Sôi động lãnh đạo và “người nhà” mua cổ phiếu

(ĐTCK) Thông tin cổ đông nội bộ và người có liên quan tấp nập mua vào đang đỡ giá cho nhiều cổ phiếu trong giai đoạn thị trường điều chỉnh.
Động thái mua vào của lãnh đạo và người nhà giúp cổ đông, nhà đầu tư yên tâm hơn vào triển vọng của doanh nghiệp Động thái mua vào của lãnh đạo và người nhà giúp cổ đông, nhà đầu tư yên tâm hơn vào triển vọng của doanh nghiệp

Người nhà lãnh đạo liên tiếp gom cổ phiếu

Trường hợp cổ phiếu được cổ đông nội bộ và người nhà mua vào mạnh nhất trong thời gian qua là POM của CTCP Thép Pomina. Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trong thời gian từ 15/4 đến 10/5, có tới 21 người là cổ đông nội bộ và có liên quan đến cổ đông nội bộ liên tiếp đăng ký mua vào cổ phiếu. Trong đó, có tới 20 người là người có liên quan đến ông Đỗ Xuân Chiểu, Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Trong khi đó, tại báo cáo quản trị 2017 của doanh nghiệp, người có liên quan của ông Đỗ Xuân Chiểu được liệt kê chỉ là 17 người.

20 người này là anh chị em, con cháu của ông Chiểu và toàn bộ đều đăng ký mua vào cổ phiếu. Thời gian giao dịch được trải dài từ 4/5 đến 13/6.

Tổng số cổ phiếu mua thành công của 21 cá nhân trên là 17,9 triệu cổ phiếu trên tổng số 20,7 triệu cổ phiếu đăng ký mua. Đáng chú ý, nhiều cá nhân cùng đăng ký mua trong cùng 1 ngày và có tới 18 cá nhân chưa từng sở hữu cổ phiếu POM nào trước khi giao dịch.

Trước đó, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Thép Việt, cổ đông nắm giữ 62,81% Pomina đã tiến hành bán ra 18 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 20/4 - 15/5.

Trên thực tế, Pomina được biết đến như là một trong những công ty gia đình với người đứng đầu là ông Đỗ Duy Thái. Ông Thái cũng đang là Tổng giám đốc Công ty Thép Việt. Hiện phần lớn cổ phần POM nằm trong tay Thép Việt và người thân của ông Thái. Do vậy, việc các thành viên trong gia đình ông Thái đua gom cổ phiếu khi có một bên thoái vốn không quá khó hiểu.

Tuy vậy, POM vẫn đang là một doanh nghiệp niêm yết nên việc công ty liên quan và cổ đông nội bộ luân phiên nhau mua bán cổ phiếu dù vô tình hay cố ý cũng sẽ khiến giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán không phản ánh được giá trị thật của doanh nghiệp.

Vào phiên ngày 28/5 vừa qua, cùng với đà giảm sâu của VN-Index, hàng loạt lệnh bán POM cũng bị chất ra thị trường khiến cổ phiếu này có một phiên giảm sàn. Hiện thị giá của POM đang khoảng 16.000 - 17.000 đồng/cổ phiếu, giảm 20% so với mức đỉnh trong vòng 1 năm qua.

Sếp các doanh nghiệp cũng đua nhau “lộ diện”

Những tháng vừa qua, thị trường chứng khoán chứng kiến đợt giảm sốc. Các cổ phiếu, kể cả bluechips, đua nhau giảm mạnh. Trong giai đoạn này, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cùng công bố thông tin sẽ mua thêm cổ phiếu.

Đầu tháng 5, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thông báo sẽ mua 20 triệu cổ phiếu HAG thông qua phương thức khớp lệnh. Lý do là nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, thời gian mua từ 8/5 - 6/6. Tuy nhiên, kết thúc thời gian này, bầu Đức chỉ mua được 4,7 triệu cổ phiếu do “chưa thu xếp kịp tài chính”.

Ngay sau đó, bầu Đức tiếp tục đăng ký mua nốt hơn 15,2 triệu cổ phiếu còn lại trong khoảng thời gian từ 11/6 - 9/2.

Sau công bố mua vào 20 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Công ty, cổ phiếu HAG đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Và mặc dù diễn biến cũng tương tự khi bầu Đức đăng ký mua lần 2, nhưng phản ứng của thị trường không tích cực như lần trước.

Cổ phiếu HAG hiện đang ở vùng đáy của lịch sử giao dịch cổ phiếu khi thị giá đã xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 3 tháng qua, giá cổ phiếu HAG đã giảm tới 37%. Trước đó, ông Đoàn Nguyên Thu, thành viên Hội đồng quản trị và là em trai ông Đoàn Nguyên Đức, bị buộc bán ra cổ phiếu vì bị giải chấp.

Việc bầu Đức lên tiếng mua vào mỗi lần cổ phiếu HAG giảm không còn là điều mới, lần bán ra duy nhất của vị lãnh đạo này là tháng 11/2017. Động thái này được cho là lộ diện cứu giá cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp. Việc tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông niềm tin về tiềm năng của doanh nghiệp và sự gắn bó có trách nhiệm của người lãnh đạo dẫn đến việc giá trị cổ phiếu thường tăng ngay sau đó.

Điều này xảy ra đúng với cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động. Tháng 4 vừa qua, giá cổ phiếu MWG lên xuống thất thường, có những phiên mất mốc 100.000 đồng/cổ phần và giao dịch dưới mức 110.000 đồng/cổ phiếu.

Bất ngờ đối với cổ đông, lần đầu tiên kể từ khi cổ phiếu MWG lên niêm yết tháng 7/2014, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG thực hiện đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu trong thời gian từ 1/6 - 30/6. Phản ứng mạnh mẽ với thông tin này, giá cổ phiếu MWG bắt đầu chuỗi đi lên và thị giá hiện đã lên trên mức 123.000 đồng.

Trước đó, hẳn nhà đầu tư còn nhớ sau thông tin Công ty HomeDirect có liên quan đến vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng, giá cổ phiếu VND của Công ty Chứng khoán VNDirect, công ty có liên hệ với HomeDirect liên tục rớt giá. Cuối tháng 5/2018, thị giá VND đã giảm tới 47% trong vòng 2 tháng.

Trong bối cảnh này, hàng loạt lãnh đạo của VND liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu như Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ, Giám đốc điều hành vận hành. Đáng chú ý, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị VND cũng đăng ký mua tới 5 triệu cổ phiếu.

Việc lãnh đạo doanh nghiệp tích cực mua vào để “cứu giá” cổ phiếu được một số chuyên gia lý giải có thể xuất phát từ hai lý do: Thứ nhất, lãnh đạo doanh nghiệp chịu sức ép từ các cổ đông đại chúng nên buộc phải "xuất quỹ" mua vào để chặn đà rơi. Thứ hai, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải cầm cố chính số cổ phần của mình nhằm bảo đảm cho các khoản vay ở ngân hàng. Khi giá trị  ký quỹ là lớn, việc giữ giá cổ phiếu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp. 

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục