Sống ảo ở chung cư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự phát triển của mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích, nhưng đây cũng là môi trường phức tạp, gây nên những hiệu ứng hoặc trào lưu thiếu tích cực.
Ảnh: Lê Toàn Ảnh: Lê Toàn

1. Mới đây, chỉ vì kêu gọi cư dân cần tỉnh táo, đấu tranh văn minh, tránh sa lầy vào những đòi hỏi phi thực tế trên nhóm riêng tư của cư dân tòa nhà, mà một cư dân đã nhận được hàng trăm lượt bình luận, với phần lớn là mạt sát, xúc phạm và bị cho là "người của chủ đầu tư".

Dù sau đó cư dân này có thanh minh, nêu rõ lý do, quan điểm rất rõ ràng, nhưng không được sự đồng tình của nhiều cư dân tòa nhà. Thậm chí, những lời bình luận sau status (dòng trạng thái trên facebook) mới còn nặng lời, cay độc hơn nhiều so với những lời bình luận trước. Cuối cùng, vì không chịu đựng nổi, anh đành lặng lẽ rời khỏi diễn đàn, tạm thời tắt trang cá nhân một thời gian để mong sự việc lắng lại.

Trong một câu chuyện khác, ở chung cư một bà chị chơi cùng với người viết, chỉ vì đăng status kêu gọi các chủ hộ nuôi chó, nuôi mèo cần phải giữ ý thức chung mà chị nhận cả tá “gạch đá”, nào là "không biết thương yêu động vật", "vô cảm", "chẳng có quy định nào cấm nuôi chó, nuôi mèo"… hay xa hơn nữa là những lời miệt thị vì chỉ biết mình, chẳng biết người, vân vân và mây mây.

Điều đáng buồn cười là chủ nhân của những lời mắng nhiếc, mạt thị đó lại thường xuyên chia sẻ những đạo lý làm người, về nhân quả, về khẩu nghiệp và về đủ các thứ, miễn là liên quan đến đạo đức và giao tiếp của con người.

Thậm chí, có lần người này còn chủ động inbox riêng với 1 cư dân khác và tự trở thành "thầy" giảng đạo lý sống bất đắc dĩ, khiến cư dân đó khó chịu, chặn luôn facebook để tránh phiền phức.

Cũng tại chung cư này, một nhóm cư dân (cũng không rõ có phải thực sự là cư dân đang sinh sống ở đây hay không - theo lời chia sẻ của bà chị) thường xuyên đăng tải lên diễn đàn kêu gọi đấu tranh, căng băng rôn dù chỉ là những chuyện "nhỏ như con thỏ" như là bảo vệ không chào hỏi, hành lang quá bẩn (do lao công chưa dọn kịp), hay chung cư mà thiếu chỗ đỗ xe ô tô (dù thiết kế ban đầu chỉ có giới hạn như vậy)…

Thời gian đầu, những status kêu gọi này nhận được rất nhiều bình luận ủng hộ của cư dân, nhưng sau một thời gian khi nhận ra mục đích của việc kêu gọi là để đàm phàn và đòi quyền lợi riêng với chủ đầu tư và ban quan lý, đã không còn ai bình luận khi những status kiểu này xuất hiện. Nhận thấy việc kêu gọi của mình không thành công, nhóm người này lại chuyển sang đăng status theo dạng khác như "sống mà không biết đấu tranh cho quyền lợi bản thân thì…".

2. Mạng xã hội là một thành tựu khoa học kỹ thuật của con người. Nó đem con người đến gần với nhau hơn. Nó giúp người ta nói lên suy nghĩ của mình được nhiều hơn. Và đặc biệt, nó giúp cho người truyền tải cảm hứng, giúp cho cộng đồng gần gũi nhau hơn.

Mỗi sáng thức dậy, thay vì bật tivi, mở đài, đọc báo để biết tin tức, rất nhiều người bắt đầu bằng những dòng thông tin rất ngắn trên các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều người sử dụng mạng xã hội để bôi xấu hình ảnh, thậm chí xúc phạm danh dự của cá nhân, tổ chức nào đó với những lời lẽ thiếu văn hóa, thô tục. Chỉ trong tích tắc, danh dự, nhân phẩm, thương hiệu của cá nhân, tập thể bị phá hoại mà không cách nào khắc phục. Các "anh hùng bàn phím" với ý nghĩ tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội, đặc biệt là trong nhiều cộng đồng cư dân chung cư tại Hà Nội.

Trưởng ban quản trị tại một chung cư từng chia sẻ, mâu thuẫn diễn ra tại nhiều chung cư hiện nay là do người mua nhà và chủ đầu tư thiếu lòng tin vào nhau và do sự thiếu minh bạch trong quản lý của chủ đầu. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp, tranh chấp xảy ra do những lý do rất "giời ơi đất hỡi" bởi những cách diễn giải pháp lý khác nhau liên quan đến quản lý và sở hữu chung cư.

Bất chấp anh đang làm nghề gì, nhưng cứ lên mạng là đều thành "giáo sư, tiến sĩ" về chuyên ngành luật hết. Không những vậy, họ còn tường tận các loại luật để bẻ ngoặt mọi quan điểm đối lập. Ngay cả ban quản trị chỉ sơ suất vài việc sẽ bị lôi lên "đầu đài" để luận tội với vô vàn các quan điểm, lý luận khác nhau.

Ngoài ra, trong không ít trường hợp, các hội/nhóm này bị một số cá nhân lợi dụng như một công cụ gây căng thẳng, mâu thuẫn và đẩy mâu thuẫn với chủ đầu tư lên cao, rất khó giải quyết một cách hài hòa.

3. “Đời sống thực chúng ta thở bằng không khí, trên mạng thì thở bằng nội dung”, câu ví von này của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khái quát một mảng đời sống của ngày hôm nay. Chúng ta đang dần dần từ bỏ đời sống thực để sống trong một không gian ảo, đầy tự do nhưng cũng đầy bất trắc.

Sống trên không gian ảo, tức là quen với khái niệm “chém gió”, tức là đôi khi ảo tưởng vào những “like” và “comment” và tưởng rằng mọi việc đều có thể giải quyết bằng vài ba cái “tút - status” trên mạng, lâu dần thành ra đôi khi “quên” cả việc đời sống cần những hành động cụ thể. Sống ảo mãi dần dần thành ra đôi khi bất nhẫn, thành ra vô cảm với cuộc đời.

Cũng như đời thực, mỗi tài khoản cá nhân về bản chất như là thứ thể hiện cá nhân mỗi con người, người ta phải có trách nhiệm với phát ngôn và hành vi của mình. Nhưng cũng đừng vì thế mà cho rằng, chỉ cần đạo đức bằng tuyên ngôn trên mạng là đủ. Ở trên mạng, người ta có quyền tô vẽ cho mình những chân dung tuyệt tác, nhưng sự thật chỉ có một, rằng sự tử tế hay đạo đức phải được chứng minh bằng hành vi, hành động cụ thể.

Với câu chuyện ở cộng đồng mỗi khu dân cư cũng vậy, những fanpage tình làng, nghĩa xóm có xây dựng được văn hóa ứng xử lành mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào hành vi của mỗi người sử dụng, do đó chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia mạng
xã hội.

Thành ngữ có câu “năm người mười ý”, nhưng cũng có câu “nhiều cái đầu sáng suốt hơn một cái đầu”. Điều đó cho thấy, việc tranh luận nào thì cũng có hồi kết và những ý kiến kết luận thường là ý sáng suốt. Vấn đề là làm sao tập hợp được những “cái đầu sáng” để cùng đưa ra ý kiến lành mạnh, bổ ích.

Và trước khi ý kiến sáng suốt cuối cùng được đưa ra, mỗi người hãy nên bình tâm suy nghĩ để đưa ra ý kiến một cách chính xác, thấu đáo, có văn hóa.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục