Xuất khẩu gặp khó, vẫn tự tin hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh
Sơn Hà được biết đến là tập đoàn kinh doanh đa ngành, với các lĩnh vực cốt lõi gồm sản phẩm dân dụng và công nghiệp, nước sạch, năng lượng tái tạo… Hoạt động kinh doanh của Công ty được chia làm hai mảng: nội địa và xuất khẩu.
Năm 2020, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và hiện Công ty vẫn cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, chờ các nước mở cửa để xúc tiến đơn hàng.
Quý III vừa qua, Sơn Hà ghi nhận 1.375 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 3,6% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, do giảm giá để kích cầu nên lợi nhuận sau thuế của Công ty ghi nhận 38,7 tỷ đồng, giảm 30,96% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt doanh thu 3.741 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 63,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,7% và giảm 22% so với cùng kỳ.
Năm nay, Sơn Hà đặt mục tiêu doanh thu 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu tương đương mức thực hiện năm 2019 (4.807,1 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận sau thuế giảm hơn 10% so với mức thực hiện năm ngoái (98,90 tỷ đồng).
Các chỉ tiêu này, theo ông Nhữ Văn Hoan, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Sơn Hà, là mức giảm nhẹ trong bối cảnh đại dịch tác động tiêu cực tới nhiều ngành nghề kinh doanh, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm sâu kế hoạch kinh doanh. Và đến thời điểm này, Công ty cũng không có ý định điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2020.
Như vậy, sau ba phần tư chặng đường của năm, Sơn Hà đã thực hiện được lần lượt 81% và 72% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Lãnh đạo Công ty tự tin cho biết có thể hoàn thành kế hoạch năm đã đề ra nhờ sự đóng góp lớn của thị trường nội địa. Đáng chú ý, sản phẩm thép công nghiệp sản xuất tiêu thụ tốt, không đủ để xuất khẩu.
“Các chỉ số tài chính của Sơn Hà ở thời điểm hiện tại vẫn bình thường, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đang ở mức bình thường”, ông Hoan nói.
Mới đây, Hội đồng quản trị trình kế hoạch chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu và Tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư mở rộng nhiều mảng kinh doanh mới. Điều này cho thấy dòng tiền của Công ty vẫn khá tốt.
Quay trở lại với bất động sản
Theo lãnh đạo Sơn Hà, Công ty đang tái cấu trúc tình hình tài chính theo hướng giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất. Dòng tiền đầu tư của Sơn Hà tới đây sẽ “không bỏ chung vào một giỏ, mà được phân bổ rõ ràng theo từng nhóm ngành cụ thể như nước, năng lượng, bất động sản công nghiệp, gia dụng… nên nhà đầu tư sẽ thấy rõ được bức tranh kinh doanh và tính khả thi trong đầu tư”.
Điểm đáng chú ý trong diễn biến hoạt động của Sơn Hà năm nay là việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Thực ra, bất động sản không phải là lĩnh vực kinh doanh mới với Công ty. Thậm chí, Công ty từng có kinh nghiệm đau thương. Hồi năm 2009, khi doanh nghiệp đổ xô bỏ vốn vào thị trường địa ốc, Sơn Hà cũng từng góp vốn với một số doanh nghiệp để phát triển dự án.
Nhưng rồi thị trường khủng hoảng, giá nhà đất rơi sâu, Sơn Hà gặp rất nhiều khó khăn, “bỏ thì thương, vương thì tốn kém”. Công ty đã chấp nhận lỗ 600 tỷ đồng để rút chân khỏi lĩnh vực này.
Trong một sự kiện hồi năm 2018, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà từng chia sẻ: “Tôi hứa với các cổ đông là trong 5 năm sẽ không làm bất động sản. Đến nay đã gần mãn hạn 5 năm đấy nhưng tôi tin là sau 5 năm, tôi vẫn quyết định chưa tham gia vào bất động sản".
Nhưng nay, câu chuyện đã khác.
Sơn Hà không đi theo vết xe cũ, mà đi một con đường mới với tâm thế hoàn toàn khác.
Nói về quyết định trở lại với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn cho biết: “Sơn Hà không đi theo vết xe cũ, mà đi một con đường mới với tâm thế hoàn toàn khác. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, nhận biết thời cơ và đón nhận nó một cách chủ động”.
Con đường mới mà ông Hoan nói tới là lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Còn thời cơ mới chính là xu hướng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư vào Việt Nam do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19. Việt Nam lại được thế giới biết đến là một trong những quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất, tạo dựng được uy tín và thu hút được nhà đầu tư tìm đến Việt Nam - địa bàn kinh doanh an toàn.
Sơn Hà đã xúc tiến ba dự án đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc, Hà Nội và Quảng Ninh. Hiện thủ tục pháp lý của dự án tại Tam Dương (Vĩnh Phúc) cơ bản đã hoàn thành.
Lấy Hà Nội làm trung tâm, Công ty dự kiến phát triển khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố lân cận.
Ông Hoan khẳng định, trong 3 - 5 năm tới, Sơn Hà sẽ có tăng trưởng đột phá sau khi quy hoạch lại các ngành kinh doanh. Ba mũi nhọn tạo đột phá cho Tập đoàn trong thời gian tới là năng lượng sạch (với điện năng lượng mặt trời áp mái FreeSolar đã ra mắt thị trường), nước và bất động sản công nghiệp.
Riêng với ngành năng lượng sạch, theo ông Hoan, Sơn Hà đã có sự chuẩn bị từ hai năm trước.
Ở thời điểm này, các đơn hàng từ nhà dân khá nhiều, mỗi ngày có hàng trăm khách quan tâm và hàng chục khách hàng yêu cầu đến thiết kế, đo đạc và đặt hàng mua các gói điện mặt trời áp mái FreeSolar.
“Chúng tôi đang làm không kịp và đây cũng là thách thức đối với Sơn Hà về việc phục vụ đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng”, ông Hoan nói.
Không thể phủ nhận các mảng kinh doanh Sơn Hà đang tập trung phát triển có tiềm năng rất tốt. Chẳng hạn, với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nhiều doanh nghiệp ngành cao su vẫn thu lãi lớn trong bối cảnh giá cao su thiên nhiên rớt sâu, nhờ chuyển đổi diện tích đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp.
Tuy nhiên, để phát triển các kế hoạch đầy tham vọng này, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn.
Báo cáo tài chính quý III/2020 của Sơn Hà cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 9, Công ty có khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới 1.817 tỷ đồng; trong đó, vay ngắn hạn các ngân hàng lên tới 1.745 tỷ đồng.
Cổ đông, nhà đầu tư đang trông chờ những thông tin cụ thể hơn từ phía Ban lãnh đạo Sơn Hà về kế hoạch đầu tư, kinh doanh với mảng bất động sản công nghiệp, như quy mô đầu tư của các dự án, khả năng thu xếp nguồn vốn và hiệu quả kinh tế mang lại cho Tập đoàn trong tương lai.