Doanh nghiệp nhà nước loay hoay quản trị thời 4.0

(ĐTCK) Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, trong khi phải đối mặt với nhiều rủi ro khi chấp nhận đầu tư, khung pháp lý bó cứng… đang là những rào cản lớn khiến khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang loay hoay trong “cuộc chơi” công nghệ 4.0. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Ông lớn nhà nước kêu khó

Triển khai ứng dụng chuyển đổi số sau gần 1 năm, ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, những yếu tố khó khăn nhất mà bản thân Tập đoàn với vai trò là doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt hiện nay trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0 là hạn chế về thể chế và chính sách thu hút nhân lực, người tài.

“Bất cập lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp nhà nước khó đưa ra những cơ chế tài chính đủ hấp dẫn để có thể thu hút và giữ được người tài, nhân sự có trình độ trong các lĩnh vực đặc thù.

Bản thân cơ chế lương bó cứng theo quy định của Nhà nước nên cũng không có sự khác biệt để hấp dẫn, chưa kể các điều kiện ưu đãi tương xứng, do đó vẫn có hiện tượng chảy máu chất xám khi các doanh nghiệp bên ngoài có chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, công nghệ 4.0 với nhiều nội dung mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) còn có cách hiểu chưa đồng nhất, thiếu nền tảng đào tạo bài bản cũng là những khó khăn đặt ra”, ông Đăng cho hay.

Trong khi đó, theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc thiếu chính sách cho DNNN trong lĩnh vực chuyển đổi số và phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0, thiếu chính sách hỗ trợ đầu tư và phát triển công nghệ, trong khi phải chịu những quy định bó cứng đối với khu vực DNNN, khiến doanh nghiệp rất khó triển khai, thậm chí phải đối mặt với rủi ro làm không đúng quy định của Nhà nước.

Ví dụ, Luật Khoa học và Công nghệ cũng như các hướng dẫn như Thông tư liên tịch số 12 có quy định cho phép DNNN được trích từ 3 - 10% thu nhập tính thuế để thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế rất khó, thậm chí không thể áp dụng. Lý do là vì các rủi ro của DNNN khác với doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân có thể mạo hiểm, chấp nhận thử thách để đầu tư ban đầu, song với DNNN thì do cơ chế sở hữu nhà nước nên dù là dự án đầu tư ban đầu cũng phải có lãi. Do đó, người phê duyệt dự án đối mặt với rủi ro rất cao về mặt pháp lý, khiến DNNN khó có thể mạnh dạn chấp nhận đầu tư.

Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đối với khu vực DNNN vẫn chưa thực sự khuyến khích người lao động, người tài phát huy sự sáng tạo, nên bản thân người lao động trong DNNN hầu hết không phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

Đừng bắt DNNN dẫn dắt

Trong khi còn loay hoay với những khó khăn tự thân thì một thực tế bất cập là DNNN tiếp tục phải gánh trên vai vai trò dẫn dắt, ngay cả trong lĩnh vực công nghệ, dù kinh nghiệm và năng lực phát triển còn thua kém so với khu vực tư nhân xét trên một số khía cạnh.

“DNNN đang bị kỳ vọng quá nhiều bởi những vai trò dẫn dắt từ ổn định vĩ mô, an sinh xã hội, công ăn việc làm, năng suất… và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, khiến doanh nghiệp khó có thể vượt qua được khó khăn, chứ chưa nói tới hoàn thành được trọng trách”, ông Trần Toàn Thắng, chuyên gia thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia nhận xét.

Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economica cho rằng, ngay cả ở trên quy mô thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, không có quốc gia nào mà DNNN có vai trò dẫn dắt tổng thể.

Ngay cả ở Trung Quốc, doanh nghiệp dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0 hiện là China Telecom cũng không phải là DNNN, Huawei càng không phải DNNN. Các tập đoàn công nghệ đi đầu của Trung Quốc như Tencent Alibaba, Baidu hoàn toàn thuộc khu vực tư nhân.

“Đặt vai trò này lên vai DNNN là vấn đề cần hết sức cân nhắc trong bối cảnh năng lực phát triển của DNNN tại Việt Nam hiện nay”, ông Bình khuyến nghị.

Theo chuyên gia này, bức tranh công nghệ 4.0 giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân hiện nay có sự khác nhau rất lớn.

DNNN đã cổ phần hóa và phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng phần lớn có sự khác biệt rõ về hiệu quả quản trị và ứng dụng công nghệ 4.0 so với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, song vẫn chưa bằng nhiều doanh nghiệp lớn thuộc tư nhân.

Ngay ở lĩnh vực ngân hàng có đặc thù ứng dụng công nghệ rất mạnh thì ngân hàng nhà nước so với ngân hàng cổ phần vẫn đi sau về công nghệ 4.0.

Điển hình như các ứng dụng Core Banking mới, MoMo, Nemo… phần lớn vẫn do doanh nghiệp tư nhân làm.

Mô hình Fast go, Shopee, Adayroi nếu để tồn tại trong DNNN thì khả năng cao là lỗ lớn trong vòng 3 - 4 năm đầu, sau đó mới có thể có lãi.

Quy định hiện nay không cho phép DNNN được thua lỗ, nên bản thân các DNNN bị trói buộc rất nhiều, rất rủi ro để họ dám đổi mới, sáng tạo, nên khó có thể phát triển được các sản phẩm công nghệ cao như tư nhân.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục