Sợ cổ đông lớn xả hàng

(ĐTCK-online) Chiến lược lướt sóng của các tổ chức đầu tư, nhất là các công ty chứng khoán đang khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân ngại đầu tư vào cổ phiếu mà các tổ chức này đã nắm giữ một khối lượng lớn, từ 5% trở lên.
Chiến lược lướt sóng của các tổ chức đầu tư đang khiến nhiều NĐT cá nhân ngại đầu tư vào cổ phiếu mà các tổ chức này đã nắm giữ một khối lượng lớn - Ảnh: Đức Thanh Chiến lược lướt sóng của các tổ chức đầu tư đang khiến nhiều NĐT cá nhân ngại đầu tư vào cổ phiếu mà các tổ chức này đã nắm giữ một khối lượng lớn - Ảnh: Đức Thanh

Cổ phiếu của CTCP Thủy sản Bến Tre, mã chứng khoán ABT, hiện đang giao dịch với giá 55.000 đồng/cổ phiếu. Nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2010 thì cuối năm nay, giá trị sổ sách của cổ phiếu ABT sẽ đạt 50.000 đồng/cổ phiếu. Xét chỉ số giá trên giá trị sổ sách thì ABT rất hấp dẫn để đầu tư và có thể là mục tiêu cho các nhóm đầu tư đẩy giá lên.

Thị giá ABT hiện ở mức hợp lý để đầu tư, lại phù hợp với tiêu chí đẩy giá, nhưng việc Quỹ Tầm nhìn SSI đăng ký mua và bán hơn 800.000 cổ phiếu này đang là lý do khiến nhà đầu tư e ngại đầu tư cổ phiếu ABT.

"ABT chỉ có thể lên theo xu thế chung của thị trường, chứ khó có sự bứt phá nếu không có những đột biến về lợi nhuận ngoài kế hoạch. Lý do là ABT chỉ cần lên giá một chút là cổ đông lớn đã xả hàng", một nhà đầu tư e ngại khi đánh giá về ABT.

Có một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là khi quyết định tìm hiểu, phân tích một cổ phiếu mục tiêu, nhà đầu tư khá quan tâm đến cơ cấu sở hữu, đặc biệt là tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của công ty chứng khoán, tổ chức đầu tư cũng như mức giá trung bình cổ đông lớn đầu tư vào cổ phiếu này.

Trước đây, nếu các tổ chức này nắm giữ một lượng cổ phiếu lớn (trên 5%) thì nhà đầu tư có cảm giác yên tâm, vì lượng cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường thấp, giá cổ phiếu khó giảm mạnh. Nhưng hiện nay, với chiêu đăng ký vừa mua, vừa bán của cổ đông lớn được pháp luật cho phép  thực hiện, thì nhà đầu tư lại đánh giá, đây là điểm rủi ro khi đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu này. Đơn giản vì kể cả khi giá cổ phiếu được định giá tương đối rẻ so với mặt bằng chung thì các nhóm đầu tư trên thị trường cũng không muốn mua vào ở mặt bằng giá cao hơn, vì ngại các cổ đông lớn thoái vốn.

Một nhà đầu tư VIP của Công ty Chứng khoán Thăng Long nhận xét: "Tuy đăng ký mua và bán một lượng chứng khoán bằng nhau, nhưng tổ chức đăng ký không bị buộc phải mua và bán đúng lượng cổ phiếu đó trong thời hạn đăng ký. Có thể mục tiêu bán ra là chính, còn việc công bố mua vào chỉ là đỡ giá về kỹ thuật để sau đó bán tiếp được ở mức giá mục tiêu".

Những lo ngại này của nhà đầu tư thường chỉ xảy ra với những cổ phiếu hạng trung bình của các DN có vốn điều lệ từ 80 đến 200 tỷ đồng. Với những cổ phiếu lớn hơn, có thanh khoản tốt và có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn thì việc mua - bán của một tổ chức đầu tư thường không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu, nhất là khi thời gian đăng ký mua bán cổ phiếu kéo dài vài tháng.

Xuân Phương
Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục