Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình: Tháo gỡ “điểm nghẽn” để tạo đà cho năm mới khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
Thái Bình triển khai nhiều giải pháp, tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” về môi trường đầu tư, kinh doanh, linh hoạt, thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tới tìm hiểu đầu tư tại Thái Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận làm việc với Ủy ban Hợp tác Đông Nam Á và Trường KALGS chuyên đào tạo về lĩnh vực kinh tế trong chuyến kêu gọi xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thái Bình tại Seoul (Hàn Quốc) Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận làm việc với Ủy ban Hợp tác Đông Nam Á và Trường KALGS chuyên đào tạo về lĩnh vực kinh tế trong chuyến kêu gọi xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thái Bình tại Seoul (Hàn Quốc)

Để hiểu rõ thêm thông tin, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình.

Năm 2021 là năm tỉnh Thái Bình ghi nhận sự khởi sắc về thu hút đầu tư. Với vai trò đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh, xin ông cho biết những giải pháp cơ bản cùng những kết quả bước đầu?

Trong năm 2021, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tại nhiều địa phương trong cả nước gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Codid-19, tỉnh Thái Bình cũng không ngoại lệ. Cùng với đó là những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, như giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và thu hút đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế; công tác quy hoạch còn bất cập; hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là những dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn nhân lực còn thiếu, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt tới các cấp, ngành, các cơ quan hành chính của tỉnh, tích cực đổi mới sáng tạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả cải cách hành chính và tạo được những chuyển biến tích cực và những giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” để tạo đà tăng trưởng.

Ông Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình.
Ông Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình.

Trong những “điểm nghẽn” trên, tỉnh xác định công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án chậm là vấn đề nóng, nổi cộm, cần nhanh chóng tháo gỡ. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 5/7/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 18/8/2021 thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU ngày 05/7/2021 và Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 18/8/52021 tổ chức phong trào thi đua “Đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai.

Bằng sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của cả hệ thống chính trị, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến tích cực, với kết quả hơn cả sự mong đợi, nhiều điểm tồn tại từ lâu tưởng như không giải phóng được như Khu tập thể 4-5 tầng phường Lê Hồng Phong, đường Chu Văn An, đường Đinh Tiên Hoàng và các dự án trọng điểm như Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái, KCN Thaco, Dự án đường bộ từ TP.Thái Bình đi cầu Nghìn… đã được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án sớm triển khai, kịp tiến độ.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn” về kết cấu hạ tầng giao thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh công tác tham mưu, thực hiện hiệu quả các đề án, dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ TP. Thái Bình đi cầu Nghìn, đường ĐT.462 (đường 221A), đường ĐT.454 (đường 223), hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình cùng một số tuyến giao thông quan trọng khác.

Xin ông cho biết kết quả cụ thể trong thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Bình?

Triển khai thực hiện chữ ký số và giải quyết công việc trên môi trường mạng, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được thực hiện theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đến hết ngày 30/11/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận 6.668 lượt hồ sơ (trong đó có 2.208 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến và 4.460 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp).

Đến ngày 22/11/2021, có tổng số 77 dự án đầu tư được chấp thuận đầu tư hoặc cấp giấy chứng đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 18.389,15 tỷ đồng (22 dự án đầu tư trong KCN, khu kinh tế với vốn đăng ký mới và tăng thêm là 13.737,09 tỷ đồng và 55 dự án đầu tư ngoài KCN, khu kinh tế với vốn đăng ký mới và tăng thêm là 4.652,06 tỷ đồng).

Năm 2021, tỉnh đã thẩm định cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Toàn tỉnh hiện có 99 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.310,5 triệu USD, trong đó có 81 dự án đã đi vào hoạt động ổn định và 16 dự án đang đầu tư xây dựng hoặc đang hoàn thiện thủ tục đất đai, môi trường...

Đặc biệt ngày 1/9/2021, tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD, trong đó có 3 dự án FDI có quy mô lớn với tổng vốn đăng ký 395 triệu USD, gồm Dự án Đầu tư Nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam, Dự án Đầu tư Nhà máy Greenworks Thái Bình Việt Nam tại KCN Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế Thái Bình và Dự án Đầu tư nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, phòng tắm, đèn chiếu sáng trong nhà, ngoài trời và đồ nội ngoại thất tại KCN Tiền Hải. Đây là các dự án FDI đầu tiên đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình, là một trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức do Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình có những giải pháp căn cơ nào để thích ứng với tình hình mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là Khu kinh tế Thái Bình, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cũng như vào tỉnh nói chung.

Đó là, xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2022. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư để giải phóng, khơi thông các nguồn vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy trình đảm bảo chất lượng, tiến độ và đúng quy định; hướng dẫn, xử lý, giám sát các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; đôn đốc các huyện, thành phố, chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình triển khai tổ chức đấu thầu, nhất là đấu thầu qua mạng. Thẩm định, tham mưu cho tỉnh về dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; đôn đốc, hướng dẫn kịp thời các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan trong thẩm định các dự án đầu tư.

Theo dõi, quản lý các chương trình, dự án ODA, FDI trên địa bàn, kịp thời báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Tiếp tục vận động tài trợ các dự án sử dụng vốn ODA; tích cực, chủ động mời gọi, hỗ trợ thủ tục cho các dự án FDI mới đầu tư vào tỉnh, nhằm huy động thêm các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt công tác thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục có liên quan đối với các dự án đầu tư nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước, đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian theo quy định. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện công tác thẩm định hồ sơ cấp đăng ký kinh doanh, bảo đảm chặt chẽ, đúng nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, trình UBND tỉnh quyết định công bố và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc.

Mạnh Tùng thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục