Snapchat bị Facebook bỏ xa: Chiến thắng thuộc về kẻ sao chép

(ĐTCK) Kể từ khi bước lên sàn chứng khoán hồi tháng 3 năm nay, Snap Inc, công ty sở hữu Snapchat, chưa bao giờ có lãi. Sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2017, giá trị cổ phiếu Công ty lao dốc khiến tổng tài sản của hai nhà sáng lập bị sụt giảm ít nhất 1 tỷ USD.

Theo The Washington Post, doanh thu của Snap trong quý III đạt 207,9 triệu USD, song chi phí bỏ ra lên đến 670 triệu USD, khiến hãng lỗ tới 443,1 triệu USD, mức lỗ cao hơn gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay sau khi kết quả trên được công bố, giá cổ phiếu Snap đã sụt giảm hơn 17%, xuống còn 13,53 USD/cổ phiếu, khi không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà phân tích và chưa từng vượt qua mức giá khởi đầu kể từ ngày 7/7.

Giá cổ phiếu giảm mạnh đã khiến cho tài sản hai đồng sáng lập Snapchat, Evan Spiegel và Bobby Murphy, giảm 500 triệu USD mỗi người, từ 3,4 tỷ USD trước đó xuống còn 2,9 tỷ USD.

Đây không phải là lần đầu tiên hai nhà đồng sáng lập Snapchat mất số tiền lớn do kết quả kinh doanh yếu kém của Công ty. Hồi tháng 8/2017, cả hai đã mất tổng cộng 1 tỷ USD sau khi kết quả kinh doanh quý II thấp so với kỳ vọng của giới đầu tư. Trước đó 3 tháng, cả hai cũng đã thiệt hại tổng cộng 1,2 tỷ USD ngay sau khi kết quả kinh doanh quý I được công bố.

Kính thông minh Spectacles ế ẩm

Nguyên nhân lớn dẫn đến sự thua lỗ trong quý III vừa qua đến từ Spectacles, sản phẩm kính thông minh của Snap có gắn camera để người dùng quay video và chia sẻ trên mạng xã hội.

Thời gian đầu, Spectacles khá thu hút công chúng với những tính năng chụp hình, quay video ấn tượng. Thậm chí đã có thời điểm, một cặp kính Spectacles được bán với giá 5.000 USD. Tuy nhiên, tính độc đáo của sản phẩm dần mất đi khi trở nên phổ biến.

Tính đến tháng 10 năm nay, chỉ có hơn 150.000 kính Spectacles được bán ra và còn hơn 300.000 cặp kính vẫn còn tồn trong kho và sẽ được thanh lý trong vài tuần tới.

“Thật không may, chúng tôi đã đánh giá sai về nhu cầu của Spectacles và có một lượng hàng tồn kho lớn hơn mức dự báo. Kết quả là chúng tôi phải chịu khoản chi phí trị giá 39,9 triệu USD, chủ yếu liên quan đến hàng tồn kho và việc hủy mua hàng”, báo cáo của Snap cho biết.

Snapchat bị Facebook bỏ xa

Kể từ khi tiến hành IPO hồi tháng 3 năm nay, lượng người dùng của Snapchat tăng trưởng rất chậm. Doanh thu của Công ty thậm chí còn chưa bằng số lẻ của Facebook. Quý vừa qua, Snap kiếm được 208 triệu USD, trong khi Facebook công bố doanh thu lên đến 10,3 tỷ USD. Snapchat cũng đã rơi khỏi danh sách 10 ứng dụng được tải về nhiều nhất trên AppStore trong quý III năm nay.

Năm 2013, Facebook từng nỗ lực mua lại Snapchat với mức giá 3 tỷ USD, nhưng đã bị nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Evan Spiegel từ chối, với niềm tin sẽ xây dựng được một doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với Facebook.

Những năm sau đó, Facebook liên tiếp bắt chước hàng loạt tính năng của Snapchat trên các ứng dụng độc lập của mình, nhưng không đạt được quá nhiều thành công cho đến khi “sao chép” 100% ý tưởng Snapchat Stories vào cuối năm 2016.

Tính năng này cho phép người dùng đăng các video hoặc hình ảnh lên Instagram, WhatsApp, Facebook Messenger và cả Facebook. Chỉ riêng phiên bản Instagram giờ đã có hơn 300 triệu người dùng hàng ngày, gần gấp đôi con số 178 triệu người dùng mà Snap đang có trên toàn ứng dụng của mình.

Kể từ khi Facebook “sao chép” Snapchat, giá trị Snap liên tục sụt giảm so với khi IPO. Trong ba quý đầu năm nay, Công ty đã mất 3,1 tỷ USD - nhiều hơn số tiền mà Facebook định dùng để mua lại Snapchat 4 năm trước.

Can đảm thay đổi để bứt phá

Mới đây, CEO Evan Spiegel đã công nhận rằng, ứng dụng của mình “quá khó hiểu hoặc khó sử dụng”, đồng thời hứa hẹn sẽ thiết kế lại gần như hoàn toàn bằng cách bỏ đi một trong những tính năng cốt lõi đã được sử dụng gần 1 năm qua.

Spiegel thừa nhận, việc thiết kế này có thể “làm gián đoạn hoạt động kinh doanh trong thời gian ngắn” khi một lượng người dùng Snapchat vốn đã quen với những giao diện và tiện ích cũ có thể bị mất đi. Song, Spiegel cũng cho biết, giao diện mới sẽ được thử nghiệm nội bộ trước khi cho ra thị trường.

“Theo thời gian, chúng tôi đã học được cách không sợ những thay đổi lớn về sản phẩm, điều chúng tôi muốn chính là tạo ra những gì có lợi nhất cho cộng đồng”, tỷ phú trẻ tuyên bố.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục