2 ưu đãi cho công ty quản lý quỹ
Được biết, hiện hồ sơ thành lập quỹ ETF nội địa đầu tiên - Quỹ ETF VFMVN30, đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phê duyệt, trước khi hồ sơ niêm yết được CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), đơn vị quản lý Quỹ ETF VFMVN30 gửi Sở GDCK TP. HCM (HOSE) xem xét chấp thuận niêm yết và giao dịch.
Thị trường chờ đợi quỹ ETF nội địa đầu tiên xuất hiện trong tháng 9 này, như kế hoạch công bố của nhà lập quỹ. Lý do là bởi, khác với các sản phẩm mới xuất hiện trước đây, thường chỉ tác động riêng rẽ đến hoạt động của các CTCK, công ty quản lý quỹ và NĐT, sự xuất hiện của quỹ ETF tạo ra sự tương tác đến gần như tất cả các thành viên thị trường, từ các công ty quản lý quỹ, CTCK, tới các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký, ngân hàng giám sát, cũng như NĐT tổ chức lẫn cá nhân nhỏ lẻ. Bởi vậy, để khuyến khích quỹ ETF sớm ra đời trong giai đoạn sơ khởi còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, trong thẩm quyền của mình, Sở GDCK đang nỗ lực ưu đãi phí cho nhà lập quỹ.
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, trước mắt, trong thẩm quyền của mình, HOSE miễn phí đối với phí cung cấp dịch vụ tính giá trị tài sản ròng tham chiếu (iNAV) cho Quỹ ETF VFMVN30 trong vòng 1 năm kể từ ngày quỹ niêm yết, giao dịch trên HOSE. Cùng với đó, theo quy định, phí quản lý và vận hành chỉ số tham chiếu tối đa là 0,02%NAV/năm và tối thiểu là 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, phí trong năm đầu tiên kể từ khi VFMVN30 được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập, là 0 đồng.
Ngoài VFM đang sắp thành lập quỹ ETF đầu tiên mô phỏng theo chỉ số VN30 do HOSE quản lý, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI cũng đang xúc tiến thành lập quỹ ETF thứ hai mô phỏng theo chỉ số HNX30, do Sở GDCK Hà Nội (HNX) xây dựng và quản lý.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, HNX sẽ miễn 2 loại phí để hỗ trợ cho công ty quản lý quỹ, bao gồm: phí cung cấp dịch vụ tính iNAV và phí sử dụng chỉ số HNX30. Thời hạn miễn phí là 1 năm kể từ khi quỹ ETF được niêm yết, giao dịch trên HNX.
Chờ Bộ Tài chính tiếp sức
Ở vai trò là thành viên tạo lập thị trường, thành viên lập quỹ, mối quan tâm của các CTCK là liệu họ có được thụ hưởng chính sách ưu đãi về phí tương tự như các Sở GDCK áp dụng đối với các công ty quản lý quỹ?
Bà Đào cho biết, về nguyên tắc, các loại phí liên quan đến giao dịch chứng chỉ quỹ ETF, phí kết nối giao dịch giữa thành viên giao dịch là CTCK với Sở GDCK, tuy Sở GDCK là đơn vị đứng ra thu phí, nhưng thu mức bao nhiêu là do Bộ Tài chính quyết định. Điều này đồng nghĩa, việc có áp dụng các chính sách ưu đãi về phí cho thành viên lập quỹ, tạo lập thị trường hay không là do Bộ Tài chính quyết định.
Trên thực tế, khi tham gia quỹ ETF, do phát sinh 2 nghiệp vụ mới đối với CTCK là thành viên lập quỹ và tạo lập thị trường, nên quy định hiện hành chưa điều chỉnh mức phí mà các CTCK phải trả cho Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký…
Để giải quyết vấn đề trên, được biết, UBCK đang xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 27/2010 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trình Bộ Tài chính xem xét ban hành. Để hỗ trợ cho sự phát triển của quỹ ETF trong giai đoạn phát triển ban đầu còn nhiều khó khăn, cơ quan quản lý đang tính toán phương án tạo ra các cơ chế ưu đãi hợp lý về phí áp dụng đối với công ty quản lý quỹ, CTCK… Theo kế hoạch, cơ chế này sẽ được Bộ Tài chính xem xét ban hành trước khi quỹ ETF đầu tiên được niêm yết, giao dịch trên HOSE, để hỗ trợ cho các bên tham gia phát triển quỹ ETF.
Theo đại diện 2 Sở GDCK, ngoài các ưu đãi về phí áp dụng đối với công ty quản lý quỹ như đã đề cập, trên cơ sở quy định mới của Bộ Tài chính, trong thẩm quyền cho phép, các Sở GDCK sẽ nỗ lực triển khai thêm các hình thức ưu đãi mới, nhằm hỗ trợ cho sự ra đời và phát triển của quỹ ETF trong giai đoạn phát triển ban đầu.