Tầm nhìn xa
Cách đây 24 năm, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đương nhiệm của STK, là một thương nhân chuyên nhập khẩu các sản phẩm sợi từ Đài Loan về bán cho các doanh nghiệp dệt may trong nước. Ông cho biết, Nhật Bản và Đài Loan có ngành sản xuất sợi khá lâu đời.
“Chúng tôi đã chứng kiến sự huy hoàng của họ và cho rằng, trong tương lai, sản xuất dệt may sẽ chuyển dịch vào Việt Nam. Khi đó, ngành sản xuất sợi sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển này. Sau nhiều năm, khi đã có được một danh sách khách hàng tương đối khá, chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy để sản xuất”, ông Hòa nói.
Chuyên nghiệp trong tất cả các khâu
Lãnh đạo STK chia sẻ, bắt tay vào làm, Công ty xác định ngay từ đầu là sản xuất các loại sợi polyester filament ở phân khúc trung và cao cấp, định hướng sẽ trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sở dĩ STK chọn sản xuất sợi polyester filament vì đây là sản phẩm sợi có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đang dần chiếm thị phần của các loại sợi khác do ưu thế về công năng và giá cả cạnh tranh.
Để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Công ty cũng xác định ngay từ đầu là phải đầu tư bài bản vào máy móc tối tân, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và công nghệ quản lý hiện đại.
Năm 2000, STK ra đời, mô hình hoạt động được tổ chức dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn. Dù vốn liếng ban đầu chưa có bao nhiêu, nhưng Công ty quyết định đầu tư máy móc và thiết bị tiên tiến do Oerlikon Barmag của châu Âu cung cấp. Công nghệ này đảm bảo độ chính xác cao, chất lượng ổn định, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Từ năm 2005, STK chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Tuy quy mô còn nhỏ so với các tập đoàn lớn, nhưng Công ty mạnh dạn đầu tư và đưa vào áp dụng các hệ thống sản xuất và quản lý hiện đại như Sản xuất tinh gọn (Lean Production) và Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP - SAP All in One).
Những hệ thống vừa nêu cho phép STK bố trí các phòng ban, bộ phận một cách hợp lý; kiểm soát và quản lý tốt nguồn vốn lưu động; đảm bảo tồn kho ở mức tối thiểu… Đầu tư các hệ thống sản xuất và quản lý hiện đại đó, Công ty tính chuyện lâu dài khi quy mô tăng lên, vì thực tế, hàng trong kho của STK đều đã có chủ, công suất của các nhà máy vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu.
Hiện nay, khoảng 78% sản phẩm STK sản xuất ra là để xuất khẩu, trong khi hầu như toàn bộ nguyên liệu đầu vào là từ nhập khẩu. Mặc dù vậy, những ảnh hưởng từ sự biến động của tỷ giá đối với STK là không đáng kể do phần lớn doanh thu là bằng ngoại tệ và Công ty đã chủ động xây dựng cho mình những công cụ quản lý rủi ro tỷ giá tự động hiệu quả.
STK cũng thận trọng trong quản trị tài chính, nên các chỉ số tài chính của Công ty rất lành mạnh. Red River Holding (RRH), quỹ đầu tư do Red River Associates Ltd. quản lý với danh mục gồm hàng chục doanh nghiệp Việt Nam, đã nhận xét rằng, hiếm có công ty nào có các hệ số tài chính tốt như STK.
Nhưng con người mới là trung tâm của mọi vấn đề. Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự của STK tương đối cao so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Chẳng hạn, để được vào làm công nhân tại STK, mọi người đều phải trải qua 2 tháng học việc, trong đó 2 tuần học về văn hoá công ty, nội quy và quy trình tác nghiệp chuẩn trước khi được đưa vào ca thực tế. Khi vào làm, nhân viên được đánh giá hiệu quả công việc qua hệ thống chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) và phải tuân thủ quy trình tác nghiệp chuẩn (SOP - Standard Operation Procedure) một cách nghiêm ngặt.
Để nâng cao tay nghề và kiến thức chuyên môn cho nhân viên, STK thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo. Hàng năm, Công ty mời các chuyên gia từ Nhật Bản sang để đào tạo về quy trình 5S, Kaizen và đánh giá lại… STK còn tạo điều kiện cho nhân viên luân chuyển công tác giữa các phòng, ban theo nguyện vọng để nâng cao kiến thức ở nhiều mảng hoạt động.
Nền tảng công nghệ, quy trình và năng lực quản lý hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng khi STK mở rộng quy mô, thậm chí khi quy mô tăng lên gấp 5 - 7 lần so với hiện tại.
