Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Theo đó, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực...
Cụ thể, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tăng cường số hóa dữ liệu, đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách xã hội, gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội. Thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại.
Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển các sàn giao dịch việc làm công khai, minh bạch, kết nối cung-cầu lao động. Khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, toàn diện, hướng tới thị trường lao động đa dạng, chuyên nghiệp; có chính sách, giải pháp hiệu quả giảm tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức.
Bên cạnh đó, tăng cường chia sẻ thông tin và liên kết hệ thống CSDL về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cân đối nguồn lực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và nguồn nhân lực trong nước, bảo đảm quyền lợi của người dân nhưng không gây thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước, đặc biệt tại các KCN.
Đến năm 2025, 100% tỉnh, thành phố ban hành Đề án “Phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới”. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH và tình trạng nợ BHXH, BH thất nghiệp; sớm nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để cập nhật thường xuyên các công ty nợ, chậm đóng BHXH; có giải pháp phù hợp giảm tình trạng rút BHXH một lần.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết triển khai, thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sớm trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cũng như phù hợp với yêu cầu thực tiễn; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế để khắc phục các bất cập, vướng mắc, nhất là trong thanh toán, quyết toán chi phí phòng chống dịch COVID-19. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, đầu tư các cơ sở KCB.
Thực hiện nghiêm việc bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng. Từng bước khắc phục tình trạng chất lượng KCB chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng miền trong cả nước. Thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở KCB. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa tại các BV công lập; nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế thôn, bản, KCN, CCN. Tiếp tục thực hiện các dự án, đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực trong ngành y tế. Đặc biệt, trong năm 2024, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các BV công lập.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng bao phủ BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng KCB BHYT và quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Trong năm 2024, nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân KCB BHYT phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế, chỉ định sử dụng dịch vụ y tế quá mức cần thiết trong KCB và trục lợi quỹ BHYT.