Singapore tăng giá điện 10% do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
Giá điện tăng chủ yếu là do chi phí năng lượng cao hơn phát sinh từ giá khí đốt và giá dầu toàn cầu tăng cao đáng kể do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Singapore tăng giá điện 10% do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao

Theo báo The Straitstimes Singapore, Cơ quan điều hành lưới điện SP Group thuộc sở hữu của nhà nước Singapore vừa có thông báo về việc tăng giá điện tiêu dùng trong 03 tháng của quý 2/2022, bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 6/2022, với mức tăng trung bình là 10%.

Cụ thể, đối với các hộ gia đình, giá điện chưa bao gồm thuế sẽ tăng từ 25,44 cent/kWh (đơn vị tiền tệ Singapore) lên 27,94 cent/kWh kể từ ngày 1/4/2022 (tương đương hơn 4.600 đồng/kWh, tức là gấp khoảng 2,5 lần giá điện bình quân hiện tại ở Việt Nam).

Giá điện sinh hoạt của Singapore trong thời gian gần đây

Giá điện sinh hoạt của Singapore trong thời gian gần đây

Theo tính toán của SP Group, một hộ gia đình sống trong căn hộ 4 phòng thường tiêu thụ khoảng 349 kWh điện/tháng thì sau khi tăng giá điện, hóa đơn tiền điện trung bình hàng tháng sẽ tăng thêm khoảng 8,73 $ không bao gồm thuế hàng hóa và dịch vụ (thuế GST), gần gấp đôi mức tăng trong quý trước.

Trong một tuyên bố riêng gần đây, City Energy - một công ty khí đốt của Singapore hiện đang cung cấp dich vụ cho 870.000 khách hàng cho biết, giá điện tăng chủ yếu là do chi phí năng lượng cao hơn phát sinh từ giá khí đốt và giá dầu toàn cầu tăng cao đáng kể do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Giá dầu thế giới trong những quý gần đây

Giá dầu thế giới trong những quý gần đây

Nước Nga đang nắm giữ 12% nguồn cung dầu và 17% khí đốt tự nhiên của thế giới. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với khí đốt và dầu mỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu như Singapore – quốc gia có tới 95% lượng điện sản xuất từ khí đốt nhập khẩu.

Biểu giá điện ở Singapore được tính toán từ bốn thành phần, trong đó chi phí nhiên liệu phản ánh chi phí khí đốt tự nhiên nhập khẩu và giá dầu, chiếm khoảng nửa biểu giá điện. Phần còn lại là các chi phí khác liên quan đến các hoạt động của hệ thống như bảo trì nhà máy điện, hệ thống đo đếm điện năng và truyền tải, phân phối điện.

Biểu giá điện quy định do SP Group đề xuất mỗi quý được Cơ quan quản lý thị trường năng lượng (EMA) xem xét phê duyệt.

Khoảng một nửa số hộ gia đình ở Singapore mua điện từ SP Group theo biểu giá quy định. Những người tiêu dùng khác sử dụng gói giá cố định với các nhà bán lẻ sẽ không thấy bất kỳ sự tăng giá nào cho đến khi họ gia hạn hợp đồng, nơi họ thấy giá có khả năng còn cao hơn.

Biến động giá điện của Singapore trong những năm qua

Biến động giá điện của Singapore trong những năm qua

Tuy nhiên, biểu giá sửa đổi trong ba tháng tới vẫn thấp hơn biểu giá cao nhất trong thập kỷ trước (Quý 2/2012) là 28,78 cent/kWh, (không bao gồm thuế GST). Ngoài ra, mức giá điện cao nhất từng được ghi nhận ở Singapore là 30,45 cent/kWh, (không bao gồm GST) vào quý 4/2008.

Việc giá điện tăng cao đã khiến Cơ quan Điều tiết Thị trường Năng lượng của Singapore yêu cầu người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng và thực hiện nhiều hơn các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tăng chi phí đối với các doanh nghiệp cho đến tháng 6/2022.

Ông Peter Hoskins, 54 tuổi, một khách hàng dùng điện cho biết mức tăng giá điện ​chắc chắn sẽ khiến ông ít sử dụng điều hòa nhiệt độ hơn ở nhà.

Chuyên gia kinh tế Howie Lee của Ngân hàng OCBC Singapore cho biết mức bình thường mới của giá dầu và khí đốt cao vẫn tồn tại, không chỉ ở Singapore mà trên toàn cầu, do sự tái cấu trúc của thương mại năng lượng quốc tế ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và cho rằng giá năng lượng khó có thể ổn định trong 2-3 năm nữa.

Ông Howie Lee nói, năng lượng là đầu vào để sản xuất hàng hóa và dịch vụ, điều này sẽ làm chi phí sinh hoạt hàng ngày của người dân cao hơn. Mắc dù vậy, ông Howie Lee cũng hy vọng rằng sự thay đổi này sẽ không làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như là một biện pháp để Singapore đảm bảo cung cấp điện.

Không chỉ Singapore, trong những tháng gần đây, giá điện cũng đã tăng trên toàn thế giới sau khi giá khí đốt đạt mức kỷ lục. Nguyên nhân là do sự sự tác động của nhiều yếu tố như: không lường trước được nhu cầu khí đốt khi phục hồi đại dịch, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và việc giảm nguồn cung cấp khí đốt toàn cầu…

Hoàng Minh
The Straitstimes Singapore/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục