Soi nguồn vốn của các đại gia làm dự án khủng - Kỳ 1: ngân hàng chống lưng?

(ĐTCK) Kinh tế phục hồi, các dự án liên tiếp được công bố, các đề xuất mua lại cả doanh nghiệp - dự án với giá hàng trăm tỷ đồng được đưa ra. Đối với các doanh nhân, đây tất nhiên không phải là trò đùa, phía hậu trường họ đã tìm được sự cam kết đồng hành của không ít nhà băng.
LienVietPostBank có thể đầu tư khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng cho dự án cây mắc ca

Với mong muốn đồng hành phát triển cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới tại khu vực Tây Nguyên, trong thời gian qua, CTCP Him Lam đã và đang triển khai nhiều công việc quan trọng nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu trên. Và việc chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Mắc ca Úc cuối tháng 2 vừa qua, được Ban lãnh đạo Công ty cho biết, sẽ giúp Him Lam tiếp cận các hoạt động nghiên cứu về chuỗi giá trị cây mắc ca. Đặc biệt, các tài liệu kỹ thuật chuyên sâu về giống, chất lượng đất, công nghệ chế biến, bảo quản và làm thương hiệu cho cây mắc ca…

“Tôi tình nguyện làm Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Tây Nguyên, không vì cá nhân mà vì quyền lợi của người trồng mắc ca”, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam chia sẻ tại Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên vào đầu tháng 2/2015. Ông Dương Công Minh cũng là Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank.

Thực tế, từ năm ngoái, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank đã nói về kế hoạch đầu tư phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên với quy mô dự kiến ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng.

“Qua quá trình khảo sát, đánh giá tiềm năng của loại cây này, khi nó thu hút được sự tham gia của người dân, chúng tôi có thể đầu tư khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng, trải ra trong khoảng 5 năm. Quy mô này là bình thường và không tổ chức nào tham gia thì cá nhân chúng tôi cũng vẫn làm”, ông Hưởng nói.

CTCP Tập đoàn T&T của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển đã bày tỏ quan tâm đặc biệt đến Cảng Quảng Ninh từ gần một năm qua khi đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp cũng như trực tiếp tìm hiểu hoạt động kinh doanh của cảng biển lớn thứ hai tại miền Bắc.

Ông Đỗ Quang Hiển đã có văn bản gửi đến Bộ Giao thông Vận tải chính thức đề nghị được nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Nhà nước tại Cảng Quảng Ninh. Quyết tâm này được tái khẳng định vào đầu năm nay khi ông chủ T&T muốn thay thế Nhà nước làm cổ đông chi phối tại đây dưới hình thức chỉ định, đồng thời cam kết phát triển kinh doanh cảng theo đúng định hướng của cơ quan quản lý.

Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển cũng được biết đến ở vị trí Chủ tịch HĐQT SHB.

Ngày 2/7/2014, tại trụ sở NHNN đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa các NHTM và doanh nghiệp thuộc địa bàn 5 tỉnh, thành phố tham gia đợt 2 Chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP.

Một trong sáu doanh nghiệp được phê duyệt trong đợt này là CTCP Thực phẩm Sữa TH (Nghệ An) với Dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nghệ An giai đoạn 2 trị giá 524,496 tỷ đồng. Và 5 trong số 6 NHTM tham gia ký hợp đồng tín dụng trong Chương trình cho vay thí điểm lần này đều là ngân hàng mà Nhà nước nắm vốn chi phối và NHTM cổ phần còn lại là BacA Bank. Cũng giống Him Lam hay T&T, trong câu chuyện này, Chủ tịch HĐQT TH Group cũng là Tổng Giám đốc  BacA Bank.

Trong lĩnh vực hàng không, Vietjet đang nổi lên như một hãng hàng không thế hệ mới đầy năng động và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Cổ đông sáng lập lớn nhất là Sovico, Tập đoàn T&C và HDBank. Tổng giám đốc Vietjet Air cũng là Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank.

Tuy nhiên, Vietjet là một trường hợp đặc biệt khi trong kế hoạch đầu tư cực lớn mua 100 máy bay Airbus, thì ngân hàng tài trợ cho những chiếc máy bay đầu tiên không phải là HDBank mà lại là TPBank. TPBank cũng là ngân hàng cho vay gói 400 triệu USD cho Vietjet mua máy bay giai đoạn 2015 - 2020 với hợp đồng ký vào tháng 1/2015 vừa qua.

Những dự án lớn đang được bung ra, và cũng giống như câu chuyện kinh doanh trên thế giới, tính khả thi của mỗi dự án mang lại sự hấp dẫn cho các ngân hàng tham gia cho vay vốn. Ngược lại, sự cam kết thu xếp vốn của ngân hàng trong các dự án cũng là sự đảm bảo cho thành công của các dự án này.

Theo một chuyên gia tài chính, dù các đại gia là cổ đông ngân hàng hay không thì “không có chuyện vi phạm luật tại đây” bởi Luật Tổ chức tín dụng đã có quy định rất chặt về giới hạn cho vay thành viên HĐQT hay ban điều hành. Việc là cổ đông lớn của ngân hàng có thể là một lợi thế, nhưng đây không phải là yếu tố quyết định tới việc huy động được vốn lớn cho các dự án hay đảm bảo sự thành công của dự án.           

Bài 2: Bí quyết tạo nguồn vốn khủng

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục