TTL: Top doanh nghiệp xây dựng cầu đường
Tổng công ty Thăng Long - CTCP (TTL) thành lập năm 1973, hiện được coi là một trong các đơn vị xây dựng cầu đường hàng đầu của Việt Nam. Công trình đầu tiên của Tổng công ty là Cầu Thăng Long (Hà Nội). Ngoài hoạt động xây dựng các công trình giao thông, TTL còn tham gia với vai trò nhà đầu tư tại một số dự án như BOT cầu Yên Lệnh, Yên Lệnh - Vực Vòng, BOT đường 188…
Giai đoạn từ 28/5/2014 (khi trở thành công ty cổ phần) đến hết năm 2014, TTL ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 1.670 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 26,9 tỷ đồng. Trong 2 năm 2015 và 2016, Tổng công ty có doanh thu hợp nhất lần lượt là 2.416,3 tỷ đồng và 2.143,9 tỷ đồng, tương ứng đạt 85 tỷ đồng và 66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) là 13,01% và 10,04%.
Năm 2017, kế hoạch kinh doanh của công ty mẹ TTL là đạt 2.081 tỷ đồng doanh thu thuần và 57 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. 6 tháng đầu năm, TTL đạt 487 tỷ đồng doanh thu và 23 tỷ đồng lợi nhuận; con số doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt là 540,6 tỷ đồng và 16,3 tỷ đồng.
TTL cho hay, trong 6 tháng đầu năm, các dự án được quyết toán và ghi nhận doanh thu với chủ đầu tư còn chậm, các dự án lớn chưa được đẩy mạnh triển khai. Nhiều công ty con hoạt động chưa hiệu quả, trong đó Công ty cổ phần Cầu 1 Thăng Long bị lỗ. TTL hiện có 4 công ty con và 7 công ty liên doanh, liên kết.
Tại ngày 30/6/2017, TTL có tổng tài sản 1.513,5 tỷ đồng, bao gồm 805 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn và 216 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty bên ngoài. Vốn chủ sở hữu là 547,3 tỷ đồng, trong đó có 52,6 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và hơn 39 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Tại thời điểm trên, Tổng công ty có nợ phải trả là 966 tỷ đồng.
TTL đang quản lý và sử dụng 6 lô đất tại Hà Nội, với tổng diện tích 53.473 m2; 3 căn hộ chung cư tại TP,HCM có diện tích 263 m2.
DTD: Kết quả kinh doanh tăng trưởng
Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thành Đạt (DTD) thành lập năm 2001, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2015, có địa bàn hoạt động chủ yếu tại tỉnh Hà Nam.
Năm 2016, DTD đạt doanh thu thuần xấp xỉ 280 tỷ đồng, tăng 21,7% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 13,1 tỷ đồng (năm 2015 đạt 1,47 tỷ đồng).
6 tháng đầu năm 2017, Công ty đạt 199,2 tỷ đồng doanh thu, 10,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 58,7% và 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo DTD, kết quả kinh doanh tăng trưởng cao là nhờ các dự án triển khai trong năm 2016 đang dần đi vào nghiệm thu và bàn giao.
BTW và NBW: “Bộ đôi” công ty cấp nước từ UPCoM
Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành (BTW) và Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè (NBW) đang hoạt động tại TP.HCM, cùng có 2 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) và Ngân hàng Đông Á (Đông Á Bank).
NBW hiện quản lý hệ thống cấp nước tại các khu vực quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè. Từ khi hoàn tất cổ phần hóa năm 2007, khách hàng và sản lượng tiêu thụ nước sạch của NBW có xu hướng tăng, nhờ đó tổng doanh thu tăng từ 151,8 tỷ đồng năm 2007 lên con số 563,7 tỷ đồng vào năm 2016. Đáng chú ý, năm 2016, lợi nhuận NBW chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, Công ty lãi hơn 3 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2011 - 2015, NBW lãi mỗi năm từ 22,5 - 26,5 tỷ đồng.
NBW cho hay, các năm gần đây, tỷ trọng giá vốn có chiều hướng tăng khi giá mua nước sỉ đầu vào tăng. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng chi phí bán hàng cũng khá cao, năm 2016 chi phí bán hàng tăng 17,1% so với năm 2015.
Đối với BTW, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp này là quận 1 và quận 3 (trừ phường 12, 13, 14). Giai đoạn 2011 - 2014, BTW có lợi nhuận hàng năm từ 22 - 25 tỷ đồng. Năm 2015 và 2016, doanh thu tăng, đạt trên 400 tỷ đồng/năm, nhưng lợi nhuận chỉ đạt lần lượt 7,8 tỷ đồng và 10,6 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, Công ty đạt doanh thu 217 tỷ đồng, lợi nhuận 7,16 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên sàn UPCoM, chốt phiên giao dịch 1/11, giá cổ phiếu BTW và NBW lần lượt là 15.500 đồng/CP và 17.000 đồng/CP. Hai cổ phiếu này sẽ hủy đăng ký giao dịch tại UPCoM vào ngày 8 và 9/11 tới.