Ông đánh giá như thế nào về thị trường tiêu thụ thép năm 2013 và dự báo cho năm 2014?
Năm 2013, tiêu thụ thép ở Việt Nam có tăng nhẹ 1 - 2% so với năm trước, đạt khoảng 11 triệu tấn, trong đó lượng thép nhập khẩu là gần 6 triệu tấn các loại, chủ yếu là thép cán nóng, thép dây, thép hình, thép inox và một số ít thép có cường độ hoặc chất lượng cao.
Năm 2014, theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng tiêu thụ thép sẽ tăng từ 6 - 7%. Tuy nhiên, thị trường địa ốc khó phục hồi nhanh, trong khi GDP tăng trưởng thấp, nên theo tôi, tăng trưởng ở mức 3 - 4% là hợp lý. Còn nếu muốn tăng trưởng nhiều thì chỉ có duy nhất một giải pháp là gia tăng xuất khẩu.
Vậy kế hoạch của SMC trong năm 2014 ra sao, thưa ông?
Năm 2014, ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn và sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, SMC chỉ đề ra mức tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2013. Sự tăng trưởng này chủ yếu do sản lượng tăng thêm từ nhà máy mới ở Tân Tạo. Cụ thể, SMC đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ 750.000 tấn thép các loại, tổng doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận 50 tỷ đồng và cổ tức 12%.
Kế hoạch này là tiền đề để đến năm 2015, SMC hoàn thành mục tiêu chiến lược 5 năm (2011 - 2015) đạt sản lượng tiêu thụ 800.000 tấn và hướng đến sản lượng 1 triệu tấn thép tiêu thụ/năm. Mục tiêu không hề dễ thực hiện, trong 2 tháng đầu năm nay, SMC mới tiêu thụ ước đạt 100.000 tấn, thấp hơn 5% so với cùng kỳ 2013. Đây là một thách thức trong năm 2014 của SMC.
Nhu cầu tiêu thụ giảm sút năm 2013 trong khi SMC lại vừa khánh thành thêm nhà máy gia công ở Khu công nghiệp Tân Tạo. Liệu nhà máy này có phát huy hết hiệu quả không, thưa ông?
Công suất của những nhà máy cán thép hiện tại đã tăng gấp đôi so với năng lực tiêu thụ, trong khi gần đây, tốc độ tiêu thụ tăng rất chậm, khiến nhiều nhà máy cán thép xây dựng không hoạt động hết công suất.
Với SMC, các nhà máy do Công ty đầu tư là nhà máy gia công chế biến thép cuộn (còn gọi là thép dẹt), hoàn toàn khác với nhà máy cán thép xây dựng. Hàng năm, Việt Nam vẫn tiêu thụ hơn 5 triệu tấn thép dẹt các loại. Đây là ngành công nghiệp phụ trợ, cũng là ngành mà từ trước đến nay chỉ có các DN nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động tại Việt Nam. Với các mối quan hệ cung cấp đầu vào và thị phần vững mạnh, SMC tin rằng, có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường. Thực tế, sau khi đầu tư và hoạt động ổn định nhà máy gia công 1, đến nay, SMC đã có 4 nhà máy đang hoạt động tốt.