Làm không đủ bán
Hiện STK có 2 nhà máy, một tại Củ Chi (TP. HCM) và một tại Khu công nghiệp Trảng Bàng (Tây Ninh), chuyên sản xuất 2 loại sợi là DTY (Drawn Textured Yarn) và FDY (Fully Drawn Yarn) từ chất liệu polyester chip (PET), với tổng công suất 37.000 tấn mỗi năm.
Các nhà máy này hầu như đã chạy hết công suất. Đầu tháng 5/2014, STK khởi công xây dựng Giai đoạn 3 của Dự án Trảng Bàng nhằm nâng công suất lên 52.000 tấn từ mức hiện tại. Tổng chi phí đầu tư cho phần mở rộng này lên đến gần 34 triệu USD, trong đó 70% được tài trợ bằng vốn vay và 30% còn lại là vốn chủ sở hữu, bao gồm số tiền dự kiến sẽ huy động được từ đợt chào bán 3 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới.
Theo dự kiến ban đầu, 50% công suất sẽ được đưa vào khai thác từ đầu quý III/2015 và 50% còn lại từ quý I/2016, nhưng nhiều khả năng dự án sẽ hoàn thành sớm hơn vào tháng 2/2015. Có thể nói, dự án hoàn thành tới đâu thì công suất sẽ được lấp đầy tới đó, vì nhu cầu hiện nay là rất lớn.
“Một khách hàng lớn của chúng tôi hiện nay có nhu cầu tiêu thụ khoảng 3.000 tấn, nhưng chúng tôi chỉ cung cấp 400 - 500 tấn”, ông Hòa cho hay.
Khách hàng của STK chủ yếu là các nhà sản xuất vải trên toàn cầu và cũng là nhà cung cấp truyền thống cho các tập đoàn lớn như Nike, Adidas, Under Armour, Uniqlo, Zara, North Face… Trong nước, 2 khách hàng lớn và lâu năm nhất là Dệt May Thành Công (TCM) và Dệt Thái Tuấn.
Ông Hòa chia sẻ: “Với định hướng luôn đa dạng hóa khách hàng và mở rộng thị trường, công suất hiện nay của STK chỉ đủ khả năng đáp ứng được tối đa 20% tổng nhu cầu của mạng lưới khách hàng sẵn có”.
Theo dự báo của ông Hòa, nhu cầu sợi tại Việt Nam, tính cả nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 2 năm tới sẽ tăng 70 - 80%. Đây là ước tính dựa trên nhu cầu mở rộng của các nhà máy hiện có và đang được xây dựng, chưa bao gồm khả năng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và những dự án mới sẽ vào để khai thác cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Hiện nay, đa số khách hàng hiện hữu tại Việt Nam đang mở rộng quy mô sản xuất. Có những khách hàng tăng 30% công suất và cá biệt có khách hàng tăng 300%. Bên cạnh đó, một số khách hàng mới là doanh nghiệp FDI chuyên về vải cao cấp đã và đang xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam. Chỉ với 3 khách hàng mới đang xây dựng nhà xưởng dự kiến hoàn thành vào nửa đầu năm 2015 thì nhu cầu mới về DTY và FDY đã là 30.000 tấn”, ông Hoà cho biết.
Những kế hoạch mới
STK đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang lĩnh vực nguyên vật liệu (upstream) và dệt nhuộm (downstream). Lãnh đạo STK chia sẻ, Công ty sẽ đầu tư thêm thiết bị sản xuất sợi cho phần nhà xưởng còn lại của Nhà máy Trảng Bàng. Theo tính toán, với điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay thì Công ty có thể đầu tư thêm công suất từ 6000 - 7.000 tấn/năm. Chi phí đầu tư cho dự án này ước khoảng 14 - 15 triệu USD.
Thứ hai, STK sẽ đầu tư vào ngành sản xuất vải (gồm dệt nhuộm) tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (Tây Ninh). Dự án này có công suất 9.000 tấn vải/năm, sử dụng chính nguyên liệu sợi của STK. Tổng trị giá đầu tư ước khoàng 45 triệu USD. Vấn đề còn lại là STK sẽ làm một mình hay làm chung với đối tác và đầu tư một lần hay chia thành nhiều giai đoạn.
“Đầu tư sản xuất vải thành phẩm sẽ giúp chúng tôi nắm bắt thông tin trực tiếp từ thị trường, sự thay đổi trong xu hướng thị trường. Hợp tác với một khách hàng là công ty sản xuất vải hiện có sẽ có nhiều điểm thuận lợi, vì hầu như mọi thứ đã có sẵn: nguyên liệu, hệ thống phân phối, khách hàng. Tuy nhiên, Công ty đang cân nhắc”, ông Hoà nói.
Đợt đấu giá cổ phần ra công chúng vào ngày 9/12 tới và niêm yết cổ phần STK trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM vào quý II/2015 là nhằm tạo đà cho các bước phát triển tiếp theo của Công ty.