Sáng nay (9/6), Quốc hội bước vào ngày chất vấn thứ ba với phần mở đầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Thống đốc có 65 phút trả lời thêm về những câu hỏi chất vấn và tranh luận của các đại biểu Quốc hội.
Cuối phiên chất vấn chiều 8/6, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) tranh luận với người phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về diễn biến giá vàng miếng trong nước. Dẫn chứng thông tin thị trường ngày 8/6, cũng là vàng miếng, nhưng vàng của thương hiệu khác có giá bán thấp hơn vàng miếng SJC đến 15 triệu đồng/lượng, bà Thuỷ cho rằng chênh lệch như vậy quá lớn.
Đặt vấn đề, có phải vì SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia độc quyền nhiều năm nay nên dẫn đến giá loại vàng miếng này tăng cao như hiện nay, đại biểu Thuỷ đề nghị Thống đốc bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, SJC là thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng từ trước khi có Nghị định 24/2012 về chống vàng hoá ra đời.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại phiên họp sáng 9/6 (Ảnh: Quochoi.vn). |
Theo Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước được độc quyền sản xuất vàng miếng và khi đánh giá tình hình nên sản xuất một thương hiệu vàng miếng riêng, mới hay chọn loại vàng của thương hiệu đã có sẵn trên thị trường.
“Nếu chọn một thương hiệu vàng quốc gia mới thì xã hội có thể mất nhiều chi phí. Sau khi cân nhắc các mặt lợi ích, chi phí, Ngân hàng Nhà nước chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, chiếm hơn 90% thị phần ở thời điểm đó”, bà Hồng giải thích.
Thống đốc thông tin thêm, từ năm 2014 đến nay giá vàng biến động khó lường, nên doanh nghiệp để giá cao do lo sợ rủi ro.
“SJC mua cao thì bán cao, nên người dân chọn mua thương hiệu này thì khi mua cao, bán sẽ được giá. Còn mua thương hiệu khác thì mua thấp, bán thấp”, bà nói thêm.
Về việc có sửa Nghị định 24 hay không, Thống đốc cho biết, đã mất nhiều công sức để có được sự ổn định thị trường, giờ cho các thương hiệu khác sản xuất vàng miếng thì cần đánh giá kỹ lưỡng. Vì thế, nếu sửa Nghị định 24, sẽ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Sau phần trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về chuyện SJC độc quyền thương hiệu vàng miếng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã ấn nút đăng ký tranh luận.
Theo ông Hòa, Nghị định 24 của Chính phủ ban hành cách đây 10 năm, lúc đó giá vàng SJC cũng chỉ khoảng 30 - 35 triệu đồng/lượng, còn hiện nay giá vàng đang lên đến gần 70 triệu đồng/lượng.
Nghị định 24 của Chính phủ ban hành cách đây 10 năm, lúc đó giá vàng SJC cũng chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/lượng, còn hiện nay giá vàng đang lên đến gần 70 triệu đồng/lượng.
Đại biểu Phạm Văn Hoà
“Vậy Nghị định 24 của Chính phủ thời điểm đó so với hiện tại có bất cập hay không? Tại sao không sửa Nghị định này? Có nên để SJC độc quyền hay không? Hay Ngân hàng giao đơn vị, tổ chức làm một thương hiệu vàng khác để giảm sự độc quyền của SJC, thị trường vàng hạ xuống. Giá vàng cứ tăng thế này thì lạm phát sẽ tăng, tiền đồng mất giá”, ông Hòa nêu quan điểm.
Vị đại biểu cho rằng, cần có sự điều chỉnh giá vàng SJC ở trong nước phù hợp với thị trường trên thế giới.
Đáp lại phần tranh luận của đại biểu Hòa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc lại quy định tại Nghị định 24, là cho phép Ngân hàng Nhà nước được độc quyền vàng miếng. “Ở đây Ngân hàng Nhà nước thuê SJC sản xuất thương hiệu vàng miếng quốc gia”, bà nhắc lại.
Bà Hồng nói thêm, việc nên để thêm thương hiệu khác cùng sản xuất vàng miếng quốc gia để giảm độc quyền của SJC hay không, thì quá trình sửa Nghị định này ngành ngân hàng sẽ lắng nghe, xin ý kiến rộng rãi.
Trong phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngân hàng là lĩnh vực rất quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế, việc bảo đảm an toàn và phát triển lành mạnh ngành ngân hàng luôn được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến vấn đề giá vàng, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng như tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Phòng, chống rửa tiền…