Singapore không còn giữ “ngôi vương” IPO tại Đông Nam Á

(ĐTCK) Ngôi vị đầu bảng đối với hoạt động IPO tại Đông Nam Á của Singapore đã chấm dứt.

Sàn GDCK Singapore sở hữu số lượng IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) nhỏ nhất trong số 4 sàn chứng khoán lớn nhất khu vực trong năm 2015. Hoạt động IPO trong năm qua tại Đông Nam Á của các sàn chứng khoán lớn đạt tổng giá trị 34 triệu USD, trong đó dẫn đầu là Thái Lan và Malaysia. 

“Triều đại” chấm dứt

Sự suy giảm của Singapore trong hoạt động IPO không đơn thuần vì sự yếu đi của sàn chứng khoán nước này, mà chủ yếu bởi sức bật mạnh mẽ của các đối thủ tới từ Jakarta và Bangkok, trong cuộc chiến thuyết phục các công ty IPO ngay tại quê nhà, thay vì tìm tới trung tâm IPO truyền thống như Singapore.

Indonesia, quốc gia có dân số đông nhất và nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang lên kế hoạch bắt đầu thành lập một sàn giao dịch dành riêng cho các công ty công nghệ trẻ, trong khi Thái Lan cũng có các động thái làm nổi bật tầm quan trọng của thị trường tài chính trong nước.

“Các sàn GDCK nhỏ hơn tại Đông Nam Á đang tự cải thiện chính mình nhằm trở thành một địa điểm lý tưởng đối với hoạt động niêm yết. Điều này khiến các công ty tại Indonesia muốn niêm yết tại Jakarta hay các công ty Thái Lan muốn IPO ngay tại quê nhà hơn”, Pankaj Goel, đồng Chủ tịch ngân hàng đầu tư Credit Suisse Group AG tại Đông Nam Á cho biết.

Việc hoạt động IPO tại Singapore giảm sút đã tạo thêm thách thức mới đối với Boon Chye Loh, người đã trở thành CEO của Sở GDCK Singapore vào tháng 7/2015 và đang cố gắng khôi phục lại sự tự tin của thị trường sau những chấn động từ năm 2013.

Theo số liệu của Bloomberg, các công ty niêm yết tại Singapore trong năm ngoái đã thu hút thêm 366 triệu USD, mức thấp nhất kể từ năm 2001. Số tiền này thấp hơn 10% số vốn huy động được từ hoạt động IPO tại Thái Lan; chỉ bằng 1/3 tại Malaysia và 1/2 tại Indonesia.

Trong số 13 công ty IPO tại Singapore trong năm 2015, chỉ có 4 trong số đó là tới từ nước ngoài (2 từ Malaysia, 1 Trung Quốc và 1 Israel). Trong năm 2010, có tới 10 công ty nước ngoài niêm yết tại Singapore trong số 31 công ty niêm yết. 

Đối thủ mạnh lên

Sở SDCK Indonesia đang cố gắng thu hút các công ty địa phương đã niêm yết tại Singapore cũng như các thị trường nước ngoài khác quay trở lại hoạt động tại Jakarta. Những nỗ lực này là một phần trong việc cố gắng trở thành sàn GDCK lớn nhất Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới, CEO Tito Sulistio cho biết trong tháng 2/2016. Ông Tito cũng đang tích cực yêu cầu thay đổi một số quy định nhằm giúp các công ty bất động sản và có nhiều thêm doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO.

Trong khi đó, Sở GDCK Philippines (PSE) cũng đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm lôi kéo các công ty đa quốc gia tiến hành niêm yết tại quốc gia này, Chủ tịch PSE cho biết. Theo đó, Phoenix Semiconductor Philippines Corp, một đơn vị thuộc STS Semiconductor & Telecommunications Co Hàn Quốc đã niêm yết tại Manila.

CEO Tajuddin Atan của Bursa Malaysia Bhd cho biết, các công ty Malaysia, bao gồm nhà sản xuất dầu cọ Felda Global Ventures Holdings Bhd, Astro Malaysia Holdings Bhd và IHH Healthcare Bhd, nhà điều hành bệnh viện lớn nhất châu Á, đều đã lựa chọn niêm yết tại quê nhà.

Không chỉ thành công trong việc thu hút các công ty lớn tại địa phương, Bursa Malaysia đã đổi quy định niêm yết trong tháng 7/2015 nhằm nâng cao sức hấp dẫn và giảm bớt chi phí liên quan, ông Tajuddin cho biết.

Tại Thái Lan, các công ty địa phương tiến hành IPO nhiều nhất tại Đông Nam Á trong vòng 3 năm qua, sau khi Sở GDCK Thái Lan công bố quy tắc mới đối với việc niêm yết các quỹ cơ sở hạ tầng, Santi Keranand, giám đốc bộ phận marketing tại Sở GDCK Thái Lan cho biết. Các quỹ này chiếm khoảng 45% số tiền huy động được từ hoạt động IPO kể từ năm 2013.

Trước sự mạnh lên của các đối thủ đáng gớm trong khu vực, sức hấp dẫn của TTCK Singapore đã giảm đi ít nhiều. Mặc dù vậy, Michael Wu, chiến lược gia tại Morningstar (Hong Kong) cho rằng, Singapore sẽ vẫn tiếp tục là một điểm đến thu hút đối với hoạt động IPO, bởi nơi đây có môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, chính trị ổn định và đồng nội tệ có sức mạnh ổn định.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục