Số phận sân vận động Chi Lăng: Long đong vì trót xơi “bánh vẽ“

Dự án Khu đô thị phức hợp thương mại - dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng do Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh làm chủ đầu tư đổ vỡ, số phận sân vận động Chi Lăng - biểu tượng của bóng đá Đà Nẵng đã trở thành câu hỏi chưa có lời đáp.
Giấc mơ đẹp mà Thiên Thanh vẽ ra về một dự án hoành tráng trước đó nay để lại nỗi thất vọng tràn trề cho Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Tân

Thất vọng tràn trề

Ngày 12/10/2010, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) được UBND TP. Đà Nẵng cấp phép đầu tư cho Dự án Đầu tư khu đất sân vận động (SVĐ) Chi Lăng. Như vậy, quá trình  từ “chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án” tới “cấp phép đầu tư” chỉ thực hiện trong đúng 2 tháng.

Tại thời điểm đó, khi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng, Tập đoàn Thiên Thanh giới thiệu về quy mô dự án bằng việc “vẽ” nên công trình toà tháp trung tâm thương mại hoành tráng cao 50 tầng.

Theo đó, mặt tiền các tuyến đường Lê Duẩn - Ngô Gia Tự - Hùng Vương và Chi Lăng sẽ trở thành Trung tâm thương mại - vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất. Còn khu vực SVĐ Chi Lăng, nhà đầu tư sẽ tiến hành xây dựng Khu phức hợp thương mại - dịch vụ, nơi đây sẽ là trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế về hạ tầng kỹ thuật, đầy đủ các tiện ích và các dịch vụ.

Dự án hoành tráng, nên tổng mức đầu tư cũng phải hoành tráng tương tự, với mức 750 triệu USD. Cùng với quy mô và tổng mức đầu tư, thời hạn hoàn thành cũng hoàng tráng không kém: Đà Nẵng sẽ có công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế đó vào năm 2016!.

Bấy nhiêu điều hấp dẫn đã khiến, ngoài việc có thời gian thẩm định thần tốc, UBND TP. Đà Nẵng nhiệt tình ủng hộ kế hoạch của Thiên Thanh bằng việc nhượng lại “thánh địa” bóng đá Đà Nẵng với giá gần 1.500 tỷ đồng và gấp rút tiến hành di dời giải toả các hộ dân ở các khu đất lân cận dọc tuyến đường sát SVĐ để nhà đầu tư thực hiện Dự án.

Tuy nhiên, tất cả giấc mơ đẹp Thiên Thanh vẽ ra khi đó chỉ để lại nỗi thất vọng tràn trề cho người dân và chính quyền TP. Đà Nẵng. Ngày 29/7/2014, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam cùng nhiều cá nhân khác của Thiên Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để thụ lý điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165, Bộ luật Hình sự”.

Hạng mục SVĐ Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm của Tập đoàn Thiên Thanh nên bị cơ quan điều tra phong tỏa tài sản, phục vụ công tác điều tra. Từ đây, Dự án đi vào ngõ cụt. Số phận của SVĐ Chi Lăng – biểu tượng, trái tim của bóng đá Quảng Đà trở thành câu hỏi bỏ ngỏ.

Quyết giữ Chi Lăng

Để “mua” SVĐ Chi Lăng, Thiên Thanh bỏ ra gần 1.500 tỷ đồng, nhưng Thiên Thanh đã dùng SVĐ này đem phân lô và thế chấp ngân hàng vay hơn 4.000 tỷ đồng.

Nhiều người giật mình cho rằng, dường như vì quá tin tưởng vào những gì Thiên Thanh đã làm được với các dự án khác mà Đà Nẵng đã “lơ là” khâu thẩm định tài chính của đơn vị này trước một dự án có quy mô đầu tư lớn như vậy.

Cụ thể, sau khi có Giấy chứng nhận đầu tư, ngày 21/1/2011, TP. Đà Nẵng và chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Thiên Thanh lập ranh giới chuyển quyền sử dụng đất. Ở thời điểm đó, dù chưa thực hiện các bước đền bù giải tỏa, triển khai phương án bố trí tái định cư, ngày 28/1/2011, Tập đoàn Thiên Thanh đã được UBND thành phố Đà Nẵng giao 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thế nhưng, mãi đến giữa năm 2014, Dự án vẫn chưa triển khai và Thiên Thanh tiếp tục khất hẹn. Cho đến tháng 7/2014, thời điểm ông Phạm Công Danh bị bắt, nhiều người mới phát hiện ra sự việc Thiên Thanh đã đem SVĐ Chi Lăng đi cầm cố cho ngân hàng với giá trị khống. Cùng với việc dự án hoành tráng của Thiên Thanh khép lại là việc SVĐ Chi Lăng được bàn giao quyền quản lý cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong thời gian dự án “đứng bánh”, bóng đá Đà Nẵng, mà trực tiếp là CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng phải đi “mượn” chính ngôi nhà của mình để thi đấu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Phúc Linh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, từ năm 2011 đến nay, Thành phố đã phải tiêu tốn cả chục tỷ đồng để trả chi phí thuê sân bãi tập luyện và di chuyển của vận động viên. “Chủ trương thì đương nhiên UBND Thành phố muốn giữ lại sân Chi Lăng, nhưng giữ được hay không thì còn tuỳ thuộc vào Cơ quan điều tra và chủ sở hữu mới”, ông Linh cho biết.

UBND TP. Đà Nẵng đã nhiều lần bàn về số phận của SVĐ Chi Lăng và phương án được chốt là đầu tư xây dựng mới một SVĐ 20.000 chỗ ngồi tại Hoà Xuân (quận Cẩm Lệ), với kinh phí gần 281,3 tỷ đồng. Trong khi đó SVĐ Chi Lăng cho đến giờ vẫn đang bị bỏ không.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố đã đề nghị Chính phủ cho phép Đà nẵng hoàn trả gần 1.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Nhà nước để nắm quyền quản lý dự án và sử dụng SVĐ Chi Lăng. “Khi được các cấp thẩm quyền đồng ý chủ trương cho thu hồi dự án, thì  việc hỗ trợ, bồi thường cho các bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan như chủ đầu tư và Ngân hàng Nhà nước như thế nào đó sẽ bàn bạc theo đúng quy định của pháp luật”, ông Thơ cho biết.

Về số phận SVĐ Chi Lăng, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương giải tỏa hết phần diện tích tiếp giáp 4 trục đường xung quanh SVĐ, sau đó sẽ mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang SVĐ Chi Lăng trở thành một công trình xứng tầm với sự phát triển của Đà Nẵng”.

Ngọc Tân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục