“Sóng” biến động nhân sự cấp cao ngân hàng còn nóng

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ là thời điểm để các nhà băng công bố thông tin về kế hoạch hoạt động, cũng như xin biểu quyết cổ đông thay đổi các thành viên HĐQT ngân hàng. 
Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, thì làn sóng biến động nhân sự cấp cao ngân hàng sẽ còn “nóng” Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, thì làn sóng biến động nhân sự cấp cao ngân hàng sẽ còn “nóng”

So với mùa đại hội năm trước, nhân sự cấp cao trong ngân hàng tiếp tục biến động mạnh trong kỳ đại hội này, đáng chú ý, các thông tin đều chỉ được tiết lộ vào phút cuối.

Đến nay, đã có khoảng 1/2 tổng số ngân hàng trong hệ thống tiến hành họp ĐHCĐ thường niên 2016 và sẽ tiếp tục tổ chức cho đến đầu tháng 5 tới. Với các ĐHCĐ đã diễn ra từ đầu tháng 4 đến nay, tuy nhân sự cấp cao không biến động nhiều như năm trước, song cũng có những bất ngờ khi người cũ quay lại điều hành.

ĐHCĐ Nam A Bank ngày 15/4 vừa qua đã bỏ phiếu thông qua danh sách HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (2016-2021). Theo đó, ông Nguyễn Quốc Toàn chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT Nam A Bank và bà Triệu Kim Cân trở thành Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng. Như vậy, sau 9 tháng rời “ghế nóng” (ông Toàn xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Nam A Bank tại kỳ ĐHCĐ bất thường vào tháng 7/2015), thì nay ông Toàn quay trở lại điều hành Nam A Bank.

Ngoài ra, ông Trần Ngô Phúc Vũ cũng trở lại Nam A Bank, với tư cách Thành viên HĐQT. Việc trở lại của ông Vũ (từng giữ chức vụ Tổng giám đốc tại Nam A Bank) xuất phát từ nguyện vọng và sự tin tưởng của cổ đông, với mong muốn bổ sung nhân sự quản trị điều hành, nhằm phục vụ cho mục tiêu lâu dài là tự tái cơ cấu thành công.

“Với tư cách cá nhân, tôi hết sức vinh dự khi được cổ đông tin tưởng tiến cử và nhận thấy văn hóa doanh nghiệp của Nam A Bank phù hợp nên đã nhận lời. Điều này cũng đã được HĐQT xem xét và được NHNN thông qua”, ông Vũ nói.

Tại Eximbank, ông Lê Văn Quyết đã chính thức nhận chức Tổng giám đốc. HĐQT Eximbank đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào ông Quyết, bởi kinh nghiệm cũng như thành công mà ông đã gặt hái được trong nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, từ việc xử lý nợ xấu cho đến phát triển tín dụng, từ xây dựng nền tảng khách hàng cho đến đào tạo đội hình, đội ngũ cán bộ ngân hàng năng động, trong sạch.

Ông Quyết thấu hiểu những khó khăn, vất vả, thử thách của lãnh đạo tuyến đầu, những người trực tiếp mang khách hàng về, tạo nên thu nhập cho toàn bộ hệ thống Eximbank.

Thế nhưng, mới đây, tin đồn “thanh trừng nội bộ” ở Eximbank, việc Chủ tịch HĐQT Eximbank ông Lê Minh Quốc xin từ nhiệm sau 4 tháng giữ “ghế nóng” khiến cán bộ, nhân viên Eximbank hoang mang. Tuy nhiên, theo ông Quốc, mọi chuyện đều đang được cơ quan nhà nước giám sát chặt chẽ.

Ông Quốc cho biết, Eximbank đã trải qua một thời gian đi chệch hướng, nhưng không có vấn đề nội tại và hứa hẹn sẽ đưa Ngân hàng về quỹ đạo dẫn đầu như trước đây. Hoạt động giao dịch của Eximbank vẫn diễn ra bình thường với những tín hiệu lạc quan (huy động tăng 2,8%, đạt 101.165 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước khi trích dự phòng rủi ro đạt 500 tỷ đồng). Eximbank sẽ họp ĐHCĐ vào ngày 29/4 tới và HĐQT Ngân hàng cho biết, sẽ không có sự biến động về nhân sự cấp cao sau khi đã được ổn định.

Mới đây, việc đối tác chiến lược, Ngân hàng Standard Chartered (SC), rút người ra khỏi HĐQT ACB cũng khiến dư luận quan tâm. Tuy nhiên, cả ACB và SC cùng cho rằng, đó là chuyện bình thường, bởi mục tiêu khi đầu tư vào ACB của SC là sẽ đưa các chuyên gia vào HĐQT, Ban điều hành ACB.

SC là cổ đông và đối tác chiến lược của ACB kể từ tháng 7/2005. Sau khi cung cấp nhân sự, SC sẽ cùng điều hành, chuyển giao kỹ năng cho ACB. SC đã từng bước đào tạo người thay thế chuyên gia biệt phái của mình và đến nay, khi nhận thấy năng lực ACB đã phát triển mạnh, nên quyết định rút người, công tác chuyển giao nhân sự xem như đã hoàn thành. SC khẳng định tiếp tục là đối tác chiến lược đầu tư bền vững vào ACB.

Nhân sự cấp cao ngành ngân hàng liên tục biến động trong những năm gần đây khi ngành đẩy mạnh chủ trương tái cấu trúc, xử lý sở hữu chéo và M&A. Do đó, việc không ít lãnh đạo ngân hàng phải rời ghế là điều dễ hiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, với bối cảnh hiện nay, làn sóng biến động nhân sự cấp cao ngân hàng sẽ còn “nóng”.              

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục