Một số nguyên nhân của sự gia tăng các thương vụ M&A trong ngành là:
-
Sự khởi sắc của thị trường BĐS tại Việt Nam trong những năm qua, thể hiện ở tốc độ tăng giá BĐS và dòng vốn cả trong và ngoài nước đổ vào lĩnh vực này.
-
Việc đầu tư nóng vào ngành cũng dẫn đến việc các chủ đầu tư không đủ năng lực về vốn nên có nhu cầu chuyển nhượng dự án. Mặt khác, nhiều DN sử hữu những dự án và vị trí thuận lợi, từ đó xuất hiện nhu cầu khai thác và hiện thực hóa các lợi thế này.
-
Tuy vẫn có nhiều ý kiến về những khó khăn về thủ tục và pháp lý trong chuyển nhượng dự án BĐS, nhưng so với một số lĩnh vực khác, các chuyên gia cho rằng, thủ tục trong chuyển nhượng dự án có thể được coi là đơn giản hơn.
Các thương vụ liên quan đến BĐS năm qua chủ yếu vẫn là chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng pháp nhân sở hữu dự án. Năm 2010, có một số thương vụ chuyển nhượng BĐS đáng lưu ý:
-
Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Prudential Vietnam mua lại phần vốn góp của Công ty Vina Development Inc (Hàn Quốc) để đầu tư vào dự án căn hộ Blooming Park, vừa được đổi tên thành Imperia An Phú, đang được xây dựng tại phường An Phú, quận 2, TP. HCM.
-
CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) đã ký hợp đồng mua lại 60% cổ phần của CTCP Đầu tư BĐS và thương mại Thăng Long (Thăng Long - ITC) do CTCP Thương mại, xây dựng đầu tư phát triển nhà nắm giữ.
-
CTCP Đầu tư kinh doanh địa ốc Đất Xanh mua lại dự án của Công ty TNHH Hà Thuận Hùng và triển khai dự án căn hộ cao 14 tầng Phú Gia Hưng Apartment tại quận Gò Vấp, TP. HCM với 234 căn hộ cao cấp.
-
CTCP Đầu tư và sản xuất Nam Long Bitexco chi 8 triệu USD để có được cao ốc 10 tầng trên khu đất có diện tích 4.350 mét vuông trên đường Võ Văn Tần, TP. HCM từ CTCP Kỹ Thuật Việt.
-
Vinpearl Land đầu tư 147 tỷ đồng vào Công ty BĐS Tây Thăng Long, trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ vốn sở hữu 49%.
Một đặc điểm đáng lưu ý trong năm 2010 là các DN trong lĩnh vực BĐS cũng là đối tượng ưa thích cho các giao dịch phát hành riêng lẻ.
-
Ngày 29/6/2010, Sacomreal đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Quỹ đầu tư Dragon Capital. Theo đó, Dragon Capital nắm giữ khoảng 7,5% vốn cổ phần của Sacomreal.
-
CTCP Thế kỷ 21 (Century 21) phát hành 2.306.148 cổ phiếu với giá 30.000 đồng/CP cho cổ đông chiến lược là Quỹ đầu tư Vietnam Property Holding (VPH) thuộc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM). Qua đó, VPH nắm 11,93% cổ phần của Century 21.
-
Hoàng Anh Gia Lai và Northbrooks Investments - thuộc Tập đoàn Temasek - đã ký hợp đồng mua bán 1,1 triệu trái phiếu chuyển đổi có thời hạn 1 năm với tổng giá trị 1.100 tỷ đồng.
Đánh giá triển vọng 2011
Qua việc nghiên cứu thị trường và động thái của các nhà đầu tư trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng, năm 2011 hoạt động chuyển nhượng dự án BĐS và M&A liên quan đến DN BĐS sẽ tiếp tục gia tăng cả về số thương vụ và giá trị. Đây là xu thế tất yếu do hệ quả của việc tăng trưởng đầu tư trong lĩnh vực BĐS trong một vài năm vừa qua. Các giao dịch này sẽ góp phần tái cấu trúc, sàng lọc các chủ đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án.
Chợ "dự án" họp từ Bắc vào Nam Tổng giám đốc một doanh nghiệp quy mô lớn tại TP. HCM cho biết, mới đây ông nhận được rất nhiều đề nghị mua lại một phần hoặc cả dự án, có không ít dự án tại Hà Nội. Đơn cử, một dự án nằm sát trên Đại lộ Thăng Long có quy mô vài chục héc-ta bao gồm cả đất liền kề, biệt thự, thương mại, căn hộ, chào giá góp vốn 11 triệu đồng/m2. Chợ dự án thường diễn ra âm thầm, rất ít thông tin được thị trường biết đến sau khi thương vụ hoàn tất. Các hình thức giao dịch phổ biến hiện nay gồm bán toàn bộ một tòa tháp trong dự án, bán các phân khúc bán lẻ, văn phòng, căn hộ trong các dự án phức hợp, góp vốn đầu tư vào dự án và bán toàn bộ dự án. Với lãi suất cao như hiện nay, để có tiền trả nợ ngân hàng, có vốn quay vòng, nhiều chủ dự án sẽ phải chấp nhận bán lỗ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khác săn đất giá rẻ. Thị trường BĐS Việt Nam đang thiếu quy hoạch phát triển. Ở cấp độ quản lý nhà nước về thị trường BĐS, Bộ Xây dựng không có bất cứ thống kê hay nghiên cứu nào về sức mua dựa trên thu nhập của người dân để khuyến cáo doanh nghiệp. Trong khi, nhiều chủ đầu tư làm dự án theo phong trào mà không có bất kỳ một cuộc điều tra thị trường nào về sức mua, về nguồn cung trong tương lai…. Đặc biệt là những doanh nghiệp trái ngành đổ tiền vào làm dự án. Thị trường BĐS hiện không khủng hoảng thừa nhưng ở tình trạng có quá nhiều hàng giá cao, vượt quá sức mua của người dân. |