"So găng" 3 nhà thầu ngoại trong các liên danh "tham chiến" dự án sân bay Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc so kè về năng lực của 3 nhà thầu ngoại trong các liên danh "tham chiến" dự án có giá trị hơn 35.000 tỷ đồng đang là tâm điểm bàn luận của ngành xây dựng thời gian này.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5208/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triển khai Gói thầu 5.10, thuộc dự án thành phần 3, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Theo văn bản nêu rõ, gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 triển khai chậm, không đáp ứng được tiến độ Dự án theo yêu cầu của Quốc hội. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo quyết liệt Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) để sớm lựa chọn được nhà thầu phù hợp theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ.

Trong số các gói thầu của dự án sân bay Long Thành, gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách" là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và là tâm điểm bàn luận của ngành xây dựng trong thời gian gần đây. Hiện có 3 liên danh nộp hồ sơ dự thầu gói thầu này gồm: CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Hoa Lư và Vietur.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mỗi liên danh đều có những ưu, khuyết điểm và chưa thể kết luận nhóm liên danh nào chiếm ưu thế. Đáng chú ý, trong mỗi liên danh này, bên cạnh các nhà thầu nội địa, còn có sự góp mặt của các nhà thầu ngoại với năng lực đáng gờm và có nhiều kinh nghiệm thi công trong lĩnh vực hàng không. Vậy tiềm lực của những nhà thầu ngoại trong 3 liên danh này ra sao?

Mảnh ghép ngoại "đáng gờm" của liên danh 1 đến từ Trung Quốc

Với liên danh 1 CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, có hai nhà thầu ngoại đến từ Trung Quốc là China Harbour Engineering Company Ltd (CHEC) và Beijing Construction (BCEG)

CHEC là một trong những công ty từng thi công nhiều dự án với quy mô lớn như: sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng. CHEC thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được Chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi, điển hình dự án sân bay Khartoum trị giá 680 triệu USD tại Sudan - châu Phi.

CHEC được thành lập vào năm 1980, có trụ sở tại Bắc Kinh, là công ty thành viên và là đại diện ở thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC). Công ty mẹ của CHEC là CCCC nằm trong top doanh nghiệp xây dựng có quy mô doanh thu (trên 100 tỷ USD) hàng đầu thế giới và top 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Fortune Global 500).

CHEC hiện có hơn 90 chi nhánh, văn phòng đại diện và hoạt động ở hơn 100 quốc gia, khu vực trên thế giới, giá trị của các hợp đồng đang thực hiện đạt 30 tỷ USD, doanh thu năm 2018 đạt 6,17 tỷ USD, số lượng nhân viên trên toàn cầu lên đến 15.000 người.

CHEC gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2002, đến nay đã hoàn thành và đang thực hiện hơn 20 dự án, các dự án trải dài từ Bắc đến Nam, với giá trị hợp đồng gần 700 triệu USD. Bên cạnh việc tích cực tham gia thực hiện các dự án EPC về lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, CHEC đang tìm cơ hội để tham gia đầu tư các dự án về năng lượng, cơ sở hạ tầng (đô thị), bất động sản, khu công nghiệp…

Về BCEG được thành lập năm 1953 và là một trong những doanh nghiệp thuộc nhóm 10 nhà thầu hàng đầu Trung Quốc. Công ty cũng lọt top 50 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất thế giới với quy mô doanh thu khoảng 5 tỷ USD/năm.

Tương tự CHEC, BCEG cũng là ông lớn có nhiều kinh nghiệm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và sân bay tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, BCEG chính là tổng thầu của sân bay quốc tế Đại Hưng (Daxing) với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, đã đi vào vận hành vào cuối năm 2019.

Toàn cảnh sân bay Đại Hưng.

Toàn cảnh sân bay Đại Hưng.

Đối thủ ngoại ngang sức, ngang tài của liên danh 2 Hoa Lư

Với liên danh 2 Hoa Lư có một nhà thầu ngoại đến từ Thái Lan là Power Line Engineering Contractor (PLE).

Được biết, PLE sẽ đảm nhiệm vai trò thi công cơ điện lạnh (MEP) cho toàn Dự án; đây là lĩnh vực mà công ty có rất nhiều kinh nghiệm và PLE hiện là nhà thầu MEP số 1 Thái Lan nhiều năm liền. Công ty này thành lập vào năm 1988 và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan vào năm 2002. PLE là tổng thầu thiết kế, kỹ thuật và xây dựng các công trình dân dụng và cơ điện MEP.

Theo giới thiệu trên website của công ty, PLE đã thi công hệ thống MEP nhiều dự án với quy mô lớn như quảng trường Charmchuri với tổng diện tích gần 18,8 ha; dự án MRT Purple Line (Depot) trị giá gần 144 triệu USD; dự án MEA Head Office Building trị giá khoảng 88 triệu USD; dự án Trụ sở mới của Đài Phát thanh và Viễn thông quốc gia. PLE cũng là nhà thầu cơ điện lạnh (MEP) cho dự án Tòa nhà Quốc hội Thái Lan - một trong những tòa nhà Quốc hội lớn nhất thế giới với tổng chi phí thi công lên đến 1 tỷ USD.

Đáng chú ý trong lĩnh vực hàng không, PLE vừa hoàn thành nhà ga mở rộng sân bay Suvarnabhumi giai đoạn 2 tại Bangkok với việc lắp đặt hệ thống cơ điện lạnh (MEP) và hệ thống kiểm soát thông minh FaceID với giá trị xây lắp trên 500 triệu USD. Dự án này sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng vào tháng 9 năm nay.

Dự án sân bay Suvarnabhumi giai đoạn 2 tại Bangkok do PLE thực hiện toàn bộ cơ điện lạnh (MEP) và hệ thống kiểm soát thông minh FaceID.

Dự án sân bay Suvarnabhumi giai đoạn 2 tại Bangkok do PLE thực hiện toàn bộ cơ điện lạnh (MEP) và hệ thống kiểm soát thông minh FaceID.

Xét về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm ngày 24/03/2023, PLE có 2 cổ đông lớn gồm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc - ông Swake Srisuchart với tỷ lệ nắm giữ là 13,21% và UBS AG London Branch với tỷ lệ nắm giữ là 8,93%.

Được dẫn dắt bởi CTCP Xây dựng Coteccons, bên cạnh PLE, liên danh này tập hợp các tổng thầu dân dụng trong nước rất mạnh, phù hợp với công trình nhà ga hành khách như: Unicons, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An.

Nhà thầu ngoại nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không của liên danh 3 VIETUR

Với liên danh 3 VIETUR, nhà thầu ngoại trong liên danh này là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas (thành viên IC HOLDING) đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.

Xét về hồ sơ năng lực của Istas, đây là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực bến cảng, năng lượng, sân bay… trên phạm vi toàn cầu và có tổng doanh thu hàng năm lên tới hàng tỷ USD.

Trong lĩnh vực hàng không, các sân bay được Istas thi công nằm ở Nga, Arab Saudi với quy mô dưới 20 triệu khách/năm. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của IC Istas lại không mấy tươi sáng khi vẫn đang kéo dài tình trạng lỗ trong nhiều năm, nợ vay ròng trên vốn chủ cao xấp xỉ 70%.

Cây cầu Bosphorus số ba nối giữa hai châu lục Á - Âu từng do IC Ictas thi công.

Cây cầu Bosphorus số ba nối giữa hai châu lục Á - Âu từng do IC Ictas thi công.

Ngoài ra, công ty này đã từng đảm nhiệm vị trí nhà thầu thi công cây cầu Bosphorus số ba nối giữa hai châu lục Á - Âu, Bệnh viện Ankara Health Campus, tòa nhà Thổ Nhĩ Kỳ New York tại New York, mới đây nhất là dự án điện hạt nhân Akkuyu quy mô 4.800 MW trị giá 20 tỷ USD tại Akkuyu, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thông tin từ hãng truyền thông Reuters, hiện IC Ictas và chủ đầu tư dự án này đang diễn ra kiện tụng.

Theo đó, vào đầu tháng 8 năm ngoái, Công ty Năng lượng Hạt nhân Chính phủ Nga Rosatom, chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Akkuyu cho biết đã chấm dứt hợp đồng với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ IC Ictas do "vi phạm nhiều lần" trong quá trình xây dựng. IC Ictas đã phản đối và hồ sơ khởi kiện đã được gửi thẳng lên Tòa án London.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, quê hương của IC Istats đang rất bất ổn khi lãi suất ngân hàng tăng từ 8,5% lên 15%. Lạm phát năm 2022 là 80% và lạm phát riêng tháng rồi là 39,5%. Đồng tiền Lira của Thổ Nhĩ Kỳ năm rồi giảm 33% so với USD và đang tiếp tục mất giá do lạm phát. Điều này cũng là một phần thôi thúc IC Istats đẩy mạnh việc đấu thầu các dự án ngoài nước, mà gói thầu 5.10 đang là một mục tiêu quan trọng.

Theo thông tin từ biên bản mở thầu, IC Istats mặc dù là đơn vị đứng đầu liên danh VIETUR, nhưng năng lực phát hành bảo lãnh dự thầu của IC Istats chỉ giới hạn có 23%, tương đương 85,6 tỷ đồng của khoản bảo lãnh dự thầu bắt buộc 370 tỷ đồng và được bảo lãnh bởi Ngân hàng VietinBank. Khoản bảo lãnh còn lại 77% được chia ra cho 9 thành viên còn lại trong liên danh gánh vác, trong đó như ATAD là thành viên có năng lực giới hạn trong hạng mục thi công kết cấu thép, thì lại phát hành bảo lãnh dự thầu lên đến 18% tương đương 65,8 tỷ đồng. Trong khi đó, ở 2 liên danh Trung Quốc và Hoa Lư thì việc phát hành bảo lãnh dự thầu có giá trị 100% được thực hiện bởi duy nhất 1 thành viên đứng đầu liên danh.

Bảo lãnh (bảo đảm) dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Cần nói thêm, bên cạnh doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, liên danh VIETUR còn có hiện diện một số tên tuổi trong nước có liên quan đến hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương như: Ricons, Newtecons, SOL E&C và các doanh nghiệp có thế mạnh về thi công hạ tầng như Vinaconex, CC1…

Yếu tố giá chiếm 85% việc thắng thầu

So sánh giữa các nhà thầu ngoại phía trên, có thể thấy, mỗi nhà thầu ngoại đều có ưu thế riêng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cái tên được chú ý nhất là PLE. Nguyên nhân là bởi tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mới diễn ra hồi cuối tháng 6 đã có sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo của các công ty thành viên trong liên danh Hoa Lư.

Từ sự kiện này, các thành viên trong liên danh Hoa Lư tạo nên “cơn sóng” nổi bật hơn trên truyền thông so với những liên danh khác cùng với thông điệp từ công ty đứng đầu liên danh Coteccons đó là: “Nếu được chọn để xây nhà ga sân bay Long Thành, liên danh nhà thầu nội do Coteccons đứng đầu nói sẽ hoàn thành vào tháng 8/2026, tức khoảng 36 tháng”. Trong khi đó, thời gian thực hiện hợp đồng theo thông tin từ biên bản mở thầu của liên danh 1 CHEC-BCEG-Vietnam Contractors là 37 tháng, VIETUR là 39 tháng.

Mặc dù giá thầu sẽ quyết định đến 85% việc thắng thầu, nhưng với những gói thầu lớn như gói thầu 5.10, các chủ đầu tư thường yêu cầu khắt khe về năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong việc thực hiện các công trình, dự án tương đương. Dẫn đến việc nếu chỉ một nhà thầu nội hay một nhà thầu ngoại đứng riêng lẻ dự thầu, thì khó đáp ứng những tiêu chí này. Những tiêu chí kỹ thuật này sẽ quyết định 15% của việc thắng thầu.

Nếu vấn đề tổ chức thi công, nhân sự thi công chủ yếu là do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm, thì nhà thầu ngoại trong mỗi liên danh phải có sự nổi bật về doanh thu, về vốn, về công nghệ, kinh nghiệm, năng lực triển khai bao gồm việc thích nghi với các yếu tố địa phương và đạt được sự đồng thuận, đoàn kết giữa thành viên trong liên danh để tạo thành mảnh ghép hoàn hảo giúp các liên danh nổi trội hơn trong hồ sơ dự thầu và “đánh bại” đối thủ.

Vũ Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục