Theo thống kê từ Cushman & Wakefield Việt Nam, trong nửa đầu năm đã có khoảng 10 giao dịch M&A bất động sản hoàn tất, với tổng giá trị giao dịch đạt trên 1,7 tỷ USD. Trong số đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore được coi là những nhà đầu tư tích cực nhất với nhiều thương vụ có giá trị hàng chục triệu USD.
Chỉ tính riêng trong quý II/2016, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ lớn, như Mapletree Investments (Singapore) liên tiếp bỏ ra 84,9 triệu USD, 39,8 triệu USD, 15,5 triệu USD, 74,9 triệu USD để lần lượt nắm giữ 50% cổ phần tại Kumho Asiana Plaza Office, Kumho Link, Kumho Asiana Plaza Apartments, Intercontinental Asiana Saigon từ Kumho Asiana, hay Keppel Land bỏ ra 93,9 triệu USD để nhận chuyển nhượng 40% Dự án Empire City tại quận 2, TP. HCM…
Với các đại gia trong nước, Bitexco gây chú ý với thương vụ mua cổ phần của Công ty Du lịch Hương Giang (Huế)...
Theo đánh giá của các chuyên gia, có thể thấy rằng, chưa bao giờ những thương vụ M&A xuất hiện với tần suất dày đặc đến như vậy. Điều này cho thấy, niềm tin vào thị trường Việt Nam đang ngày càng được củng cố và nâng cao trong con mắt của cả nhà đầu tư cả nội và ngoại.
Một trong các lý do chính được nhiều chuyên gia chỉ ra là nhờ việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... và mới đây là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức vận hành, làm gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư đến Việt Nam. Đặc biệt, với 60% dân số ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Ben Gray, Giám đốc Bộ phận Đầu tư thị trường vốn Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư bất động sản trong khu vực đang tìm kiếm các tài sản tạo nguồn thu ổn định tại Việt Nam. Họ tiếp tục tìm kiếm để cải thiện lợi nhuận từ các danh mục đầu tư và điều này có thể hiểu là họ đang hướng sự quan tâm đến các sản phẩm cốt lõi - văn phòng, bán lẻ, công nghiệp và dịch vụ khách hàng.
Những nhà đầu tư ưa thích rủi ro đang xem xét hợp tác với các nhà phát triển trong nước để phát triển các dự án nhà ở, hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp bất động sản trong nước thông qua việc mua cổ phần. Đây chính là lý do hoạt động M&A trong ngành bất động sản tại Việt Nam đang ngày càng sôi động và hiện nay, Việt Nam đã nằm trong Top 10 thị trường M&A lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cần lưu ý rằng, dù hiện thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với dự báo mức sinh lời sẽ tốt hơn thị trường Nhật Bản, Singapore…, do nhu cầu về nhà ở của giới trẻ Việt Nam còn rất lớn, nhưng để cho hoạt động này thực sự bùng nổ, thì cần phải suy nghĩ lại.
“Thực tế, muốn M&A cũng không hẳn là điều dễ dàng, bởi còn vướng pháp lý. Điều mà nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Chính phủ làm là cần tạo hàng lang pháp lý, các thông tư hướng dẫn đối với nhà dầu tư nước ngoài, cũng cần được minh bạch, rõ ràng, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua hoạt động M&A”, ông Marc Townsend nói và cho biết, nếu Việt Nam cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hơn nữa sự sự minh bạch và có khung pháp lý nhất quán, hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com