Quý III/2021, nặng gánh tái cấu trúc và tăng giá nguyên vật liệu
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của SHI, nợ phải trả của Công ty tăng mạnh lên trên 3.949 tỷ đồng, so với trên 3.182 tỷ đồng hồi đầu năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng khá mạnh từ trên 2.968 tỷ đồng, lên trên 3.447 tỷ đồng; nợ dài hạn cũng tăng từ trên 213 tỷ đồng lên trên 501 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý III/2021 của SHI giảm mạnh, đạt 4,97 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2020 đạt 38,78 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 86 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính riêng, quý III/2021, SHI đã ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 1.385 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 37%; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 1 tỷ đồng, giảm mạnh tới 91,33% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 13,38 tỷ đồng.
Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình về số liệu báo cáo tài chính tổng hợp (báo cáo tài chính riêng công ty mẹ) quý III/2021, SHI đưa ra một số lý do khiến lợi nhuận quý III/2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2021 tăng trưởng 37,1% đến từ việc đẩy mạnh bán hàng trong nước và xuất khẩu; tuy nhiên, giá vốn tăng 44,54% do giá nguyên vật liệu tăng, nên lợi nhuận gộp giảm 55,9% xuống còn 32,98 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính tăng 96,06% chủ yếu từ lãi tiền gửi và lợi nhuận từ công ty con; chi phí tài chính giảm 6,54%; chi phí bán hàng giảm 7,55%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 25,33% do chi phí tiền lương cho cán bộ, nhân viên tái cấu trúc và ảnh hưởng từ dịch Covid-19….
Toan tính với bất động sản công nghiệp
Thực hiện tái cấu trúc từ năm 2020, trong đó một lĩnh vực mới được Sơn Hà lấn sân sang là bất động sản khu công nghiệp.
Từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, Sơn Hà đã xác định trong 5 năm tới sẽ đưa bất động sản công nghiệp trở thành ngành chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.
Ngay trong năm 2021, Tập đoàn sẽ khởi công khu công nghiệp đầu tiên đó là Khu công nghiệp Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc với kỳ vọng sẽ là một khu công nghiệp kiểu mẫu, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư khó tính nhất trên thế giới vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển các khu công nghiệp khác ở các vùng miền tạo thành một chuỗi các khu công nghiệp mang đặc trưng của Sơn Hà để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia khác đến Việt Nam.
Dự án đầu tay của Sơn Hà ở phân khúc bất động sản công nghiệp là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tam Dương I – Khu vực 2 huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, SHI đã chào bán thành công hơn 50,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tổng giá trị chào bán dự kiến theo mệnh giá 501 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện 2:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được hưởng 1 quyền, cứ 2 quyền mua cổ phiếu sẽ được mua 1 cổ phiếu mới. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/CP. SHI dự kiến sẽ dành toàn bộ số tiền 501 tỷ đồng này để đầu tư cho dự án Khu công nghiệp Tam Dương I – Khu vực 2. Tuy vậy, đến ngày 23/9/2021, SHI đã phải thay đổi đáng kể việc sử dụng số tiền này, với hai hạng mục chính là đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng, đầu tư thiết bị.
Cụ thể, theo kế hoạch trước đó SHI sẽ dùng 250 tỷ đồng (trong tổng số 501 tỷ đồng nói trên) cộng với trên 444 tỷ đồng vốn vay để đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến ngày 23/9/2021, SHI đã điều chỉnh lại. Theo đó, SHI chỉ dùng 80 tỷ đồng (trong tổng số 501 tỷ đồng) và vay thêm trên 614 tỷ đồng để đề bù giải phóng mặt bằng. Nói cách khác, mục đích sử dụng số tiền 501 tỷ đồng này đã được sử dụng theo hướng giảm tỷ lệ cho đền bù, giải phóng mặt bằng, và tăng chi phí cho xây dựng và đầu tư thiết bị.
Theo tính toán của SHI, trong 7 quý (từ quý IV/2021 đến quý II/2023), SHI sẽ phải trả trên 87 tỷ đồng tiền lãi vay, tương đương mỗi tháng SHI sẽ trả gần 5 tỷ đồng lãi vay cho việc phát triển dự án dự án khu công nghiệp nói trên.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/11, cổ phiếu SHI đạt giá trị 17.800 đồng/cp.