Sở hữu nhiều "đất vàng", doanh nghiệp vẫn kinh doanh kém hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa quản lý, sở hữu quỹ đất lớn ở vị trí đắc địa nhưng hiệu quả kinh doanh lại yếu kém.
Cảng cạn IDC Mỹ Đình, một trong những khu đất vàng lớn Interserco đang sở hữu. Cảng cạn IDC Mỹ Đình, một trong những khu đất vàng lớn Interserco đang sở hữu.

Interserco lỗ luỹ kế, nợ ngắn hạn vượt tài sản

Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (Interserco, mã chứng khoán ILS) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho vận và logistic, cung ứng và quản lý nguồn lao động, kinh doanh cảng cạn… Cảng cạn ICD Mỹ Đình của Interserco là cảng hàng đầu miền Bắc, có lượng thông quan lớn nhờ vị trí thuận lợi.

Interserco được cổ phần hóa từ năm 2016, hiện UBND thành phố Hà Nội quản lý 45% vốn điều lệ, hai cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Logistics Hàng không ALS nắm giữ 27%, Công ty cổ phần Chứng khoán Phố Wall nắm giữ 5%.

Theo thông tin website của Interserco, Công ty có 150.000 m2 diện tích kho bãi, 7 công ty thành viên và 4 công ty con.

Mặc dù chỉ có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, nhưng Interserco và các công ty con, công ty liên kết đang nắm giữ khá nhiều lô đất vàng ở Hà Nội, gồm lô đất 17 Phạm Hùng (nằm ở ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết) có diện tích 47.029 m2; lô đất 358 đường Láng, quận Đống Đa có diện tích 2.716 m2; lô đất tại Cụm 4 xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức diện tích 21.081 m2; lô đất Cảng Hồng Hà, 302 Lê Lợi, thị xã Sơn Tây; lô đất của Trường Trung cấp nghề Interserco ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức và nhiều lô đất khác.

Hình thức sử dụng đất hiện tại của Công ty đối với các lô đất là thuê đất trả tiền hàng năm, do vậy, theo quy định không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Các địa điểm kể trên đều đang được sử dụng vào sản xuất - kinh doanh và làm văn phòng của Công ty.

Mặc dù nắm giữ lợi thế quỹ đất lớn, trong đó có những lô đất ở vị trí đắt giá, nhưng kết quả kinh doanh của Interserco các năm qua khá lẹt đẹt. Từ khi cổ phần hóa tới nay, chưa năm nào Công ty chia cổ tức.

Báo cáo tài chính bán niên hợp nhất 2022 của Interserco cho thấy, trong kỳ, Công ty đạt doanh thu 137,25 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, nhưng hiệu quả kinh doanh là lỗ 6 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 627,9 triệu đồng của cùng kỳ năm trước đó.

Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, tính tới thời điểm 30/6/2022, lỗ luỹ kế của Interserco là 64,72 tỷ đồng. Tại thời điểm này, các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với giá trị 85,15 tỷ đồng, làm nghi ngờ đến tính hoạt động liên tục của Công ty trong tương lai gần.

Báo cáo tài chính của Interserco trong các năm gần đây cho thấy có nhiều khoản nợ khó đòi phải trích lập dự phòng lớn. Đồng thời, Công ty có nhiều khoản vay và nợ thuê tài chính với cả cá nhân và tổ chức.

Chẳng hạn, vay ngắn hạn với các cá nhân là ông Nguyễn Minh Tuấn 76 tỷ đồng; bà Bùi Thị Minh Tân 3,96 tỷ đồng, bà Vũ Bích Ngọc 7,5 tỷ đồng; bà Đào Thị Kim Oanh 3 tỷ đồng… Các khoản vay này có mục đích là phục vụ hoạt động kinh doanh, thoả thuận lãi suất cho vay riêng với kỳ hạn 3 - 6 tháng và được tự động gia hạn nếu Công ty chưa thanh toán.

VGV: Cổ tức dao động 1 - 5%

Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (mã chứng khoán VGV) có vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 87,2% do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước quản lý. VGV là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực tư vấn xây dựng.

Với bề dày gần 70 năm, VGV và các công ty con, công ty liên kết đã thiết kế, tư vấn tại nhiều công trình lớn của quốc gia như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nhà Quốc hội, tổ hợp văn phòng Keangnam, Bảo tàng Hà Nội, Học viện Quân y…

Tuy chỉ có vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng, nhưng VGV hiện đang quản lý và sử dụng lô đất 2.500 m2 tại trụ sở 243 Đê La Thành, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.

Không chỉ VGV mà các công ty con, công ty liên kết trong hệ sinh thái của VGV cũng nắm trong tay nhiều khu đất vàng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Nước Môi trường Việt Nam (VWS) tuy chỉ có vốn điều lệ 36 tỷ đồng, nhưng sở hữu lô đất rộng 650 m2 ở các số nhà 5, 7, 9 phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều héc-ta đất tại Bắc Ninh, Hưng Yên…

Hay Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam – VCC với tòa nhà số 10 Hoa Lư, Hà Nội; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình vật liệu xây dựng – CCBM với tòa nhà VG, ngõ 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng tổng hợp - Nagecco có trụ sở ở 29bis Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM và lô đất 466 m2 tại 162 đường Pasteur, quận 1, TP.HCM; Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco, chủ tòa nhà CONINCO Tower trên diện tích đất 1.814 m2 với 4 tầng hầm, 19 tầng nổi ở số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội…

USCO - một công ty con khác của VGV (sở hữu 57,76% vốn điều lệ) nắm trong tay 748 m2 đất ở 91 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm); 4.434 m2 đất ở xóm 6, Đông Ngạc, Từ Liêm; 8.625 m2 ở khu Quốc Bảo, Thanh Trì, Hà Nội; 1.937 m2 ở số 5 Lạc Long Quân, Hà Nội; 337 m2 ở 226 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, TP.HCM; 1.317 m2 ở 303 Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, TP.HCM và nhiều lô đất khác tại Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…

Tuy nắm giữ nhiều lợi thế và tài sản, nhưng từ sau khi cổ phần hóa đến nay, lợi nhuận của Công ty lại liên tục đi xuống. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 là 46,8 tỷ đồng, năm 2018 là 44,9 tỷ đồng, năm 2019 là 44 tỷ đồng, năm 2020 là 33 tỷ đồng, năm 2021 là 28,5 tỷ đồng. Cổ tức các năm qua chỉ dao động từ 1-5%.

9 tháng đầu năm 2022, VGV ghi nhận doanh thu 453,89 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 23,89 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bến xe Hà Nội: Kinh doanh ảm đạm

Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội (mã chứng khoán HNB) có vốn điều lệ 95 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 67%, do Tổng công ty Vận tải Hà Nội quản lý. Công ty có 1 cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư và phát triển, nắm giữ 16,36%.

Quản lý ba bến xe lớn nhất Thủ đô nhưng Công ty Bến xe Hà Nội có kết quả kinh doanh khá ảm đạm.

HNB hiện đang quản lý và sử dụng nhiều lô đất rất lớn ở Hà Nội như 19.268 m2 ở số 20 Phạm Hùng, quận Từ Liêm, Hà Nội, 36.231 m2 ở mặt đường Giải Phóng, Quận Hoàng Mai; 11.828 m2 ở số 9 đường Ngô Gia Khảm, Quận Long Biên, Hà Nội. Đây chính là địa điểm hoạt động của 3 bến xe tại Hà Nội, bao gồm bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát và bến xe Gia Lâm.

Năm 2021, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng, dẫn tới sản lượng xe giảm mạnh, doanh thu của HNB lao dốc. Cụ thể, cả năm 2021, Công ty ghi nhận 62,1 tỷ đồng doanh thu, đạt 48% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 2,68 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch. Công ty không chia cổ tức.

Năm 2022, HNB đặt mục tiêu doanh thu 85,5 tỷ đồng (tăng 35% so với năm 2021); lợi nhuận trước thuế 4,5 tỷ đồng (tăng 39% so với năm trước) và tiếp tục không chia cổ tức.

Thực tế, không chỉ trong giai đoạn đại dịch, kết quả hoạt động kinh doanh của HNB không có tăng trưởng rõ rệt, dù là đơn vị sở hữu 3 bến xe nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội.

Trước kết quả kinh doanh ảm đạm của HNB thời gian qua, không rõ người đại diện vốn nhà nước và Tổng công ty Vận tải Hà Nội (đơn vị trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước ở HNB) đã làm rõ nguyên nhân yếu kém hay chưa và có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty?

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục