Thay đổi để tồn tại
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các đột phá về công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, sự chuyển dịch sang xu hướng số là tất yếu, dù doanh nghiệp muốn hay không.
Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc GE Việt Nam cho biết, dù nhanh chóng nhập cuộc, nhưng hiện tại, GE vẫn theo đuổi chiến lược không ngừng thay đổi, vận động để bắt kịp làn sóng công nghệ, danh mục đầu tư, quản trị, vận hành… Việc sáng tạo, linh hoạt để thích nghi với những thay đổi của thị trường đã trở thành yếu tố sống còn.
“Việc chuyển mình sang công nghiệp số nằm trong chuỗi những chiến lược thay đổi để tồn tại của GE. Bởi điều đã giúp chúng tôi đến được ngày hôm nay không đảm bảo đưa chúng tôi đến được đích của ngày mai”, ông Sơn nói.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC cho rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh hơn con người rất nhiều trong vấn đề ra quyết định, bởi trí tuệ nhân tạo học được tất cả những dữ liệu đã có và mỗi ngày một thông minh hơn. Đây là lý do, từ cho vay tới tư vấn đầu tư cho khách hàng, trí tuệ nhân tạo đều đã thay thế được con người. Do đó, việc hợp tác với các công ty công nghệ là chắc chắn và doanh nghiệp cần phải thay đổi thái độ trong quá trình này.
Dẫn chứng trường hợp của HSBC cách đây 5 năm, ông Hải chia sẻ, Tencent và HSBC đã từng gặp gỡ nhưng không hợp tác, tuy nhiên, từ 2 năm trước tới nay, thái độ của cả hai bên đã khác. Theo đó, mỗi bên đều nhìn thấy rõ tiềm năng của nhau như Ngân hàng sở hữu lợi thế là có lượng khách hàng lớn, dữ liệu về khách hàng rộng; trong khi đó, Tencent là công ty công nghệ, sở hữu tiến bộ công nghệ mới lẫn cách thức kinh doanh khác lạ. Việc hợp tác của 2 bên chắc chắn sẽ tạo ra nhiều lợi thế lớn.
“Thông thường, đối với những người làm ngân hàng, đi đâu và làm gì cũng thấy rủi ro. Do đó, thời điểm không nhìn thấy rủi ro nào cũng mang lại lo lắng, vì chắc chắn có yếu tố chưa lường đến. Thêm vào đó, điều khiến các ngân hàng phải thận trọng là ngay cả những năm 2000 khi bùng nổ Internet, một số nhà băng mạnh dạn ứng dụng rồi “sập”, trong khi số khác vẫn sống “khỏe”.
Thực tế, các ngân hàng tương đối bảo thủ trong việc duy trì mô hình kinh doanh của mình, nhưng đối mặt với xu hướng công nghệ có tiềm năng lớn như hiện nay, cơ hội là hiện hữu và các nhà băng đều nhận ra, nếu không thay đổi sẽ không trụ được trong tương lai”, ông Hải nhìn nhận.
Lường trước rủi ro
Vậy nếu các ngân hàng chấp nhận thay đổi, rủi ro nếu có ở đây sẽ là gì?
Đối với những công ty công nghệ như Google, Facebook, Amazon…, hoạt động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ với tốc độ cao luôn được coi là trọng tâm. Trong khi đó, đây thường chưa phải ưu tiên hàng đầu của những ngành truyền thống như ngân hàng do không thể chấp nhận rủi ro quá lớn bởi hệ thống lõi của ngân hàng không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều.
“Tại HSBC, chúng tôi sử dụng hệ thống lõi hiện hành và đồng thời đầu tư vào các công ty công nghệ mới. Dùng công ty công nghệ này thử nghiệm xem các giải pháp có mang lại những lợi ích mong muốn hay không? Khi thấy giải pháp áp dụng phát triển được thì mới đưa vào áp dụng trong hệ thống. Theo đó, mọi việc được thực hiện theo từng giai đoạn, có sửa sai và không phá bỏ toàn bộ nền tảng”, ông Hải cho biết.
Bên cạnh lựa chọn mô hình, vấn đề pháp lý, môi trường, con người sẽ là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp theo. Trong đó, chỉ khi con người chấp nhận thay đổi, có tư duy cởi mở thì ứng dụng công nghệ mới nhanh chóng mang lại hiệu quả, đồng thời từ đó thay đổi được cách thức kinh doanh.
Đặc biệt, ông Hải chia sẻ, có một rủi ro là bản thân trí tuệ nhân tạo không có được sự nhạy cảm như con người. Ví dụ, trước một thông tin chưa chính xác, con người sẽ phân tích lại có đúng hay không, nhưng với trí tuệ nhân tạo, loại thông tin này khó có thể xử lý, dễ dẫn tới hành động thiếu suy xét như bán ra tài sản, dẫn tới hiệu ứng bán đồng loạt. Đây là rủi ro khi máy móc không thể thay thế được con người.
“Chưa kể, nếu máy móc gây ra hậu quả, ai sẽ chịu trách nhiệm? Hiện vẫn chưa có câu trả lời. Điều này đòi hỏi một môi trường hoàn toàn mới để xử lý những vấn đề này”, ông Hải nói.