Sợi Thế Kỷ (STK) chuẩn bị chi trả cổ tức tỷ lệ 15%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK) vừa có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15%.
Sợi Thế Kỷ kinh doanh khó khăn trước tình hình sức cầu thế giới giảm. Sợi Thế Kỷ kinh doanh khó khăn trước tình hình sức cầu thế giới giảm.

Theo thông báo, ngày đăng ký cuối cùng là 5/7/2023. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/7/2023. Ngày chi trả cổ tức thực hiện trong quý III/2023.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong kỳ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 287,8 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp về bán hàng chỉ đạt 17,9 tỷ đồng trong khi năm ngoái đạt hơn 111,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 1,62 tỷ đồng trong khi năm ngoái công ty lãi 76,3 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 98%.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cho biết, nguyên nhân chính khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm là do trong quý I/2023, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ do các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý có tiết giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn không cải thiện được chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế.

Ngành dệt may đối mặt với khó khăn kéo dài khi tình hình lạm phát tại các thị trường lớn như Mỹ, EU chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may như Sợi Thế Kỷ gặp nhiều khó khăn. Thiếu vắng đơn hàng và sự cạnh tranh về giá gay gắt đã khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này đã mỏng nay còn mỏng hơn.

Tình hình xuất khẩu dệt may được kỳ vọng sẽ khả quan hơn vào quý IV/2023, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới bớt dần khó khăn và mùa mua sắm cuối năm đến kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là một điểm đến chính của các nhà nhập khẩu, các nhãn hàng lớn, thu hút bởi khả năng sản xuất – đi từ sợi, dệt, nhuộm đến may; cũng như sự ổn định chính trị và các ưu đãi thuế quan dựa trên các hiệp định thương mại đã ký - EVFTA, CPTPP, hiệp định RCEP, UKVFTA. Nhu cầu sợi trong nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng để đáp ứng các quy tắc xuất xứ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTAs cũng như chiến lược “near shoring” của các thương hiệu.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục