Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, bên cạnh tín hiệu đáng mừng là Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp xã hội, hoạt động phi lợi nhuận, các tổ chức nghiên cứu cũng cần làm rõ và phân tích thêm, vì sao số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng mạnh.
Liệu có sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động xã hội của các doanh nghiệp hay có tình trạng thành lập doanh nghiệp xã hội để lách luật, hưởng lợi.
Một báo cáo phân tích của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) cho biết, các doanh nghiệp xã hội của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề nhận thức về doanh nghiệp xã hội còn hạn chế, chưa được công nhận chính thức từ phía nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh và gắn kết cộng đồng, cũng như một hệ thống các tổ chức trung gian, dịch vụ hỗ trợ có tính kết nối...