Số liệu tài chính 2019: Phòng trước mối lo lệch sự thật

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research & Education (đơn vị nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực tài chính, kế toán - kiểm toán) cho rằng, chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán 2019 có thể bị ảnh hưởng khi cả 2 chủ thể là doanh nghiệp niêm yết và công ty kiểm toán đều chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.
Dịch Covid-19 tác động tới hoạt động của cả doanh nghiệp niêm yết và công ty kiểm toán, từ đó có thể ảnh hưởng tới chất lượng báo cáo tài chính 2019. Dịch Covid-19 tác động tới hoạt động của cả doanh nghiệp niêm yết và công ty kiểm toán, từ đó có thể ảnh hưởng tới chất lượng báo cáo tài chính 2019.

Báo cáo tài chính năm 2019 kiểm toán của một số doanh nghiệp niêm yết vừa công khai cho thấy có trường hợp lợi nhuận sụt giảm quá 50% so với báo cáo tự lập, hay từ lỗ ít trước kiểm toán thành lỗ nặng sau kiểm toán. Ông lý giải thế nào về tình trạng này?

Tình trạng chênh lệch lợi nhuận giữa báo cáo tài chính của doanh nghiệp tự lập so với báo cáo tài chính được kiểm toán thường diễn ra theo xu hướng lợi nhuận suy giảm.

Tuy nhiên, chuyện đáng nói không đơn thuần nằm ở vấn đề này, mà còn ở nội dung giải trình không thuyết phục về chênh lệch lợi nhuận quá lớn, thậm chí bất thường của doanh nghiệp.

Qua theo dõi thực tế, tôi thấy rằng, nội dung các doanh nghiệp giải trình thường theo hướng “đổ lỗi” cho kiểm toán.

Chúng ta phải xác định rõ ràng, rằng trách nhiệm lập không thuyết phục trước và sau kiểm toán là của doanh nghiệp, kiểm toán có trách nhiệm đưa ý kiến về sự không thuyết phục do doanh nghiệp lập.

Các doanh nghiệp thường giải trình rằng, do kiểm toán viên yêu cầu điều chỉnh giảm doanh thu, tăng chi phí khiến cho lợi nhuận sụt giảm, chúng tôi phải chấp nhận tình trạng này để không bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, giúp nhà đầu tư không bị đối mặt với rủi ro cổ phiếu bị cắt margin…

Trong khi đó, nếu kiểm toán viên đưa ra các yêu cầu, chẳng hạn doanh nghiệp phải ghi nhận giảm doanh thu, tăng chi phí… dẫn đến lợi nhuận suy giảm, thì họ phải có các bằng chứng cụ thể theo chuẩn mực kế toán và kiểm toán, chứ không phải vô căn cứ.

Nếu nhận thấy ý kiến của kiểm toán viên không có căn cứ và không phù hợp, lãnh đạo doanh nghiệp có thể nêu quan điểm tại phần báo cáo của Ban giám đốc trên báo cáo tài chính, hoặc giải trình rõ hơn về chênh lệch lợi nhuận lớn trước và sau kiểm toán, nhưng họ không làm, bởi thực tế không diễn ra như vậy.

Vậy có hay không doanh nghiệp cố tình “nhào nặn” số liệu trong báo cáo tài chính tự lập, dẫn đến sự chênh lệch quá lớn so với báo cáo tài chính sau kiểm toán, theo ông?

ông Phan Lê Thành Long.

Thông tin trên báo cáo tài chính phải đảm bảo tính phù hợp và nhất quán của các ước tính kế toán. Ðây là các nguyên tắc cơ bản khi lập báo cáo tài chính.

Về tính nhất quán, chẳng hạn, trên báo cáo tài chính năm 2018, một tài sản doanh nghiệp ghi nhận khấu hao là 20 năm, nhưng vẫn là tài sản đó sang năm 2019 lại tăng lên 30 năm, thì không đảm bảo tính nhất quán, dẫn đến những biến động về chi phí hoạt động và đương nhiên tác động lên doanh thu và lợi nhuận.

Hay như tính phù hợp, chẳng hạn, tại thời điểm ghi nhận doanh thu có liên quan đến khách hàng vào tháng 1/2020, nhưng doanh nghiệp đã tính vào doanh thu trong năm 2019, như vậy là không phù hợp.

Khi kiểm toán viên làm việc, họ căn cứ vào các chuẩn mực kế toán và kiểm toán, nên yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo các nguyên tắc về tính phù hợp, nhất quán trong các xét đoán và ước tính khi lập báo cáo tài chính, dẫn tới chênh lệch lợi nhuận lớn trước và sau kiểm toán.

Mặt khác, việc chênh lệch lớn về lợi nhuận trước và sau kiểm toán phần lớn còn do sự khác biệt trong các xét đoán và ước tính kế toán nêu trên, song cũng không loại trừ khả năng “nhào nặn” con số vì những mục đích không minh bạch.

Trước tác động của dịch Covid-19, mới đây, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đề xuất cho phép doanh nghiệp lùi thời hạn công bố báo cáo tài chính năm 2019 có kiểm toán. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ chấp nhận gia hạn cho doanh nghiệp chứng minh được sự khó khăn do tác động bởi dịch dẫn đến tiến độ hoàn thành và công bố báo cáo tài chính năm 2019 có kiểm toán chậm trễ, chứ không áp dụng đại trà. Ông nhìn nhận gì về cách xử lý này?

Theo tôi, cách xử lý như vậy vừa có tình, vừa có lý. Có lý là bởi Bộ Tài chính đã căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành để khẳng định về nguyên tắc doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ nghĩa vụ công khai báo cáo tài chính năm 2019 có kiểm toán đúng thời hạn.

Ðiều này rất quan trọng với các công ty đại chúng, công ty niêm yết để nhà đầu tư nắm bắt thông tin tài chính được công bố kịp thời.

Về tình, cơ quan chủ quản vẫn mở cửa cho những doanh nghiệp nào có bằng chứng chứng minh được thực sự gặp khó khăn trong hoàn thành và công bố báo cáo tài chính năm 2019 có kiểm toán, thì gửi công văn giải trình về Bộ để được xem xét gia hạn.

Trên thực tế, đã có trường hợp doanh nghiệp niêm yết không chỉ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận gia hạn công bố báo cáo tài chính năm 2019 có kiểm toán, mà cả với báo cáo tài chính quý I/2020.

Việc doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng quy định về công bố báo cáo tài chính kiểm toán là đương nhiên, nhưng có ý kiến quan ngại việc dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo này. Ông có cho là như vậy?

Trong nghiệp vụ kế toán và kiểm toán, khoảng thời gian cần thiết để lập báo cáo tài chính đạt chất lượng rất quan trọng.

Doanh nghiệp và kiểm toán cần có đủ thời gian sau khi kết thúc kỳ kế toán để hoàn thành các thủ tục như xác nhận công nợ, đánh giá sự sụt giảm giá trị của các tài sản, đánh giá rủi ro của các sự kiện như dịch Covid-19 có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính hay không…

Thực tế là dịch bệnh này đang ảnh hưởng cả đến doanh nghiệp niêm yết lẫn công ty kiểm toán trên nhiều mặt.

Ở khía cạnh doanh nghiệp niêm yết, hiện có nhiều tình huống khiến cho công ty có khả năng đối mặt với sự chậm trễ trong cung cấp thông tin cho kiểm toán.

Chẳng hạn, các hồ sơ, con số cần có chữ ký xác nhận của lãnh đạo, nhưng lãnh đạo là người nước ngoài, hoặc bị cách ly trong các vùng dịch, thì công ty phải tìm cách chuyển tài liệu đến lãnh đạo.

Trong trường hợp lãnh đạo ở nước ngoài thì gần như không thể chuyển phát nhanh tài liệu vì đường hàng không hiện gần như dừng hoạt động, nên khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi đáp ứng yêu cầu về thời gian trong cung cấp đầy đủ các tài liệu cho kiểm toán viên làm việc.

Còn ở góc độ công ty kiểm toán, do thực hiện giãn cách xã hội, chưa kể có những trường hợp kiểm toán viên là F2, F3 phải thực hiện cách ly, nên khiến nhân sự làm việc sụt giảm.

Thế nhưng, do tính chất mùa vụ, lại hạn hẹp về thời gian hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 cho nhiều doanh nghiệp cùng một lúc, trong khi vì nhiều lý do doanh nghiệp chậm trễ trong cung cấp thông tin đầy đủ, hợp lý và trung thực cho kiểm toán viên, nên chất lượng báo cáo tài chính năm 2019 được kiểm toán năm nay có thể bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng, các công ty sẽ phải tìm điểm cân bằng hợp lý giữa đáp ứng yêu cầu pháp lý về tiến độ hoàn thành và công bố báo cáo tài chính năm 2019 có kiểm toán có chất lượng.

Ðây là điều nhà đầu tư cần lưu ý trong mùa tiếp nhận thông tin báo cáo tài chính năm 2019 có kiểm toán trước khi đưa ra các xét đoán về hoạt động của doanh nghiệp nói chung, sức khỏe tài chính, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, cũng như cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư vào doanh nghiệp.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục