Việt Nam, điểm đến mới của chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may thế giới
Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong năm 2015 và duy trì đà tăng trưởng này trong cả thập niên tới, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dệt may toàn cầu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 của Việt Nam sẽ đạt 28 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với con số 24 tỷ USD trong năm 2014.
Puma, hãng thời trang hàng đầu thế giới thậm chí còn đưa ra dự báo lạc quan hơn. Đó là đến năm 2025, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt 165 tỷ USD (nếu TPP được ký kết) hoặc ít nhất là 113 tỷ USD (nếu TPP không được ký kết).
Những nhận định tích cực trên dựa trên xu hướng dịch chuyển các đơn hàng dệt may từ các quốc gia khác (đặc biệt là Trung Quốc) sang Việt Nam trong thời gian gần đây, khi năng lực cạnh tranh (cả về năng lực sản xuất và giá thành sản phẩm) của ngành dệt may nước ta ngày càng được cải thiện. Việt Nam đang trở thành lựa chọn của hàng loạt nhãn hàng lớn trong việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, như H&M, Zara, Nike, Adidas, Puma, Comlombia, Coach...
Trong một cuộc hội thảo về dệt may quốc tế tại Hà Nội mới đây, đại diện Adidas, tập đoàn thời trang thể thao lớn thứ hai thế giới cho biết, tập đoàn này đang có chiến lược tăng tỷ trọng hàng may mặc có nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam từ mức 17% (năm 2014) lên hơn 40% trong các năm tới.
Bên cạnh đó, sản phẩm dệt may Việt Nam còn gia tăng lợi thế cạnh tranh khi hàng rào thuế quan vào nhiều thị trường được dỡ bỏ. Việt Nam vừa ký kết hàng loạt FTA (với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Kinh tế Á – Âu…), đặc biệt là đang tiến tới tham gia TPP, với cam kết áp dụng mức thuế suất thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm dệt may giảm dần về 0%.
Mức thuế suất này sẽ giúp hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh với hàng dệt may Trung Quốc, đối thủ chính của Việt Nam tại các thị trường này, khi họ phải chịu mức thuế suất từ 12 - 17,5%. Thị phần của hàng dệt may Việt Nam ở các thị trường chính được dự báo sẽ tăng lên so với mức khiêm tốn hiện nay (8,4% thị trường Mỹ, 1,98% thị trường EU, 8% ở thị trường Nhật Bản).
Các quy định xuất xứ nêu trên cũng như sự mất cân đối trong cơ cấu ngành dệt may Việt Nam đang và sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư vào ngành dệt nhuộm của Việt Nam. Điều này sẽ làm gia tăng nhu cầu về sợi ở thị trường nội địa. Mặt khác, nhu cầu về sợi của Việt Nam ở các thị trường quốc tế như Hàn Quốc cũng sẽ tăng lên khi thuế suất nhập khẩu sợi của Việt Nam sẽ giảm từ 8% xuống 0% vào năm sau.
Cơ hội lớn như vậy, nhưng để tận dụng được không phải là dễ vì các khách hàng nước ngoài có đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, khả năng giao hàng nhanh, khả năng phát triển sản phẩm mới có tính năng ưu việt như chống cháy, chống nhàu, hút ẩm nhanh, sử dụng nguyên liệu tái chế và đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội đối với bảo vệ môi trường và lao động.
Doanh nghiệp dệt may Việt đang đứng trước yêu cầu phải tự cải tiến, tăng cường năng lực cạnh tranh, nếu không muốn bị đào thải khi tham gia “sân chơi” lớn, chuyên nghiệp, với những đòi hỏi khắt khe. Và đương nhiên, những doanh nghiệp đã sở hữu sẵn công nghệ, nhân lực và hệ thống quản trị tốt ngay sẽ đứng trước những cơ hội lớn để mở rộng thị phần, tăng trưởng doanh thu.
Bàn đạp tăng trưởng của Sợi Thế Kỷ
Được thành lập vào tháng 6/2000 với định hướng sản xuất sợi polyester filament, ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành sợi, CTCP Sợi Thế Kỷ xác định phải nhắm vào phân khúc sản phẩm chất lượng cao, trong khi duy trì được giá thành cạnh tranh và dịch vụ khách hàng vượt trội.
Để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp quốc tế, Sợi Thế Kỷ đã đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến, xây dựng mạng lưới chuyển giao công nghệ và kỹ thuật từ các chuyên gia hàng đầu từ Đức và Đài Loan, đồng thời áp dụng các thông lệ quản trị tốt trên thế giới.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Sợi Thế Kỷ đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, do Tập đoàn Oerlikon Barmag (Đức) cung cấp. Trong dự án mới đây là Nhà máy Trảng Bàng 3, Công ty tiếp tục đầu tư những dàn máy tiên tiến nhất của Oerlikon Barmag, với hệ thống xuống dàn tự động và tiết kiệm năng lượng nhất.
Trong dự án mới này, Sợi Thế Kỷ cũng quyết định đầu tư hệ thống điều khiển trung tâm POC (Plant Operation Center) của cùng nhà cung cấp Oerlikon Barmag. Đây là hệ thống quản lý sản xuất tiên tiến trên thế giới, kết nối toàn bộ các dây chuyền sản xuất với hệ thống điều hành trung tâm và hệ thống kế toán SAP. POC sẽ giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, tăng năng suất và kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Bên cạnh hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, Sợi Thế Kỷ cũng áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến nhất như ISO 9001-2008, Kaizen và 5S. Việc triển khai hệ thống ERP SAP All-in-one, một hệ thống quản trị các nguồn lực (ERP) của hãng SAP (Đức) vào năm 2011 cùng với việc áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn (lean production) giúp Công ty quản lý các nguồn lực một cách tối ưu, đảm bảo khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh nhất và tiết kiệm chi phí tối đa. Các biện pháp quản lý tài chính hiện đại như cơ chế kiểm soát rủi ro giá cả và tỷ giá cùng với chính sách quản lý tài chính thận trọng cũng được Sợi Thế Kỷ triệt để áp dụng.
Nhờ đầu tư bài bản cho dây chuyền sản xuất, hệ thống quản trị, sản phẩm của Sợi Thế Kỷ có chất lượng cao, ổn định, giá thành cạnh tranh và trở thành thương hiệu uy tín, sánh ngang với các công ty sản xuất sợi polyester hàng đầu thế giới như Nan Ya, LeaLea, Zig Sheng hay Hengli. Mạng lưới khách hàng của Công ty ngày càng mở rộng ở trong nước cũng như quốc tế, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh qua từng năm.
Giai đoạn 2008 - 2014, doanh thu của Công ty tăng trưởng bình quân 32%/năm, trong khi lợi nhuận tăng 61%/năm. Trong cơ cấu doanh thu hiện nay của Sợi Thế Kỷ, xuất khẩu đóng góp tỷ trọng hơn 70%. Đối tượng khách hàng chính của Công ty là các nhà sản xuất vải cao cấp, chuyên cung ứng vải cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Uniqlo, Under Armour, Decathlon, Puma, Guess…
Ngày 18/9/2015, Công ty đã chính thức khai trương Nhà máy Trảng Bàng 3, nâng tổng công suất sản xuất sợi lên 52.000 tấn sợi/năm, giúp Công ty nâng cao khả năng tiếp nhận các đơn hàng từ nhiều thị trường, trong đó có các thị trường mà Việt Nam đã hoặc sắp ký kết FTA như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ… Được biết, từ đầu tháng 7/2015, Sợi Thế Kỷ đã đưa 50% công suất Nhà máy Trảng Bàng 3 vào hoạt động theo đúng kế hoạch. Công ty dự kiến, với công suất tăng thêm này, lợi nhuận sau thuế năm 2016 có thể đạt 160 tỷ đồng, tăng khoảng 39% so với 2015.
Sợi Thế Kỷ cũng lên kế hoạch mở rộng đầu tư thêm Dự án Trảng Bàng giai đoạn 4 trong năm 2016 để tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất. Theo kế hoạch, Dự án có công suất thiết kế 3.000 tấn sợi DTY, 4.000 tấn sợi FDY và 6.000 tấn sợi POY, đi vào hoạt động từ quý III/2016.
Nhạy bén với xu hướng của ngành dệt may thế giới
Nhận thức rõ xu hướng tất yếu là sợi polyester sẽ ngày càng thay thế sợi tự nhiên (như cotton) nhờ vào sự ổn định của nguồn cung và giá thành cạnh tranh, Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ đã tập trung đầu tư sản xuất sản phẩm sợi polyester filament, loại sợi hiện đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thị trường thế giới hiện nay (8,6%/năm). Công ty luôn cập nhật những công nghệ sản xuất sợi polyester mới nhất, nhằm nâng cao tính năng của sợi polyester so với sợi cotton.
Hiện Công ty đang nghiên cứu sản xuất sợi full dull, là loại sợi chống tia UV, phản xạ ánh nắng mặt trời, không phản quang, không hấp thụ nhiệt; sợi hút ẩm nhanh; sợi chống cháy. Đặc biệt, Sợi Thế Kỷ đang phát triển dòng sản phẩm sợi tái chế, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các thương hiệu thời trang lớn. Bởi các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới hiện nay đặt ra những yêu cầu rất khắt khe về vấn đề phát triển bền vững, họ đòi hỏi rất cao với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng phải đảm bảo được các vấn đề về môi trường, xã hội và phúc lợi lao động.
Bên cạnh kế hoạch phát triển sản phẩm sợi, Công ty cũng đang nghiên cứu triển khai dự án dệt nhuộm, nhằm tiến tới phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị ngành dệt may. Cuối tháng 6 vừa qua, Sợi Thế Kỷ đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư thành lập CTCP Sợi – Dệt – Nhuộm UNITEX. Lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cho biết, trong giai đoạn tới, hoạt động cốt lõi của Công ty vẫn là sản xuất sợi, việc Công ty tham gia thêm khâu dệt nhuộm là một cách để nắm bắt được rõ hơn xu hướng sử dụng vải. Từ nghiên cứu trên vải, Công ty có thể chủ động hơn trong nghiên cứu và sản xuất các chủng loại sợi mới, đáp ứng xu thế sử dụng vải hiện đại.
Với sự nhạy bén, tầm nhìn dài hạn, năng lực quản trị và những quyết định đầu tư kịp thời, Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ đã đưa Công ty trở thành thương hiệu uy tín trong ngành dệt may Việt Nam, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao trong 15 năm qua. Đây cũng là nền tảng vững chắc giúp Công ty cạnh tranh tốt trong một sân chơi quốc tế và nhanh chóng nắm bắt thêm các cơ hội mới khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn trong thập kỷ tới.