SMBC được gì sau 14 năm rót vốn vào Eximbank (EIB)?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hội đồng quản trị Eximbank (EIB - HOSE) vừa ban hành nghị quyết chấm dứt trước thời hạn Thoả thuận liên minh chiến lược ngày 27/11/2007 ký giữa Eximbank và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Cuộc "hôn nhân" giữa SMBC và Eximbank đã có 5 năm đầu hành phúc Cuộc "hôn nhân" giữa SMBC và Eximbank đã có 5 năm đầu hành phúc

Cổ đông ngoại "buông" tay

Với nghị quyết vừa được HĐQT Eximbank ban hành, thoả thuận hợp tác chiến lược giữa Eximbank và SMBC chấm dứt sau 14 năm. Tuy nhiên, SMBC hiện vẫn là cổ đông lớn nhất tại Eximbank nắm giữ 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn điều lệ.

SMBC đã đầu tư 225 triệu USD vào Eximbank từ hơn 14 năm trước. Tuy nhiên, đến nay khoản đầu tư của SMBC xét theo giá trị thị trường không tăng như kỳ vọng.

Trước đó, vào cuối năm 2007, theo thoả thuận ban đầu, SMBC đầu tư vào Eximbank với tổng giá trị 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ, đồng thời trở thành đối tác chiến lược.

SMBC cam kết hỗ trợ và hợp tác với Eximbank trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.

Năm 2007, Eximbank có tổng tài sản khoảng 32.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng.

Với sự đồng hành và hỗ trợ của SMBC, trong 5 năm đầu, Eximbank đã liên tục phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới cho thị trường, củng cố vững chắc vị thế là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam.

SMBC cũng đã hỗ trợ Eximbank tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý và tăng cường thanh khoản cho Eximbank bằng hạn mức cho vay liên ngân hàng, tài trợ thương mại và bảo lãnh.

Nhờ sự hợp tác liên minh hết sức chặt chẽ trong 5 năm đầu đã giúp Eximbank nâng cao danh tiếng trên thị trường tài chính trong và ngoài nước.

Thế nhưng, kể từ khi cuộc chiến "vương quyền" tại Eximbank được châm ngòi kể từ năm 2015 và dai dẳng cho đến nay vẫn chưa có hồi kết, cổ đông chiến lược nước ngoài của ngân hàng này đã muốn "thoái lui".

Trên thực tế, thông tin SMBC "buông" Eximbank đã rộ lên từ giữa năm ngoái, khi một công ty con của SMBC mua lại Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit của VPBank, dẫn đến xuất hiện thông tin cổ đông Nhật Bản này nhắm đến 15% cổ phần mà VPBank có kế hoạch dành riêng cho khối ngoại trong năm nay.

Được biết, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 29,7% vốn của Eximbank. Cùng với SMBC, năm 2008, Eximbank còn chào bán 5% cổ phần cho Quỹ VOF của VinaCapital và 5% cho 2 quỹ thuộc Mirae Asset. Hiện VOF vẫn giữ xấp xỉ 5% vốn của Eximbank.

Với thị giá cổ phiếu EIB kết phiên ngày 8/2 ở mức 35.700 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính số cổ phần SMBC sở hữu có giá trị thị trường khoảng hơn 6.600 tỷ đồng, tương đương với hơn 280 triệu USD.

Đồng thời, với lượng cổ tức tiền mặt hoặc cổ phiếu mà Eximbank đã chi trả cho cổ đông liên tục trong giai đoạn từ 2009 - 2013, SMBC đã nhận về xấp xỉ 1.050 tỷ đồng cổ tức tiền mặt trong giai đoạn 2009 - 2013.

Tổng cộng, khoản đầu tư vào Eximbank giúp SMBC thu về hơn 7.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 335 triệu USD, chỉ tương đương mức lãi khoảng 34% trong 14 năm qua.

Ai sẽ là người mới của Eximbank?

Tất nhiên, nếu khi có sự chuyển nhượng cổ phần của SMBC cho nhóm cổ đông khác, với một tỷ lệ lớn cổ phiếu và có ý nghĩa chi phối ngân hàng như vậy, các giao dịch thỏa thuận thường diễn ra với giá cao hơn giá cổ phiếu EIB đang giao dịch trên sàn.

Trước động thái cổ đông chiến lược nước ngoài "chia tay" Eximbank, một số nhận xét đưa ra do SMBC đã quá “mệt mỏi” với những "cuộc chiến" nội bộ của Eximbank nhiều năm nay.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 bất thành ngày 27/4/2021, SMBC không cử người tham dự.

Phía SMBC sau khi không thành công với khoản đầu tư vào Eximbank đã xoay trục sang một đối tác khác tại Việt Nam. Năm ngoái, SMBC đã hoàn tất việc ký kết và mua lại 49% cổ phần FE Credit từ VPBank. Thương vụ định giá FE Credit 2,8 tỷ USD.

Nhưng vấn đề của Eximbank được thị trường và nhà đầu tư quan tâm nhất là tới đây, trong trường hợp SMBC ra đi, nhóm nhà đầu tư nào sẽ nhận chuyển nhượng 15% cổ phần tại Eximbank.

Điều đáng quan tâm hơn cả là khi SMBC có thể rời khỏi Eximbank, room nước ngoài tại ngân hàng sẽ là một khoảng trống lớn, tạo sức hấp dẫn đáng kể cho cổ phiếu EIB.

Hiện Eximbank đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đủ điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Dự kiến, với lợi nhuận được chia sau trừ trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi năm 2018, 2019, 2020 là gần 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ cổ phiếu quỹ đang nắm giữ, cổ tức dự kiến là 1.800 đồng một cổ phiếu.

Ngày 15/2 tới, Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021 lần thứ hai. Nội dung quan trọng là bầu lại thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội lần này được tổ chức tại TP.HCM, sau khi tổ chức không thành công tại Hà Nội vào năm ngoái.

Liên quan đến mâu thuẫn "thượng tầng" ở Eximbank, trong hai năm qua, SMBC cũng nhiều lần gửi thư thông báo đến HĐQT và đồng gửi Ngân hàng Nhà nước, thúc giục triệu tập phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 lần hai “trong thời gian sớm nhất có thể theo các điều khoản và điều lệ của Eximbank”, đồng thời nhiều lần đề nghị thu hẹp quy mô HĐQT và bỏ phiếu tín nhiệm từng thành viên.

Thế nhưng, các kỳ ĐHCĐ của Eximbank đều bất thành, do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ để đại hội có thể diễn ra nên các vấn đề kiến nghị của SMBC không được giải quyết.

Liệu ĐHCĐ lần này của Eximbank có diễn ra thành công và mâu thuẫn cấp "thượng tầng" của Eximbank có khép lại trong kỳ đại hội lần này vẫn là dấu hỏi lớn. Do đó, số cổ phần mà SMBC để lại sẽ quyết định "vận mệnh" của Eximbank.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục