Các động thái mới được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Singapore bắt đầu hồi phục sau giai đoạn suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19. Singapore cũng đang nỗ lực theo đuổi các chính sách để duy trì sức hấp dẫn như một trung tâm tài chính toàn cầu trong khi vừa phải bảo vệ các chính sách trước những quan ngại của dư luận trong nước về tình trạng gia tăng chênh lệch tài sản và tăng chi phí sinh hoạt.
Theo Bộ trưởng Wong, GST sẽ tăng từ mức 7% hiện nay lên 8% từ tháng 1/2023 và lên 9% trong năm 2024. Chính phủ cũng dự định tăng thuế thu nhập với những người có thu nhập cao, tăng thuế tài sản và đánh thuế cao hơn với các loại xe hạng sang.
Ông cho rằng việc điều chỉnh thuế sẽ giúp tăng nguồn thu bổ sung cho chính phủ và góp phần tạo một cấu trúc nguồn thu công bằng hơn. Singapore mong muốn tăng nguồn thu thuế để phục vụ các hoạt động chi tiêu công trong tương lai mà chính phủ nước này ước tính sẽ lên mức hơn 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030.
Trong hai năm qua, Chính phủ Singapore đã cam kết chi 100 tỷ SGD (hơn 74 tỷ USD) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong phát biểu mới, Bộ trưởng Wong cũng công bố gói hỗ trợ bổ sung trị giá 500 triệu SGD (372 triệu USD) để hỗ trợ việc làm và doanh nghiệp, một phần trong các đề xuất ngân sách, đồng thời đề nghị dành 560 triệu SGD giúp đỡ người dân nước này ứng phó với tình trạng tăng chi phí sinh hoạt.
Chính phủ Singapore dự kiến thâm hụt ngân sách nói chung trong năm 2021 là 5 tỷ SGD. Bộ trưởng Wong cũng dự báo thâm hụt ngân sách năm 2022 là khoảng 3 tỷ SGD. Tổng chi tiêu công dự tính cho năm 2022 là 102,4 tỷ SGD, cao hơn mức 98,4 tỷ SGD trong năm 2021.
Nền kinh tế chủ yếu dựa vào hoạt động thương mại của Singapore dự kiến tăng trưởng 3-5% trong năm 2022 khi nước này tiếp tục mở cửa biên giới và nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Năm 2021, kinh tế Singapore tăng trưởng 7,6% sau khi suy giảm kỷ lục trong năm 2020. Dù vậy, Bộ Tài chính Singapore đánh giá quá trình phục hồi của một số lĩnh vực như hàng không và du lịch sẽ diễn ra chậm hơn do những lo ngại về dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Bộ trưởng Wong cho biết chính phủ sẽ chi tổng cộng khoảng 9 tỷ SGD (6,7 tỷ USD) trong 5 năm tới cho các biện pháp nhằm hỗ trợ các lao động thu nhập thấp. Singapore cũng sẽ chi cho các cơ chế nhằm xây dựng năng lực số hóa cho các doanh nghiệp và người lao động.
Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore dự định tiếp tục siết chặt chính sách với người lao động nước ngoài, tăng yêu cầu về các mức lương với các trường hợp cấp thị thực làm việc cho người lao động nước ngoài. Để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon, Singapore sẽ tăng thuế carbon từ năm 2024.
Ngoài ra, Bộ trưởng Wong cũng cho rằng nước này cần cập nhật hệ thống thuế doanh nghiệp sau khi thế giới đạt thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu. Singapore đang xem xét nâng mức thuế suất hiệu quả với các công ty đa quốc gia lên 15%.
Hiện nước này đang áp dụng các quy định đánh thuế thấp và thu hút một số công ty đa quốc gia như Alphabet, Microsoft và Facebook đặt trụ sở khu vực tại đây. Dù áp mức thuế danh nghĩa là 17% nhưng Chính phủ Singapore cũng cung cấp các sáng kiến và cơ chế giúp giảm thuế suất hiệu quả.
Bộ trưởng Wong cũng cho biết chính phủ đang theo dõi sát sao nguy cơ tăng lạm phát, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và đặc biệt là giá năng lượng tăng. Chính phủ đã dự trù 6,6 tỷ SGD để hỗ trợ thích ứng với tác động của biện pháp tăng thuế hàng hóa và dịch vụ./.
Đây là xác nhận mới từ Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong trong bài phát biểu về ngân sách ngày 18/2. Ông cũng đồng thời thông báo một số biện pháp tăng thuế nhằm vào những nhóm thu nhập cao hơn.