Phát triển ngân hàng số là nhu cầu tất yếu của các ngân hàng

(ĐTCK) Tại buổi tọa đàm chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng – Thách thức và giải pháp” do Trung tâm Ngân hàng Số BIDV tổ chức, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang chứng kiến sự tác động mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), cuộc cách mạng mà sự kết hợp, giao thoa của công nghệ ở các lĩnh vực vật ý, số hóa và sinh học… làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội. 
Các diễn giả trao đổi tại Toạ đàm Các diễn giả trao đổi tại Toạ đàm

Trước bối cảnh đó, ngành Ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những cơ hội và thách thức lớn đòi hỏi sự chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới, tích hợp công nghệ trong các hoạt động và số hóa các quy trình nghiệp vụ để tiến hành kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ dễ dàng trên nền tảng số, khai thác dữ liệu hiệu quả và gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.

“Phát triển ngân hàng số (digital banking) là nhu cầu tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự nổi lên của kinh tế số”, Phó Thống đốc nói.

Theo Khảo sát của NHNN, đa số các ngân hàng đều coi chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng sống còn trong hoạt động. 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên các công nghệ 4.0 và có 92% ngân hàng đã phát triển dich vụ ứng dụng trên Internet và Mobile; nhiều ngân hàng đã thành lập khối/trung tâm ngân hàng số và từng bước chuyển đổi mô hình hoạt đông, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa đích thực. Hầu hết các ngân hàng đã số hóa dịch vụ thanh toán và đang thực hiện cho các dịch vụ ngân hàng còn lại.

Về xác thực định danh điện tử (eKYC), ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, trong khi chờ có cơ sở dữ liệu sinh trắc học quốc gia các ngân hàng có thể chủ động xây dựng cho riêng mình theo hướng dẫn và các quy định của luật pháp và ngoài việc áp dụng eKYC trong lĩnh vực thanh toán còn có thể áp dụng cho các nghiệp vụ khác như bán lẻ, mua bán tín dụng…

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông - gợi ý về cái “bắt tay” lịch sử giữa ngân hàng và các nhà mạng trong việc xây dựng kho dữ liệu sinh trắc học và đây sẽ là nền tảng cực kỳ có lợi cho việc xây dựng kho dữ liệu quốc gia trong tương lai.

Về giao diện kết nối ứng dụng mở (Open API), các gợi mở tại tọa đàm cho rằng, cần kết hợp nhuần nhuyễn khung pháp lý về hạ tầng kỹ thuật, cũng như khung pháp lý về chính sách chia sẻ thông tin khách hàng giữa các tổ chức tín dụng, công ty Fintech, cũng như giữa các tổ chức tín dụng với nhau.

Về chia sẻ, lưu trữ dữ liệu trên dịch vụ điện toán đám mây, vấn đề vướng mắc chính hiện nay trong việc chia sẻ thông tin dữ liệu lớn (Big data) là bởi quy định của luật pháp còn một số điểm chưa phù hợp cần sớm được xem xét điều chỉnh.

Bên cạnh đó, việc triển khai giải pháp số đảm bảo an ninh an toàn trên môi trường số phải được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh yếu tố công nghệ thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng ý thức tư duy an toàn tài chính cho khách hàng và bản thân mỗi cán bộ ngân hàng phải thấm nhuần điều này.

Giới thiệu hoạt động chuyển đổi số tại Trung tâm Ngân hàng số BIDV

Cũng trong sự kiện này, BIDV đã chính thức ra mắt Trung tâm Ngân hàng số BIDV (Digital Banking Center) hoạt động tại Tầng 15, Tháp A Vincom, 191 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà nội. 

Sự kiện này đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển và tầm nhìn đến 2030, trong đó công nghệ và ngân hàng số là một trong 3 trụ cột chính của BIDV. Trong số các ngân hàng hàng đầu Việt Nam, BIDV được xem là ngân hàng tiên phong thành lập Trung tâm Ngân hàng số nhằm chuyên biệt hóa việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng. 

Trung tâm Ngân hàng số ra đời với mục tiêu trở thành Trung tâm sáng tạo của BIDV, là nơi sản sinh các sản phẩm tiên tiến, hiện đại hướng tới khách hàng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ.

Với mục tiêu lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, Ban giám đốc Trung tâm đều là những lãnh đạo năng động, nhiệt huyết, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng số cùng với một tập thể cán bộ trẻ xuất sắc, những chuyên gia được tuyển chọn trong lĩnh vực phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Bên cạnh nguồn nhân lực chất lượng, Trung tâm Ngân hàng số BIDV được chú trọng đầu tư và dành nhiêu cơ chế đãi ngộ đặc biệt. Môi trường làm việc tại Trung tâm được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, trẻ trung, không gian sáng tạo và là vườn ươm để ươm mầm các sáng kiến từ  nội bộ ngân hàng và các công ty khởi nghiệp, nơi các mô hình và sản phẩm mới được thử nghiệm với điều kiện tối ưu. 

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cũng nhấn mạnh “Chuyển đổi số không còn là một khái niệm, mà là hành động cụ thể, quyết định sự sống còn, tồn vong của bất kỳ tổ chức nào, trong đó có các ngân hàng. Chuyển đổi số đòi hỏi ý chí, quyết tâm bền bỉ mãnh liệt và sự dũng cảm của tất cả mọi người để bỏ đi những cái cũ và tạo lập cái mới của chính mình. BIDV xác định mục tiêu hiệu quả là đầu tiên, lấy công nghệ hiện đại làm khâu đột phá, khách hàng là trung tâm và nguồn nhân lực là cốt lõi”.

Phát triển ngân hàng số là nhu cầu tất yếu của các ngân hàng  ảnh 2

BIDV và EY Việt Nam đã chính thức ký kết hợp đồng tư vấn

Cũng nhân dịp này, BIDV và EY Việt Nam đã chính thức ký kết hợp đồng tư vấn xây dựng chiến lược triển khai số hóa BIDV giai đoạn 2019 -2025, tầm nhìn 2030.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục