới thiệu kho báu trong lâu đài nguy nga tráng lệ Tràng An, để du khách thêm hiểu, thêm yêu và giữ gìn những kì vĩ của tự nhiên, và của cả bàn tay con người.

Câu kinh đều đều vang lên nơi cửa Phật

Một số quần thể kiến trúc, chùa chiền ở Tràng An như Đền Trần ngày nay vẫn được người dân gìn giữ rất cẩn thận và thành kính.

Từ bến đò Cây Bàng, phải leo bộ thêm 157 bậc đá mới tới được Đền Trần bởi đền được đặt trên một ngọn núi rất linh thiêng, không chỉ nhằm trấn yểm chống giặc mà còn bảo vệ mùa màng và con người. Vua Đinh coi đây là một trong “Hoa Lư tứ trấn” hay còn gọi là Đền Nội Lâm (trong rừng). Đền Trần không lớn, nhưng thanh tịnh và yên bình. Hơn 10 thế kỷ trôi qua, nhưng những hình long, li, quy, phượng chạm khắc tinh xảo, mềm mại và sống động trên 4 hàng cột đá của đền Trần vẫn còn vẹn nguyên.

Người đàn ông tóc bạc, nét mặt rất khó đoán tuổi vừa quét sân vừa lẩm nhẩm kể lại những giấc mơ hư hư thực thực mình từng trải qua trong suốt chục năm cai quản đền Trần cho du khách. Ông bảo, có đêm mùa Đông, thời tiết hanh khô mà trời bỗng nổi cơn thịnh nộ, nước sông dâng lên cuồn cuộn, ông nằm co quắp trong phòng mơ thấy mình cùng rất nhiều người quỳ trước một vị vua mặc áo bào, tay cầm kiếm đi lại như đang ra lệnh cho bầy tôi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, ông thấy mình đã nằm trước ban Tam bảo từ bao giờ. Sau nhiều lần như vậy, dân làng xung quanh đây đều tin rằng, hễ năm nào mất mùa hay nhà ai gặp đại họa thì sắm sửa lễ vật mà thành tâm vái lạy ở đây nhất định sẽ được tiền nhân che chở.

Ở đây, ngày nào cũng có những đoàn Phật tử hành hương gần xa quỳ trên nền đá rì rầm tụng kinh cầu nguyện. Những câu kinh vang vọng vào sông núi nước Nam, vào cả lòng người kính Phật từng ngày, từng giờ, vào cả cõi Phật thanh tịnh.

Là vùng đất tâm linh nên tới đâu ở Ninh Bình, bạn cũng có thể bắt gặp cờ phướn của nhà Phật chứ không riêng gì Tràng An. Người dân ở Tràng An thật thà, nhân ái và thân thiện, đón nhận niềm vui nỗi buồn như một lẽ tất yếu của tự nhiên. Họ tin vào luật nhân quả và duyên kiếp, nên họ sống kiếp này từ bi và làm việc tốt cho người khác. Họ tin rằng, quay về với thiên nhiên và hấp thụ linh khí đất trời, giữ cho tâm thanh tịnh là một cách gieo những hạt giống lành với cửa Phật.

Càng ngắm nhìn họ, tôi càng cảm thấy niềm tin mạnh mẽ có thể mang đến sự thư thái cho con người. Những bất ổn của cuộc sống hiện đại đã dừng lại ở bên ngoài những cánh cổng chùa, nơi họ cầu nguyện mỗi khi thấy bất an và tin rằng đức Phật sẽ che chở cho cuộc sống của họ. Không riêng gì những người yêu đạo Phật, bất kỳ du khách phương xa nào đến đây cũng đều tìm thấy những giây phút yên bình và ý nghĩa nhất.

Mọi con đường đều rẽ về Tràng An

Không phải mọi nẻo đường du lịch ở Ninh Bình đều dẫn tới Tràng An, nhưng hầu như các cuộc hành trình của du khách đều bắt đầu từ đây. Một số nhóm khách chúng tôi gặp ở các địa điểm khác rồi cũng gặp lại ở chỗ này chỗ nọ tại bến thuyền. 

Không thể phủ nhận sức hút chốn thâm sơn cùng cốc Tràng An sáng như ngọc này vì góc nào ở đây cũng cũng mát mẻ, yên bình, cũng có ngôi đền linh thiêng, hang động tối và bí ẩn, lòng sông sâu thẳm, vách núi chênh vênh. Tôi đi giữa đôi bờ dòng sông phẳng lặng, giữa đôi bờ lúa chín vàng, các dãy nhà cũ kỹ đẹp tựa như trong tranh cổ mà ngỡ mình vừa bước qua nghìn năm lịch sử.

Mỗi lần tôi về lại chốn này, cảm giác xưa cũ lại bủa vây lấy tâm trí, không hẳn là bởi những ngôi nhà hai ven đường vào Tràng An thuộc kiểu làng quê cũ, không hẳn bởi giữa lòng “thủ phủ” du lịch người ta vẫn hồn nhiên trồng lúa, trồng ngô, vẫn kiên quyết giữ gìn nếp nhà truyền thống, mà do bầu không khí tâm linh bao trùm tâm trí của người khách phương xa. Và cứ sau mỗi chuyến du hành về đất Phật, tôi thấy mình không còn là người của chuyến trước nữa.

Dần dà trong cuộc đua với thời gian, Tràng An đi chậm lại phía sau và trở thành nơi lý tưởng cho những người chán ngán ồn ào, chán những bữa tiệc thâu đêm, muốn tìm một nơi sống chậm để thanh lọc tâm hồn. Với tôi, Tràng An sẽ luôn là một điểm đến để gợi nhắc mình nhớ về gốc gác tổ tiên, về nhiều thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước mình, về những miền kí ức đã cũ của một nhà nước “văn minh Đại Cồ Việt” lừng lẫy thuở nào.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục