Theo kế hoạch năm 2018, STK đặt mục tiêu sợi tái chế chiếm 14% tổng doanh thu (năm 2017 chiếm 6%); thực tế 9 tháng đầu năm, tỷ trọng của sản phẩm này đạt 13%.
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc STK cho biết, sợi tái chế có thể chiếm 20% tỷ trọng doanh thu trong quý IV/2018.
Nhiều khả năng, mảng này sẽ nhanh chóng gia tăng tỷ trọng so với kế hoạch (kế hoạch năm 2019 là 20%, năm 2020 là 30%). Công ty đẩy mạnh mảng sợi tái chế nhằm nắm bắt cơ hội từ xu hướng thời trang thân thiện với môi trường.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn trên thế giới đã cam kết về tỷ lệ sử dụng sợi tái chế. Chẳng hạn, Nike cam kết tỷ trọng 45% từ năm 2017; Adidas cam kết tới năm 2022 sẽ dùng tỷ trọng 95%; Puma đặt mục tiêu 50% cho năm 2020; H&M đặt mục tiêu 100% đến năm 2030.
Đây là thị trường tiềm năng của STK và là động lực tăng trưởng bên cạnh yếu tố gia tăng tỷ trọng các loại sợi có giá trị gia tăng cao cũng như Nhà máy Trảng Bàng 5 sắp đi vào hoạt động. Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược STK cho biết, nhà máy này được trang bị dây chuyền tái chế sợi phế thành hạt nhựa và sợi tái chế.
Dự án đã được giải ngân 80%, dự kiến đến cuối năm giải ngân 100% và đi vào hoạt động từ đầu năm 2019. Trong trung và dài hạn, các dự án về sợi màu, sợi chập và dự án Polymerization sẽ là điểm nhấn tăng trưởng của Công ty.
Theo ông Hòa, để sản xuất sợi màu, STK chỉ cần trang bị thêm thiết bị pha màu cho dây chuyền hiệu hữu. Dự kiến, nửa đầu năm 2019, STK có thể đưa sợi màu ra thị trường. Còn với sợi chập, Công ty đang thương thảo với đối tác lớn của Mỹ chuyên cung cấp vải cho thương hiệu sản xuất giày lớn.