Người thắng lớn
Thống kê sơ bộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của các doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán cho thấy, có 56 doanh nghiệp đem lại doanh thu 56.200 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ 2016, lợi nhuận sau thuế 5.736 tỷ đồng, tăng 3%.
Trong đó, chủ yếu là đóng góp từ 10 “ông lớn” là Tập đoàn Vingroup (VIC), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No va (NVL), Tập đoàn FLC (FLC), CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG), CTCP Đầu tư LDG (LDG), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), CTCP Đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH). Cụ thể, tổng doanh thu trong nửa đầu năm 2017 của 10 doanh nghiệp này đạt 47.453 tỷ đồng, lợi nhuận là 4.675 tỷ đồng.
Trong bức tranh doanh nghiệp bất động sản trên sàn, VIC điểm sáng nhất khi dẫn đầu cả về doanh thu và lợi nhuận. Kết thúc 6 tháng, doanh thu thuần VIC đạt gần 35.330 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ và chiếm 63% tổng doanh thu toàn ngành. Riêng trong quý II/2017, doanh thu của Vingroup tăng 10.270 tỷ đồng, tương ứng tăng 111%, chủ yếu đến từ bất động sản và bán lẻ.
Báo cáo tài chính bán niên của VIC cho thấy, doanh thu các hoạt động bán lẻ, cho thuê bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dịch vụ y tế, giáo dục đều duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, với tỷ lệ tăng từ 17-53% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu chuyển nhượng bất động sản quý II đạt 13.334 tỷ đồng, tăng 202% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ nửa đầu năm 2017 đạt hơn 2.054 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ và chiếm gần 36% lợi nhuận toàn ngành.
Kế đến là NVL, với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 3.333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 833 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2016, doanh thu kỳ này giảm 1.633 tỷ đồng (tức giảm 32,88%) và lợi nhuận giảm 720 tỷ đồng (giảm 46,37%).
Bám sát là FLC và KDH. Trong khi FLC có doanh thu 2.887 tỷ đồng, lợi nhuận 154 tỷ đồng (tăng trưởng 36,7%), thì KDH đạt 1.790 tỷ đồng doanh thu và 233 tỷ đồng lợi nhuận (tăng trưởng 16%).
Trong 6 tháng đầu năm, sự bứt phá của PDR và KBC gây chú ý nhờ có những khoản tiền lớn từ chuyển nhượng dự án và hoàn thiện bàn giao dự án. Cụ thể, PDR có doanh thu 588 tỷ đồng (tăng 3 lần cùng kỳ), lợi nhuận 126 tỷ đồng (tăng 2,5 lần) nhờ khoản thu từ bàn giao dự án The EverRich Infinity và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. KBC có doanh thu chỉ 484 tỷ đồng, nhưng lãi ròng tới hơn 413 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng toàn bộ 1.500 tỷ đồng góp tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen.
Xét về chỉ số tăng trưởng lợi nhuận, QCG tăng trưởng cao nhất, đạt trên 481%, tiếp đến là PDR với 118,8% và NLG là 143,3%. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, QCG ghi nhận doanh thu 568 tỷ đồng (cùng kỳ 2016 đạt hơn 264 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt 215 tỷ đồng (cùng kỳ 2016 đạt 36,9 tỷ đồng).
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, doanh nghiệp bất động sản đang có bức tranh kinh doanh tốt và tiếp tục giữ phong độ tương đối ổn định từ nay đến cuối năm. Mặc dù vậy, theo ông Châu, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của phân khúc bất động sản cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng với nguồn cung lớn như hiện nay, các doanh nghiệp cần có những chiến lược cụ thể để khai thác kinh doanh hiệu quả hơn trong thời gian còn lại của năm.
Kẻ lỗ triền miên
Bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh kinh doanh cũng tồn tại những khoảng tối cần lưu ý. Thống kê cho thấy, có 10 doanh nghiệp thua lỗ nặng trong nửa đầu năm.
Tại CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT), Công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 341 tỷ đồng khi kết thúc quý II. Trong đó, NVT trích lập dự phòng hơn 316 tỷ đồng và lỗ từ các hoạt động kinh doanh trước đó hơn 4,6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, NVT lỗ ròng 295 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, các sếp lớn của NVT cùng muốn thoái vốn, trong đó Tổng giám đốc Hoàng Anh Dũng đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu NVT đang nắm giữ.
Cụm doanh nghiệp bất động sản của ngành dầu khí cũng có kết quả kinh doanh không tích cực, trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miền như CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng dầu khí (PTL) lỗ 36,1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017 (cùng kỳ 2016 lỗ 26,13 tỷ đồng), CTCP Dầu khí Nghệ An (PXA) lỗ 6,12 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 19,93 tỷ đồng), CTCP Địa ốc dầu khí (PVL) lỗ 4,12 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 4,15 tỷ đồng), CTCP Đầu tư PV2 lỗ 0,07 tỷ đồng…
Đáng chú ý là “cú ngã” bất ngờ của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG). 6 tháng đầu năm ngoái, HDG lãi 10,34 tỷ đồng, nhưng năm nay ghi nhận khoản lỗ sâu 26,72 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần trong nửa đầu năm 2017 của HDG vẫn tăng 140% cùng kỳ, đạt hơn 894 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn đi xuống.
Được biết, năm 2017, HDG đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.812 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện 2016, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 244.7 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, HDG còn cách mục tiêu khá xa. Giải trình về biến động này, ông Nguyễn Văn Đông, Tổng giám đốc HDG cho hay, do HDG tạm hoãn việc ghi nhận doanh thu tài chính từ nguồn chi trả cổ tức của công ty con trên Báo cáo tài chính Công ty mẹ, nên ảnh hưởng đến lợi nhuận.
CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, VPH lãi ròng 7,6 tỷ đồng, giảm 60% cùng kỳ 2016 và mới hoàn thành chưa đây 5% kế hoạch lợi nhuận cả năm (170 tỷ đồng). VPH cho biết, lợi nhuận ròng sụt giảm mạnh là chưa kiểm soát tốt chi phí.
Nhận định về câu chuyện thua lỗ của các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua, một chuyên gia kinh tế cho biết, trong kinh doanh, lãi lỗ là chuyện bình thường. Nhưng với các doanh nghiệp bất động sản thuộc ngành dầu khí, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả do có nhiều xáo trộn bởi hoạt động tái cấu trúc, nhiều lĩnh vực phải thoải vốn, trong đó có bất động sản. Cũng theo chuyên gia này, đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư tìm đến, tái khởi động và xây dựng doanh nghiệp tốt hơn.
Về tổng giá trị tồn kho của khối doanh nghiệp bất động sản trên sàn, thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, 56 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có 145.670 tỷ đồng tồn kho, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2016. Tổng nợ vay và thuê tài chính cũng tăng 6%, ở mức hơn 92.000 tỷ đồng.
Xu hướng nhà thầu chuyển sang làm chủ đầu tư
Ngày 24/8 vừa qua,CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) đã rót gần 1.900 tỷ đồng cho công ty con đầu tư là Công ty TNHH Covestcons. CTD cho biết, quyết định rót vốn nằm trong kế hoạch dài hạn được đặt ra vào năm 2016, cũng như theo tiến độ các dự án mà CTD đang và sắp triển khai.
Theo đó, Covestcons sẽ trực tiếp nghiên cứu và thực hiện những dự án bất động sản như văn phòng, resort... Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình của CTD sau nhiều năm làm nhà thầu, nay bước sang làm chủ đầu tư. Trước đó, một số nhà thầu cũng đã thực hiện việc này là CTCP Xây dựng và đầu tư địa ốc Hòa Bình (HBC), Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1)…
Bình luận về xu hướng ngày càng có nhiều nhà thầu chuyển hướng làm chủ đầu tư, ông Lê Hoàng Châu cho biết, đây là xu hướng tích cực. Ông Châu phân tích, doanh nghiệp từ nhà thầu chuyển sang làm chủ đầu tư một phần bởi áp lực buộc phải chuyển hướng. Hiện nhiều chủ đầu tư do khó khăn về tài chính, họ chọn thanh toán bằng căn hộ cho nhà thầu, đây là một phương thức thanh toán “vật đổi vật”. Khi đó, nhà thầu cần có công ty, văn phòng kinh doanh để phát triển bán sản phẩm này.
“Mặc khác, doanh nghiệp hiện nay không ‘bỏ nhiều trứng vào một giỏ’, nên mở rộng lĩnh vực đầu tư là cần thiết, nhất là khi thị trường xây lắp có tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ 5-6%, trong khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều nhà thầu mới gia nhập thị trường. Việc tỷ suất lợi nhuận ngày càng giảm buộc các ông chủ thầu phải tìm cách làm mới mình”, ông Châu cho hay.
Cũng theo ông Châu, lợi thế của các nhà thầu khi chuyển sang làm chủ đầu tư ngoài giỏi về chuyên môn, họ còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình tiếp cận các ý tưởng phát triển dự án bất động sản, tư vấn chủ đầu tư.
Đánh giá về triển vọng của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường giai đoạn nửa cuối năm 2017, Chủ tịch HoREA cho rằng, những chủ đầu tư lớn, uy tín về thương hiệu và chất lượng xây dựng, dịch vụ sẽ tiếp tục thắng lớn. Trong tương lai, sẽ có nhiều nhà thầu kiêm luôn chủ đầu tư, phát triển mạnh mẽ mảng bất động sản.