"Sóng APEC" có lặp lại?

(ĐTCK) Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (APEC 2017) diễn ra tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. 
"Sóng APEC" có lặp lại?

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, sự kiện này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là các công ty hoạt động tại lĩnh vực công nghệ. 

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã chính thức bắt đầu từ ngày 6/11, với sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của sự kiện này đến dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam?

Với tư cách chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam có cơ hội nâng cao vị thế, cũng như uy tín trên trường quốc tế và trong mắt giới đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, việc tạo lực hấp dẫn mạnh với dòng vốn ngoại còn cần thời gian quan sát các cam kết sau hội nghị được triển khai như thế nào và hiệu quả ra sao.

Bên cạnh đó, APEC 2017 không chỉ mở ra cơ hội cho Việt Nam, mà còn cho tất cả các nền kinh tế thành viên khác. Vì vậy, dòng vốn nước ngoài chỉ chảy mạnh vào thị trường nội địa nếu chúng ta có những chính sách tạo điểm nhấn, cũng như sức hấp dẫn khác biệt để tận dụng tốt nhất ưu thế của mình.

Hiện tại, thị trường chứng khoán đang có những phản ứng tích cực trước diễn biến của sự kiện này. Đây phải chăng chỉ là hiệu ứng tâm lý thị trường trong ngắn hạn?

Thực tế, thị trường chứng khoán đã có diễn biến tích cực kể từ đầu năm 2017, khi chưa có tháng nào giảm điểm. Theo tôi, sự kiện APEC 2017 là một yếu tố hỗ trợ thêm cho thị trường.

Tuy nhiên cần lưu ý là trước khi APEC 2017 diễn ra hơn 1 tháng, dù chỉ số VN-Index liên tục tăng điểm trước tác động của những mã lớn như SAB, ROS, nhưng số mã cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo so với số mã tăng đã khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng. Khối ngoại bán ròng 6 tuần liên tiếp trước APEC và thanh khoản giảm về mức thấp nhất năm 2017.

"Sóng APEC" có lặp lại? ảnh 1

 Ông Phan Dũng Khánh

Dù vậy, so với xu hướng tăng ngay từ đầu năm thì diễn biến này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng vào các kết quả của APEC 2017, những kế hoạch, chương trình hành động sắp tới của các nền kinh tế thành viên, cũng như doanh nghiệp trong khối.

Tác động từ APEC 2017 chủ yếu mang tính dài hạn, nhưng vẫn tạo hiệu ứng tâm lý tốt trong ngắn hạn khi xu hướng thị trường trong tuần diễn ra sự kiện là tích cực, số lượng mã tăng giá cao hơn giai đoạn 1 - 2 tháng trước đó.

Cách đây 11 năm, khi APEC 2006 diễn ra tại Việt Nam, thị trường chứng khoán đã bật tăng mạnh, giúp chỉ số VN-Index lập kỷ lục trên 1.000 điểm và sau đó là suy thoái. Theo ông, liệu có khả năng kịch bản này sẽ lặp lại sau kỳ APEC 2017 này hay không?

Chu kỳ kinh tế và thị trường chứng khoán trung bình khoảng 10 năm, kết thúc chu kỳ thường vào năm có con số 7 hoặc 8.

Cách đây 11 năm, APEC diễn ra vào giai đoạn thị trường đã phát triển lên đến gần đỉnh, chuẩn bị đi xuống. Hiện tại, không có gì chắc chắc diễn biến tiếp theo sẽ là tiêu cực, bởi bối cảnh bây giờ và 10 năm trước là rất khác biệt, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những thay đổi mạnh mẽ.

Trong đó, các doanh nghiệp tận dụng được sức mạnh của công nghệ đang ở bước đầu tăng trưởng (Uber, Facebook, Amazon, Airbnb…) và đồng Bitcoin trở thành hiện tượng trên nhiều thị trường quốc tế.

Theo tôi, cho tới đầu năm 2018, thị trường chứng khoán vẫn sẽ diễn biến tích cực, ít nhất là về mặt chỉ số, bởi có nhiều thông tin hỗ trợ cả về kinh tế vĩ mô lẫn hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp.

4 lĩnh vực ưu tiên trao đổi trong khuôn khổ APEC 2017 bao gồm: đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận, tài chính vào bảo hiểm rủi ro thiên tai, tài chính bao trùm. Việc này sẽ tạo cơ hội cho những doanh nghiệp hoặc nhóm ngành nghề nào?

Nhìn chung, cơ hội mở ra cho hầu hết mọi lĩnh vực. Trong đó, ngành công nghệ chắc chắn được hưởng lợi lớn nhất khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rầm rộ. Tuy nhiên, các công ty công nghệ không nhiều trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, các ngành vận tải, năng lượng, hàng tiêu dùng, tài chính – ngân hàng (fintech), cơ sở hạ tầng và xây dựng cũng sẽ đón nhận nhiều cơ hội tốt.

Trong bối cảnh này, cần chú ý rằng, những doanh nghiệp chậm thay đổi, chậm thích nghi sẽ nhanh chóng bị đào thải. Ví dụ dễ nhận thấy nhất là các công ty tên tuổi như Yahoo, Motorola, HTC, Nokia đều lao dốc khi không kịp thay đổi với cuộc chơi trước các đối thủ như Google, Facebook, Apple. 

Ngọc Nhi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục