Số phận Tổng thống Park Geun-hye sau khi bị phế truất

Bà Park sẽ phải rời khỏi Phủ Tổng thống để chuẩn bị cho cuộc điều tra của các công tố viên đối với những cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.
Bà Park Geun-hye bị phế truất sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Ảnh: Reuters Bà Park Geun-hye bị phế truất sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Ảnh: Reuters

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã trở thành nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ đầu tiên của nước này bị phế truất sau khi Tòa án Hiến pháp sáng nay đồng ý với đề nghị luận tội bà, theo Telegraph.

Phán quyết trên được tòa án tối cao của Hàn Quốc đưa ra sau khi Quốc hội nước này quyết định luận tội và tước bỏ quyền lực của bà vì vụ bê bối tham nhũng liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil.

Quyết định phế truất này đẩy Hàn Quốc vào cuộc chạy đua để bầu ra tổng thống mới trong 60 ngày tới, để lại một lỗ hổng quyền lực lớn trong bối cảnh Seoul đang phải đối mặt với căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực sau các vụ thử tên lửa đạn đạo liên tiếp của Bình Nhưỡng.

Phán quyết này cũng có thể khiến bà Park, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, phải trả một cái giá rất đắt về sinh mệnh chính trị của mình, theo các chuyên gia pháp lý.

Theo Korea Times, sau khi bị phế truất, bà Park sẽ phải rời khỏi Nhà Xanh, phủ Tổng thống của Hàn Quốc, để quay trở về ngôi nhà cũ ở phía nam thủ đô Seoul mà không còn lực lượng cận vệ đặc biệt đi theo bảo vệ.

Người Hàn Quốc biểu tình đòi phế truất bà Park  

Bà cũng nghiễm nhiên mất quyền miễn trừ tổng thống và sẽ phải chuẩn bị mọi hồ sơ, tài liệu cho cuộc điều tra chống tham nhũng và bê bối thao túng quyền lực của các công tố viên. Bà nhiều khả năng sẽ bị truy tố vì hành vi cấu kết với bà Choi, người bị cáo buộc nhận hối lộ và tham nhũng sau khi gây sức ép với nhiều công ty lớn ở Hàn Quốc để họ đưa tiền nhằm đổi lấy những lợi ích chính trị nhất định.

Bà Park bị cáo buộc nghe theo những lời tư vấn bí mật của bà Choi trong nhiều vấn đề, từ chính sách với Triều Tiên cho tới các bộ trang phục trong tủ đồ, mặc dù người bạn thân này không hề có một vị trí chính thức nào trong chính quyền.

Các công tố viên Hàn Quốc đã chuẩn bị tổng cộng 13 cáo trạng nhắm vào bà, trong đó có hành vi lạm dụng quyền lực, ép buộc gây quỹ và tiết lộ bí mật quốc gia.

Dù cả bà Park lẫn bà Choi đều tuyên bố mình không làm gì sai trái, hàng triệu người Hàn Quốc trong suốt nhiều tháng qua đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn đòi luận tội bà. Cả xã hội Hàn Quốc chấn động với quy mô của vụ bê bối, khi nó không chỉ liên quan đến tổng thống, mà còn dính líu tới những tập đoàn khổng lồ như Samsung.

Nhiều người trong đám đông biểu tình đã vỡ òa khi nghe bản phán quyết từ Tòa án Hiến pháp. Trên đường phố, hàng nghìn cảnh sát đã được triển khai để ngăn chặn các cuộc đụng độ có thể xảy ra giữa phe ủng hộ và phe phản đối bà Park.

Số phận Tổng thống Park Geun-hye sau khi bị phế truất ảnh 1

 Một người Hàn Quốc thể hiện sự ủng hộ đối với bà Park. Ảnh: Reuters

Korea Times cho rằng những người ủng hộ bà Park trong những ngày tới sẽ kéo tới Tòa án Hiến pháp để yêu cầu các thẩm phán xem xét lại quyết định này. Cuộc đối đầu giữa hai phe phản đối và ủng hộ bà Park có thể đẩy đất nước Hàn Quốc vào tình trạng hỗn loạn hơn.

Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp có giá trị pháp lý cao nhất, và mọi công dân Hàn Quốc, dù có quan điểm chính trị như thế nào, cũng có nghĩa vụ chấp hành phán quyết này.

Mặc dù vậy, việc bà Park bị phế truất chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ, trong bối cảnh Washington vừa bắt đầu triển khai hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) đến bán đảo Triều Tiên, bất chấp những lời đe dọa và phản đối của Trung Quốc.

Các chuyên gia phân tích Hàn Quốc cho rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp sẽ là cơ hội để các lãnh đạo chính trị nước này chấm dứt những chia rẽ, xung đột và thù ghét để đưa đất nước bước sang trang mới, cũng như sẵn sàng đối phó với cuộc khủng hoảng hậu luận tội.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun cũng kêu gọi người dân và chính phủ nước này nỗ lực để đưa quốc gia vào trạng thái hoạt động bình thường sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

"Trong ít nhất 100 ngày, hoặc thậm chí là tới 6 tháng, đất nước sẽ không thể vận hành bình thường, khiến nhiều người phải chịu khổ", ông Chung nói. Ông kêu gọi các nghị sĩ cấp cao Hàn Quốc cần đóng vai trò then chốt trong việc đoàn kết người dân và đưa đất nước tiến lên.

Về phần mình, bà Park cần phải biết chấp nhận đau đớn sau phán quyết để đoàn kết đất nước, điều tối thiểu bà có thể làm sau vụ bê bối tổng thống chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Hàn Quốc, Korea Times nhấn mạnh.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục