62,7% lượng hồ sơ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được số hóa
Theo báo cáo mới nhất của BHXH Việt Nam, đến nay, toàn ngành đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3 và 4), tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử đạt 302.000 đơn vị, số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử đạt khoảng 2,9 triệu hồ sơ trên tổng số 6,8 triệu hồ sơ giao dịch (tương ứng tỷ lệ 42%).
Trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý trên 185.000 hồ sơ điện tử. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, số lượng đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 30.606 đơn vị, số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử đạt hơn 1,7 triệu hồ sơ trên tổng số 4 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 42,5%); riêng số hồ sơ điện tử trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã tiếp nhận xử lý là trên 116.000 giao dịch (tỷ lệ 62,7%). Hiện tại, BHXH Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương để thay thế cho thẻ BHYT giấy.
Ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, ngày 14/4/2017, ngành BHXH đã ra Quyết định 595/QĐ-BHXH về quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo đó, mã số BHXH được cấp và quản lý tập trung trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT. Đây là một trong những hệ thống cơ sở dữ liệu được ngành BHXH lập nên để làm tiền đề xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Mã số BHXH là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Mục tiêu cấp mã số là nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT và chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, đồng thời làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử.
“Việc cấp mã số BHXH đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cơ quan BHXH, mà còn mang lại lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, lợi ích cho đơn vị sử dụng lao động”, ông Ánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo thông tin từ BHXH Việt Nam, đối với người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, chỉ cần cung cấp mã số BHXH khi thực hiện các giao dịch đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; có thể tra cứu trực tuyến quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN thông qua mã số BHXH trên cổng thông tin điện tử của ngành. Đối với đơn vị sử dụng lao động, giảm thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin của người lao động khi giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Về phía doanh nghiệp, đại diện CTCP Gỗ An Cường cho biết, việc áp dụng khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong sản xuất - kinh doanh, cũng như hoạt động quản lý, bao gồm cả việc quản lý về lao động và các chế độ bảo hiểm đi kèm một cách dễ dàng, nhanh gọn và tiết kiệm thời gian, kinh phí hơn.
Ứng dụng công nghệ vào bảo hiểm xã hội: Lợi đủ đường
Theo nhận định của giới chuyên gia, nhờ có sự trợ giúp từ khoa học, công nghệ, BHXH Việt Nam đã quản lý chặt chẽ hơn quá trình đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giờ giao dịch của cá nhân, tổ chức với cơ quan BHXH, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi giao dịch với cơ quan BHXH trong việc đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Đồng thời, rút ngắn thời gian, thủ tục thực hiện nhiệm vụ về thu phí, cũng như cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ cấp, đổi sổ BHXH, thẻ BHYT. Đơn cử, thời hạn giải quyết cấp thẻ BHYT từ 7 ngày được rút ngắn còn 5 ngày.
Khi cấp lại, đổi thẻ BHYT, nếu không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Theo BHXH Việt Nam, từ ngày 1/1/2019, thời gian giải quyết chỉ còn trong ngày. Với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh thì cũng thực hiện trong ngày.
Hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Bảo đảm các quy trình được xây dựng trên cơ sở dữ liệu tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT.
Bảo đảm xác định được mã số BHXH của người tham gia trước khi đưa thông tin người tham gia vào phần mềm quản lý để làm căn cứ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Đảm bảo chính xác việc thu nộp, tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, đơn vị. Tránh việc cấp trùng thẻ, cấp thẻ không đúng quy định.
Mặt khác, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã liên tục đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại trong việc triển khai hệ thống cổng giao dịch của ngành BHXH, qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN nói chung và nhu cầu quản lý của ngành BHXH nói riêng.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua giao dịch điện tử nhằm thực hiện kết nối và tiếp nhận hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, người tham gia, cũng như trả kết quả từ cơ quan BHXH. Rút ngắn thời gian, kinh phí (in ấn, đi lại…), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người tham gia. Các đối tượng tham gia có thể tự tra cứu hồ sơ đã được tiếp nhận, qua đó giám sát được quá trình xử lý, thời gian trả kết quả”, ông Đào Việt Ánh chia sẻ.