Soi tiến độ 5 dự án sử dụng vốn ODA do Bộ Giao thông Vận tải triển khai

0:00 / 0:00
0:00
2/5 dự án sử dụng vốn vay ODA đang được Bộ GTVT triển khai chậm tiến độ, trong đó Dự án WB6, Kênh nối Đáy - Ninh Cơ không thể hoàn thành vào cuối tháng 6/2022.
Thi công cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Ảnh: Phi Long/VOV. Thi công cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Ảnh: Phi Long/VOV.

Đây là thông tin được Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đưa ra tại cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản và giải ngân tháng 5/2022 của Bộ GTVT được tổ chức vào giữa tuần này.

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, trong số 5 dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA đang được Bộ GTVT triển khai có 2 dự án bị chậm tiến độ.

Cụ thể, cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, hay còn gọi là Dự án WB6 theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, sản lượng lũy kế đến ngày 25/5 mới đạt 44%, không hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Hiện Ban quản lý các dự án đường thủy đang hoàn chỉnh các thủ tục để gia hạn Hiệp định vay vốn với WB đến ngày 30/6/2023. Bộ GTVT đã yêu cầu đại diện chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công đảm bảo hết tháng 6/2022 sản lượng lũy kế đạt tối thiểu là 60% giá trị hợp đồng theo yêu cầu của nhà tài trợ, đáp ứng điều kiện gia hạn hiệp định.

Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ được khởi công vào tháng 11/2020 với tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA của WB là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD. Cụm công trình gồm: xây kênh dài khoảng 1km nối sông Đáy và sông Ninh Cơ; âu tàu; cầu vượt và đường dẫn cầu; đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, đê hoàn trả, hệ thống thủy lợi, điện, thông tin liên lạc…

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ban quản lý dự án 2 làm đại diện chủ đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2022 đã triển khai thi công 2/11 gói thầu, sản lượng đạt khoảng 3,8%. Theo đánh giá của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Dự án hiện cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Bên cạnh đó, 2 gói thầu (XL06; XL10) đang thương thảo hợp đồng, dự kiến khởi công cuối tháng 5/2022; 5 gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến khởi công tháng 6/2022; 2 gói còn lại dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu vào cuối tháng 5/2022, khởi công tháng 8/2022. Hiện Bộ GTVT đã yêu cầu Ban quản lý dự án 2 bám sát kế hoạch triển khai các công việc còn lại của Dự án, đồng thời tăng cường nhân sự để kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các mốc tiến độ theo kế hoạch, không để tình trạng chậm tiến độ kéo dài.

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc được đầu tư bằng nguồn vốn của Ngân hàng phát triển châu Á, Chính phủ Australia và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng. Theo thiết kế, dự án được xây dựng trên địa bàn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với 2 tuyến chính từ Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai và tiếp nối với Nghĩa Lộ, Yên Bái. Toàn bộ tuyến có chiều dài 200 km, được đầu tư theo tiêu chuẩn cấp 3 và cấp 4 miền núi. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2024.

Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ do Ban quản lý dự án 2 quản hiện, tính đến cuối tháng 5/2022 đã có 2/4 gói thầu xây lắp đang triển khai thi công; 2 gói thầu còn lại là gói thầu (XL01) đã ký hợp đồng, gói thầu (XL03) đang xin ý kiến nhà tài trợ về kết quả đánh giá hồ sơ tài chính và danh sách xếp hạng nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 6/2022. Bộ GTVT đã yêu cầu Ban quản lý dự án 2 phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ, hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công các gói thầu còn lại.

Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ có tổng mức đầu tư 1.498,336 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng là 352,816 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển kinh tế (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc là 1.145,52 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của Dự án sẽ tiến hành cải tạo theo hình thức xây mới 6 cây cầu gồm cầu Bến Mới (Quốc lộ 38B, Nam Định), cầu Đoan Hùng (Quốc lộ 2, Phú Thọ), cầu Xóm Bóng (Quốc lộ 1C, Nha Trang), cầu Đa Phúc (Quốc lộ 3, Thái Nguyên), Sông Trường và Nước Oa (Quốc lộ 40B, Quảng Nam). Dự án gồm 4 gói thầu xây lắp, được đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên do Ban quản lý dự án 2 quản lý hiện 7/8 gói thầu đang thi công, 1 gói còn lại đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công cuối tháng 5/2022. Theo Cục Quản lý chất lượng và công trình giao thông, sản lượng thi công tại Dự án đến nay đã đạt khoảng 4,8%, cơ bản đáp ứng yêu cầu; riêng gói thầu XL4A chậm khoảng 3,1% so với kế hoạch, do công tác huy động, chuẩn bị (nguồn vật liệu, trạm trộn bê tông nhựa, thiết kế bản vẽ thi công,...) của nhà thầu chậm. Bộ GTVT đã yêu cầu Ban quản lý dự án 2 chỉ đạo nhà thầu thi công huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, tăng mũi thi công bù lại tiến độ đã chậm. Dự án thi công trên đường đang khai thác do đó Ban 2, tư vấn các bên liên quan đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng mức đầu tư 3.654 tỷ đồng, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án sử dụng vốn vay IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế - Ngân hàng Thế giới) 150 triệu USD, vốn đối ứng 3,7 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia là 2,1 triệu USD. Tuyến đường thuộc Dự án có tổng chiều dài 143,3 km, đi qua địa bàn tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai; thời gian thực hiện Dự án từ năm 2017 - 2023.

Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận quản lý hiện đã bàn giao mặt bằng 15,2/15,7km (đạt 96,7%), đang thi công 3/3 gói thầu, sản lượng lũy kế đạt 3,96%, chậm 6,9% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà thầu thi công xử lý nền đất yếu chậm. Hiện Bộ GTVT đã yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công để bù lại tiến độ chậm, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên có tổng mức đầu tư khoảng hơn 2.100 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình đi qua các địa phận huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), bao gồm việc xây dựng mới 15,3km chính tuyến và nâng cấp cải tạo khoảng 2 km Quốc lộ 80 được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; riêng đoạn cải tạo nâng cấp Quốc lộ 80 hiện hữu, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h gồm: 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m. Dự án bắt đầu triển khai các thủ tục thi công kể từ ngày 1/1/2022 và dự kiến hoàn thành thi công dự án trước ngày 31/12/2023.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục