Soi tài sản 5 tỷ phú USD Việt Nam được Forbes và Bloomberg công nhận

(ĐTCK) Năm 2018, Việt Nam có 4 tỷ phú góp mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Nếu cộng thêm 1 tỷ phú trong danh sách của hãng thông tấn Bloomberg thì Việt Nam đã có 5 tỷ phú được thế giới công nhận.
Soi tài sản 5 tỷ phú USD Việt Nam được Forbes và Bloomberg công nhận

Forbes vừa công bố danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2018 với kỷ lục mới 2.208 tỷ phú tới từ 72 quốc gia, trong đó có những đất nước lần đầu góp mặt như Hungary và Zimbabwe. Bên cạnh đó, nhờ các thị trường tài chính có một năm thuận lợi, khối tài sản của các tỷ phú đã tăng lên 9,1 nghìn tỷ USD, tăng 18% so với năm ngoái.

Năm 2018, Việt Nam có 4 tỷ phú góp mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Cụ thể, bên cạnh 2 tên tuổi đã quen thuộc là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet, xuất hiện thêm 2 tỷ phú là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Ô tô Trường Hải (Thaco) và ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát.

Trước Forbes, vào giữa tháng 1/2018, Bloomberg cũng đã công bố một gương mặt khác là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group - Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam lọt vào Chỉ số tỷ phú của hãng này với tài sản ước tính 1,2 tỷ USD.

Trong danh sách của Forbes không có ông Nguyễn Đăng Quang mà chỉ có 4 người.

Soi tài sản 5 tỷ phú USD Việt Nam được Forbes và Bloomberg công nhận ảnh 1

 4 tỷ phú Việt Nam trong danh sách của Forbes

Năm 2018, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng lên 5,2 tỷ USD, tính tới ngày 7/3/2018, là người giàu thứ 499 trên toàn cầu.

Đây là năm thứ 6 liên tiếp Chủ tịch Vingroup có tên trong danh sách tỷ phú USD của Forber, đồng thời là năm có khối tài sản tăng mạnh nhất, từ 2,4 tỷ USD vào tháng 3/2017 lên 5,2 tỷ USD vào tháng 3/2018, tương đương tăng 116%.

2018 là năm thứ hai bà Nguyễn Thị Phương Thảo góp mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes và khối tài sản cũng có mức tăng trưởng đáng nể. Năm nay, CEO Vietjet nắm giữ khối tài sản trị giá 3,4 tỷ USD tính tới ngày 7/3/2018, so với 1,2 tỷ USD năm 2017, tăng 183%.

Forbes định danh bà Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, người đã đưa hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air lên sàn chứng khoán vào tháng 2/2017. Vieetjet hiện tổ chức khoảng 300 chuyến bay/ngày, tương đương 40% số lượng các chuyến bay tại Việt Nam.

Hai tên tuổi mới nhất góp mặt trong danh sách tỷ phú là ông Trần Bá Dương, có khối tài sản 1,8 tỷ USD, xếp vị trí 1339 và ông Trần Đình Long sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD, xếp vị trí 1756.

Soi tài sản 5 tỷ phú USD Việt Nam được Forbes và Bloomberg công nhận ảnh 2

 Ông Trần Bá Dương

Theo Forbes, ông Dương đã sáng lập nên Trường Hải vào năm 1997, với hoạt động ban đầu là bán xe, sau đó bắt đầu lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài như Kia, Mazda và Peugeot. Tới năm 2016, Thaco đã trở thành công ty ô tô lớn nhất Việt Nam, với thị phần 32%.

Đáng chú ý, việc thuế nhập khẩu các loại xe ô tô vào Việt Nam giảm xuống 0% bắt đầu từ năm 2018 sẽ tạo nên những thách thức đối với doanh nghiệp ngành ô tô nội địa, trong đó có Thaco.

Ông Trần Đình Long đã thành lập Tập đoàn Hòa Phát vào năm 1992 tại Hà Nội. Hiện tại, Công ty sản xuất và phân phối các thiết bị văn phòng, thép xây dựng, được xem là nhà sản xuất thép lớn nhất tại Việt Nam.

Forbes trích dẫn một câu nói của ông Trần Đình Long rằng: “Một công ty cần tăng trưởng liên tục. Nếu dừng lại, đồng nghĩa với nó đã chết”.

Trong danh sách tổng thể, nước Mỹ hiện vẫn dẫn đầu với 585 tỷ phú góp mặt, tiếp theo đó là Trung Quốc Đại lục với 373 người. Jeff Bezos củng cố ngôi vị người đàn ông giàu nhất hành tinh, trở thành người duy nhất có khối tài sản 12 con số (112 tỷ USD). Trong năm vừa qua, khối tài sản của Bezos đã tăng 39 tỷ USD, lập kỷ lục mức tăng lớn nhất trong 1 năm từ trước tới nay.

Lam Phong (Theo Forbes)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục