Soi bức tranh tài chính PDR, HDG, SCR và SJS

(ĐTCK) Trong kỳ cuối, Báo Đầu tư Bất động sản sẽ điểm 4 doanh nghiệp còn lại trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết báo lãi lớn nhất năm 2016.
Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của HDG đạt 279,7 tỷ đồng, tăng 51% Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của HDG đạt 279,7 tỷ đồng, tăng 51%

PDR: Đột biến trong quý IV/2016

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 được Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) công bố, tổng doanh thu năm 2016 từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt 1.496,66 tỷ đồng, tăng 270% so với năm 2015 (tương đương tăng tới hơn 1.093,1 tỷ đồng). Trong đó, riêng quý IV/2016 đã mang về gần 84,8% (hơn 1.270 tỷ đồng) trong tổng doanh thu cả năm 2016 của PDR, gấp 24,8 lần so với quý IV/2015.

Nhờ doanh thu tăng mạnh, nên lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV/2016 của PDR tăng 120,25% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 174 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty đạt 242,174 tỷ đồng, tăng 55,5% so với năm trước.

Theo giải trình của PDR, kết quả kinh doanh đột biến trong quý IV/2016 là nhờ ghi nhận kết quả chuyển nhượng phần vốn góp ở Công ty cổ phần Đầu tư Phát Đạt - Nha Trang (162,96 tỷ đồng); từ việc tiếp tục bàn giao một số căn hộ của Block C thuộc Dự án The EverRich 2; một số nền đất của Dự án The EverRich 3 và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Ngoài ra, trong quý IV/2016, tình hình phát triển và kinh doanh các sản phẩm bất động sản ở các dự án The River City (đổi tên từ The EverRich 2), The EverRich 3, The EverRich Infinity và các dự án khác của Công ty tiến triển thuận lợi hơn các năm trước, cũng đã giúp mang lại lợi nhuận tích cực cho các PDR.

Hết năm 2016, PDR ghi nhận tổng tài sản đạt 8.998,9 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2015. Chiếm phần lớn trong đó là tài sản ngắn hạn đạt 8.060,7 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, còn tài sản dài hạn đạt 938,2 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ.

Tổng hàng tồn kho theo báo cáo tài chính tới cuối năm 2016 của PDR đạt 7.316 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản đang triển khai, tăng thêm 1.316 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó, The River City chiếm 4.699 tỷ đồng, The EverRich 3 là 1.583,7 tỷ đồng, The EverRich Infinity là 800,3 tỷ đồng và Dự án Nhà Bè chiếm 225,5 tỷ đồng.

HDG: Lợi nhuận tăng trưởng, dòng tiền kinh doanh vẫn âm nặng

Tương tự PDR, doanh thu và lợi nhuận của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng chủ yếu phát sinh trong quý IV/2016. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của HDG, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 đạt 1.984,5 tỷ đồng, tăng 33,34% so với năm trước (tương đương tăng gần 500 tỷ đồng). Trong đó, chỉ riêng quý IV/2016 đã chiếm tới gần 60% tổng doanh thu cả năm của cả Công ty, đạt 1.180,79 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình của HDG, nguyên nhân chủ yếu làm tăng doanh thu là nhờ 2 khoản mục là hoạt động kinh doanh bất động sản và kinh doanh bán điện tăng 84% so với năm 2015, đồng thời doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 10,6 tỷ đồng, chủ yếu từ việc tăng thu nhập lãi tiền gửi từ công ty con - CTCP Hà Đô 756 Sài Gòn với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Với việc giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ hơn 100 tỷ đồng, từ 1.250 tỷ đồng của cuối năm 2015, lên 1.368,4 tỷ đồng năm 2016, đã giúp lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của HDG tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015, đạt 614,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong năm 2016, chi phí tài chính của HDG lại tăng mạnh 826%, từ 12,8 tỷ đồng, lên hơn 118,7 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay (khoảng 117,3 tỷ đồng), trong khi doanh thu tài chính chỉ đạt 25,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng mạnh từ 2,22 tỷ đồng, lên 145,68 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 70,6 tỷ đồng, lên 100,9 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận thuận từ hoạt động kinh doanh của HDG năm 2016 tăng 53%, đạt 282,64 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 279,7 tỷ đồng, tăng 51% và lợi nhuận sau thuế đạt 235,84 tỷ đồng, tăng 69,4%.

Dù doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, nhưng lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của HDG lại âm tới 894,8 tỷ đồng, tăng mạnh từ con số âm 341,87 tỷ đồng hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do tăng mạnh hàng tồn kho từ 95,9 tỷ đồng lên hơn 2.156 tỷ đồng và tăng các khoản phải thu từ 131,1 tỷ đồng lên 389,86 tỷ đồng.

Ngoài ra, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động đầu tư năm 2016 của HDG cũng âm tới 827,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 184,66 tỷ đồng hồi đầu năm.

Tuy vậy, nhờ thu xếp được các khoản vay (gồm cả ngắn hạn và dài hạn) thêm khoảng 2.479,1 tỷ đồng, nên giúp cho khoản mục tiền và tương đương tiền cuối năm của HDG vẫn dương 725,25 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của HDG là 6.518,16 tỷ đồng, tăng hơn 3.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 4.152 tỷ đồng, tăng 85% so với số đầu năm, còn tài sản dài hạn đạt 2.365,8 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 so với số đầu năm.

Về hàng tồn kho, tính đến cuối 2016, HDG có 2.442,7 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng gần 2,5 lần so với số đầu năm.

SCR: Mục tiêu doanh thu nghìn tỷ, thu về chưa đến 53%

Nằm trong Top 10 doanh nghiệp báo lãi lớn năm 2016, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) lại không đạt kế hoạch doanh thu. Cụ thể, năm 2016, SCR đạt 775 tỷ đồng doanh thu, tăng 387,5% so với năm trước, nhưng chỉ hoàn thành 53% kế hoạch năm (kế hoạch 1.448 tỷ đồng).

Cũng giống các doanh nghiệp bất động sản khác, doanh thu năm 2016 của SCR chủ yếu là từ quý IV khi quý này đóng góp tới hơn 368 tỷ đồng doanh thu, gấp 6 lần so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng, nhưng các khoản mục chi phí trong quý IV/2016 của SCR cũng tăng mạnh, thậm chí chi phí bán hàng gấp 17,7 lần so với cùng kỳ, chi phí tài chính gấp đôi, chi phí quản lý gấp 2,5 lần. Cùng với các chi phí khác cũng tăng, khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV/2016 của Công ty chỉ đạt 18,25 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2016, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của SCR đạt 179,84 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4%, trong đó riêng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 173,5 tỷ đồng, giảm 1,7% so với năm trước.

Cũng theo báo cáo tài chính quý IV/2016 hợp nhất của SCR, năm qua tổng nợ phải trả của công ty tăng 115,7%, lên hơn 4.236 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng mạnh từ 1.524 tỷ đồng, lên hơn 3.533,3 tỷ đồng, chủ yếu rơi vào khoảng mục người mua trả tiền trước ngắn hạn (từ 1.007,9 tỷ đồng, lên 2.328 tỷ đồng) và khoảng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (tăng từ 120,89 tỷ đồng, lên 633,9 tỷ đồng). Còn tại khoản nợ dài hạn, khoản tăng mạnh cũng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn (từ 435,5 tỷ đồng lên 644,8 tỷ đồng).

Tính đến cuối 2016, tổng tài sản của SCR là 7.498,4 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng, với chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 84,2% (đạt 6.316,7 tỷ đồng) và tài sản dài hạn chiếm 15,8% (đạt 1.181,6 tỷ đồng).

Về hàng tồn kho, hết năm 2016, tổng hàng tồn kho của SCR tăng mạnh từ 2.738,5 tỷ đồng hồi đầu năm lên 3.606,2 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm.

SJS: Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm tới 90%

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2016 của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS), tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này trong quý IV/2016 chỉ đạt hơn 18 tỷ đồng, giảm 95,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ hơn 395 tỷ đồng).

Lãi gộp theo đó chỉ còn hơn 3,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do SJS chưa đưa Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh vào kinh doanh (dự kiến đưa vào từ quý III/2016), nên doanh thu trong quý IV/2016 đã sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nhờ hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính hơn 14 tỷ đồng, cùng với chi phí quản lý âm 4 tỷ đồng (không thuyết minh cụ thể), lãi ròng vẫn còn được hơn 11 tỷ đồng, giảm 90% song so quý IV/2015.

Lũy kế năm 2016, tổng doanh thu của SJS đạt 522,9 tỷ đồng, chỉ đạt 53% so với kế hoạch năm 2016 đã đề ra từ đầu năm, đồng thời giảm tới 38,87% so với năm 2015. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh 49,55% (từ 540,71 tỷ đồng, xuống 272,8 tỷ đồng) nên lợi nhuận gộp của SJS chỉ giảm khoảng 20,53% so với năm 2015, đạt 250,13 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận thuần của SJS đạt 223,28 tỷ đồng, giảm 26%, còn lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 176,77 tỷ đồng, giảm 21,47% .

Hết năm 2016, tổng tài sản của của SJS là 2.973,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 5.734 tỷ đồng của hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 3.950 tỷ đồng, còn tài sản dài hạn là 2.022 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2016, SJS có tồn kho gần 2.815 tỷ đồng, trong đó Dự án Nam An Khánh chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.397 tỷ đồng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục